Nhiều công ty đang ganh đua để trở lại mặt trăng sau 38 năm con người đặt chân lên đó qua chương trình Apollo (ảnh). Thực chất của việc trở lại mặt trăng là để khai thác tài nguyên nơi ấy. Những thông tin phổ biến cho biết vệ tinh của trái đất có chứa một lượng lớn nước đá và khí methane, nhưng quan trọng hàng đầu là helium3 – loại nguyên tố hiếm cần cho lò phản ứng hạt nhân mà không gây ô nhiễm.
Hãng kỹ thuật Astrobotic của Mỹ là một trong số những công ty đang đặt mặt trăng vào tầm ngắm về việc gửi robot lên thám hiểm và khai thác tài nguyên trong tương lai gần. Trong đó, tiêu điểm là nguyên tố helium3 do trữ lượng dồi dào nhờ gió mặt trời tác động mặt trăng. Theo nhận định của David Gump, Chủ tịch hãng Astrobotic, chỉ cần một thùng kích cỡ một chiếc xe hơi chứa helium3 là đủ cho các lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng trên toàn nước Mỹ trong 1 năm, mà đó lại là loại chất liệu không gây hại cho môi trường.
Đến nay đã có 26 công ty tham gia giành giải thưởng Google Lunar X Prize trị giá 30 triệu USD. Để lấy được giải này thì ít nhất phải gửi 1 robot lên mặt trăng, robot này phải di chuyển ít nhất 500m và gửi được video về trái đất.
Astrobotic đang là một ứng viên sáng giá vì công ty này đang có nhiều hợp đồng với các hãng cung cấp tên lửa đủ tầm vươn đến mặt trăng.
David Gump tiết lộ với báo Daily Mail rằng phi vụ đầu tiên của Astrobotic có thể sẽ thực hiện sớm vào tháng 7.2014, nếu trễ hơn thì cũng phải tiến hành vào tháng 1.2015.
Song Mai