Khi quan sát từ Trạm Không gian Quốc tế (ISS), cực quang ở bán cầu nam của trái đất giống như những dải sáng nhảy múa.
Những dải sáng vào tối 15/9 trong bức ảnh của Ron Garan. Ảnh: AP. |
AP đưa tin Ron Garan, phi hành gia đang làm việc trên ISS, chụp được cảnh tượng cực quang xuất hiện ở bán cầu nam vào ngày 15/9. “Những dải sáng cực quang dường như nhảy múa cùng chòm sao Lạp Hộ. Đó là một khoảnh khắc khó quên”, Garan nói.
Sau khi bão từ quét qua trái đất vào ngày 10/9, cực quang xuất hiện thường xuyên ở bán cầu bắc trong những ngày qua. Bức ảnh của Garan cho thấy cực quang cũng xuất hiện ở bán cầu nam.
Cực quang xuất hiện khi những hạt mang điện tích từ mặt trời lao vào bầu khí quyển trái đất với tốc độ cực lớn. Trong quá trình di chuyển, những hạt mang điện tích đâm vào các nguyên tử oxy và nitơ khiến mức năng lượng của chúng tăng lên. Kết quả là những nguyên tử nitơ và oxy phát ra dải ánh sáng nhiều màu sắc. Khi những dải ánh sáng xuất hiện ở bán cầu bắc, chúng được gọi là bắc cực quang. Nếu xuất hiện ở bán cầu nam, người ta gọi chúng là nam cực quang.
Địa cầu không phải là nơi duy nhất trong hệ Mặt trời có cực quang. Hiện tượng này cũng xuất hiện trên sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Kim, sao Hỏa và sao Hải Vương.
Minh Long
(Theo vnexpress)