Thuở yêu nhau, người ta nghĩ về nhau bằng cái tình nên lúc nào cũng thấy cháy bỏng. Đến khi cưới, sống với nhau nhiều tháng, nhiều năm, hai “người dưng” lại sống vì cái nghĩa nhiều hơn.
Yêu và cưới là hai đời sống rất khác, nếu người trong cuộc lúc nào cũng “tương kính như tân” thì hạnh phúc sẽ bền lâu hơn – Ảnh: Quân Nam |
Nhiều vợ chồng không còn cảm giác xa là nhớ da diết hay “yêu trăm bận đến nghìn lần”, nhưng vẫn thấy dường như “anh/em đang ở trong em/anh”…
Vì yêu
“Bạn đến với một người, quan tâm, chăm sóc, đón đưa, tất cả đều nghĩ cho người ta bởi bạn yêu người ta – anh Minh Tâm ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đưa ra luận điểm ấy và vừa phân tích vừa gật gù, đắc ý – Quả đúng như vậy, nếu không có tình yêu thì có bỏ tiền ra thuê mình yêu ai đó tôi cũng… bó tay. Hồi xưa yêu bà xã, tôi chỉ biết quan tâm, xa là nhớ thương và cứ muốn được gặp hoài”.
Có lẽ khi yêu ai cũng có chung cảm xúc “như lửa đốt”, nhớ da diết khi xa người mình yêu. Và chính cảm xúc ấy đã gắn kết hai người lại dù gặp phải trở lực nào.
Nghĩa vợ chồng
Người ta thường nói: tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng. Sống với nhau, cùng nhau vượt qua những bão dông của cuộc đời thì giữa vợ chồng có cái nghĩa, bên cạnh cái tình thời son trẻ.
Anh Nguyễn Minh Hoàng ở Thủ Đức, TP.HCM bộc bạch: “Chúng tôi yêu nhau từ thời sinh viên, nhà cô ấy khá giả hơn. Dù có nhiều anh chàng giàu hơn, sang trọng hơn vây quanh đòi đón đưa nhưng vợ tôi vẫn không chịu. Cô ấy bảo yêu tôi và chỉ có mình tôi. Cái tình ấy của vợ cho tôi niềm hạnh phúc, tôi biết ơn cô ấy. Và sau này khi tôi đi làm có nhiều tiền, nhiều cô gái trẻ hơn vợ… muốn yêu tôi nhưng tôi đều từ chối”. Rồi anh tiếp lời: “Sức đề kháng ấy bắt nguồn từ mong muốn làm cho vợ luôn hạnh phúc, không thể và không được phép làm tổn thương cô ấy”.
Còn chị Phan Thị Thủy ở Quảng Nam khi nói về chồng lúc nào cũng thể hiện lòng kính trọng và một tình yêu mặn mà: “Anh ấy đã cáng đáng gia đình, vượt qua thời gian khó của kinh tế, nuôi con đàng hoàng”. Lối sống nề nếp của người đàn ông trụ cột trong gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn đã hình thành nên gạch nối cố kết những thành viên lại với nhau.
Khi đã là của nhau, hai vợ chồng vẫn “tương kính như tân”, đấy cũng chính là một cái nghĩa. Điều này thường khó thực hiện bởi họ nghĩ: đã là vợ chồng cần gì giấu giếm… Ngày xưa yêu nhau, bà e thẹn, ông nói gì bà cũng nhẹ nhàng, từ tốn. Giờ ông nói gì bà cũng cãi và đốp chát, không chịu thua. Ngày xưa bà có biểu hiện không vui ông đều thấy và hỏi han, xin lỗi nếu mình phạm lỗi. Giờ đã là vợ chồng, bản tính gia trưởng của ông bột phát, dù có lỗi rành rành ông vẫn một hai “tui là đàn ông, tui không có lỗi”.
Nguyên nhân có thể đến từ những chuyện buồn nho nhỏ trong đời sống vợ chồng không được giải quyết, để tích tiểu thành đại nên đến khi đủ “lượng” thì nó thực hiện bước nhảy thành “chất” mới. Từ chỗ yêu nhau, sau thời gian buồn, giận không được giải quyết vì cố chấp, vì thiếu tương kính như thuở ban đầu nên vợ chồng đã trở mặt, nhìn nhau mà… ghét như kẻ thù!
Nhịp cầu con trẻ
Con cái chính là một mắt xích quan trọng của hai vợ chồng. Anh Minh Tâm kể: “Làm gì cũng nghĩ đến con nên hai vợ chồng có muốn cãi nhau cũng thôi, không cãi nữa, con nghe sẽ buồn”. Anh nhận ra cái nghĩa vợ chồng hình thành từ chính tình thương dành cho con trẻ, khi cả hai cùng dành tình thương đến một đối tượng nào đó thì mọi rắc rối, hục hặc sẽ giảm hẳn.
Th.S xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM) cho biết: “Vì tương lai con cái chính là “lý tưởng” chung mà hai vợ chồng cùng hướng tới. Đấy cũng chính là sự đồng cam cộng khổ mà hai vợ chồng cùng trải qua. Lúc con vui, hai người cùng hạnh phúc và ngược lại. Điểm chung ấy sẽ làm nghĩa vợ chồng được nuôi dưỡng”.
Cảm giác biết ơn vợ đã sinh cho mình một thiên thần để yêu thương khiến chồng yêu vợ hơn. Và ngược lại, khi chồng dành tình yêu thương, chăm sóc con, cùng giáo dục con cũng làm người vợ tin chồng hơn, yêu chồng hơn. Cô Đỗ Thị Hoa ở huyện Bình Chánh, TP.HCM sau 40 năm làm vợ đã nghiệm ra: “Giờ hỏi chúng tôi có còn yêu nhau không thì chắc chắn vẫn còn, nhưng cái lớn lao hơn tình yêu chính là tình người – cái nghĩa mà ông ấy dành cho tôi và các con”.
Và lúc này tôi bất giác nhớ lời một vị thầy khả kính của tôi đã ví von: cái tình (tình yêu) giống như lửa rơm, bùng cháy dữ dội nhưng cũng mau tàn; còn cái nghĩa giống như lửa của con cối (con cối giữ lửa được làm bằng rơm, quấn chặt), nó âm ỉ, lâu bền…
Sống cho nhau Dù bận rộn trong công việc, song trong cuộc sống gia đình, họ luôn tìm cách “giữ lửa”.
* Diễn viên BÍCH HẰNG: cùng chung một hướng Tôi còn nhớ lúc mới yêu tôi và ông xã bây giờ cũng hay giận hờn vu vơ. Những lúc như vậy, nếu một trong hai người vì tự ái cá nhân chắc cũng chẳng nên nghĩa vợ chồng như ngày hôm nay. Rồi khi chung sống với nhau, sinh con… thì suy nghĩ sống cho nhau, sống vì nhau, sống vì con cái, sống vì chính tổ ấm của cả hai vợ chồng luôn là mục đích mà chúng tôi hướng đến.
* Diễn viên, người mẫu BÌNH MINH: người đàn ông phải “thắp lửa” Trong cuộc sống gia đình, người đàn ông luôn phải đóng vai trò “thắp lửa yêu thương”, đừng khiến vợ hụt hẫng, bởi lúc yêu thì nồng nàn, còn khi thành vợ thành chồng lại ngó lơ. Ngược lại, người phụ nữ cũng vậy, phải để chồng nhận ra “gia đình, vợ con là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất mỗi khi ta gặp khó khăn”. Chính từ việc gìn giữ những điều căn bản trên hiện tại cuộc sống của gia đình tôi luôn ấm áp và đầy ắp tiếng cười.
* Chị TRẦN XUÂN QUYÊN (trường quản lý khách sạn Việt-Úc): Ai cũng trải qua giai đoạn yêu đương cuồng nhiệt nhưng khi là vợ chồng thì tình yêu ấy có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, để giữ lửa cho tình yêu ấm mãi, tôi nghĩ phải có sự hợp tác từ hai phía, trong đó sự đồng cảm, lòng khoan dung, tha thứ là không thể thiếu. Tôi thường vận dụng môn quản lý nhân sự trong cuộc sống hôn nhân, có nghĩa là khai thác tối đa ưu điểm của ông xã và hạn chế những khuyết điểm, từ đó dung hòa mọi thứ. VIÊN QUANG ghi |
LONG ALÔ
(Theo TTO)