Theo Đông y, dạ dày nhím có vị đắng ngọt, tính bình, vào hai kinh vị và đại tràng. Có tác dụng lương huyết, mát máu, làm hết đau, trĩ lậu ra huyết. Trị đau dạ dày, chứng lòi dom chảy máu, di mộng tinh, nôn mửa, giải độc, lỵ ra máu… Liều dùng ở dạng sắc hay tán trung bình từ 6-16gngày. Ngoài ra người ta còn lấy da nhím làm thuốc với tên thuốc là “thích vị bì”, còn thịt nhím có vị ngọt, tính lạnh có tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng. Lông nhím (hào chư mao thích) có vị cay, tính ấm có công năng hành khí chỉ thống, giải độc, chữa viêm tai giữa. Mật nhím dùng để chữa đau mắt, đau lưng và xoa bóp khi bị chấn thương. Ruột già, gan, phổi và cả phân nhím còn dùng để trị phong nhiệt…
Nhiều bộ phận của con nhím có tác dụng chữa bệnh.
|
Dưới đây xin nêu vài phương trị liệu điển hình có sử dụng thuốc từ con nhím.
- Trị chứng đau dạ dày: Dạ dày nhím để nguyên cả thức ăn có trong (được nhím rừng là tốt nhất) phơi rồi sấy khô, thái nhỏ sao chín tán bột, mỗi lần uống 10g vào lúc đói, chiêu với nước cơm. Có thể lấy bột dạ dày nhím, trộn với mật ong và bột nghệ với lượng bằng nhau, cần uống vào trước bữa ăn.
|
- Trị lòi dom chảy máu:
Dạ dày nhím sao phồng, tán bột mịn. Hoa hòe 10g sắc lấy nước, chiêu với bột dạ dày nhím đã tán mỗi ngày 3 lần (chia liều từ 3-6g làm 3 phần mà uống). Cần kiêng những thứ cay, nóng như: ớt, hồ tiêu, gừng, tỏi, hành, rượu; không dùng chè đặc, cà phê, thuốc lá… Cần ăn những thứ nhuận tràng như chuối tiêu, đu đủ, rau lang, rau đay, rau mồng tơi…
- Trị ngộ độc: Dạ dày nhím 1 cái sấy khô, tán bột. Gạo nếp cẩm 100g rang vàng tán bột. Trộn đều hai thứ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g.
- Chữa thủy thũng, hoàng đản (kể cả khi có cổ trướng): Đốt tồn tính dạ dày nhím, tán bột, mỗi lần uống 8g hòa với rượu.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI
(Theo SK&ĐS)