Truyền thuyết về Bát tiên có lẽ đã bắt đầu từ thời nhà Đường. Thế nhưng nó không ngừng thay đổi qua các triều đại khác nhau.
Theo truyền thuyết dân gian thời hậu Minh, Bát tiên gồm có Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Thiết Quải Lý, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hòa và Hà Tiên Cô. Từ ngoại hình mà thấy thì họ rất khác nhau. Tào Quốc Cữu là thân thích của Hoàng đế; Thiết Quải Lý là một người tàn tật bị què chân và phải chống một cây gậy sắt, giống như người ăn mày; Hà Tiên Cô là một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp; Trương Quả Lão là một cụ già tóc bạc, gương mặt hồng hào, râu tóc phất phơ, thường cưỡi ngược một con lừa; Hàn Tương Tử là cháu trai của Hàn Dũ, một nhà văn triều Đường, người thích thổi sáo; Hán Chung Ly lúc nào cũng cầm phe phẩy một cây quạt ba tiêu, v.v. Tuy nhiên, họ đều là Tiên nhân của Đạo gia, và thường đi cùng nhau.
Mỗi người họ đều có một hình tượng và phong cách nhất định; đây cũng là đề tài nghệ thuật để các nghệ sĩ truyền thống phát huy trí tưởng tượng. Bát tiên thường xuất hiện trong hí kịch, hội họa và điêu khắc Trung Quốc. Họ còn xuất hiện trong câu thành ngữ “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” và “Túy Bát tiên quyền” trong võ thuật.
Tiêu đề bức tranh này là “Bát tiên say rượu” (“Túy Bát tiên đồ”). Tại sao Bát tiên lại say rượu? “Vương Mẫu bàn đào thục, Khai hiên thiết thọ diên, Quần tiên luyến mỹ tửu, Túy đảo Diêu Trì biên” (tạm dịch: “Vương Mẫu mở hội bàn đào, Bày tiệc lớn để mừng thọ, Quần tiên luyến tiếc rượu ngon, Say ngã bên cung Diêu Trì”). Nguyên họ là đi dự đại hội bàn đào của Vương Mẫu Nương Nương. Cây đào tiên này ba ngàn năm mới ra hoa, ba ngàn năm mới kết quả, đúng là thứ quả tiên vô cùng quý hiếm. Mỹ tửu của Vương Mẫu Nương Nương đương nhiên là thứ ngọc dịch quỳnh tương mấy ngàn năm mới có, quả là vô giá. Đối với những bằng hữu mê rượu ngon này, thật tiếc là trên thế gian không có nơi nào mua được. Do đó tám vị tiên thấy rộng hiểu nhiều này đều uống say mèm bên cung Diêu Trì. Các bạn thấy đấy, chiếc vò rượu kia đã bị lật đổ chổng một bên rồi! Có vị uống rượu xong thì lảo đảo xiêu vẹo, việc gì cũng không biết; có vị uống rượu xong thì say khướt nô đùa; lại có vị say rượu rồi thì ngủ mê không tỉnh. Thậm chí có vị đã say mà vẫn còn muốn thêm một bát nữa. Rõ ràng một vị đang chìa tay ra đòi, cho tôi xin bát cuối cùng.
Bát tiên đều say cả rồi. Chúng ta xem bức tranh này cũng thấy cảm giác say xỉn và một chút vị rượu trong đó
Huy Hoàng
(theo chanhkien)