Một bức tranh khổ lớn (dài 5,4m, rộng 2m) đề cập đến vấn đề nhân sinh vừa thời sự vừa muôn thuở: chuyện “miếng cơm manh áo” của con người. Ẩn phía sau đó là gì mà họa sĩ phải viện đến một diện tích bề mặt tranh lớn như vậy cùng rất nhiều sơn dầu cho nó? Tin về bức tranh mang tên Miền đất hứa này khiến cho người viết phải tới tận Hải Phòng, để mục sở thị nó sớm và trò chuyện cùng tác giả. Càng thú vị khi biết rằng bức tranh lớn ấy sẽ không chỉ đứng một mình trong triển lãm được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/10 tới đây.
Mai Duy Minh (1976) không còn là một cái tên xa lạ trong giới mỹ thuật thủ đô vì tài nghệ của anh trong kỹ thuật sơn dầu. Minh rèn rũa kỹ thuật ấy đến mức người xem tranh của anh có cảm giác anh “thiên biến vạn hóa” với sơn dầu, điêu luyện và tự nhiên, làm cho chất liệu này trở nên hoàn hảo, giúp anh thể hiện được những gì anh muốn có trên tranh.
Buộc phải nhìn lại đôi tay của chính mình
Duy Minh đã mất 2 năm 7 tháng để hoàn thành bức tranh Miền đất hứa với diện tích bề mặt 540cm x 200cm, lớn nhất trong hơn 10 năm vẽ tranh của anh, tính từ khi tốt nghiệp “Mỹ thuật Yết Kiêu”, năm 1999. Tại sao lại là bức tranh lớn đến vậy? Minh thẳng thắn nói đó là vì ám ảnh của chính anh về chuyện cơm áo. Một thằng độc thân mà phải đi mượn từng đồng bạc để sống tạm. “Điều đó không phải là nỗi xấu hổ mà là ám ảnh” – Minh nhắc lại.
Mai Duy Minh bên bức tranh lớn của anh tại xưởng vẽ ở Hải Phòng
Minh chống lại nó bằng cách lánh xa tất cả bạn bè trong giới để lặng lẽ làm “tranh thị trường” trong vòng một năm rưỡi, cho đến khi có “đủ” với chính mình một khoản vật chất để tự thoát ra được cái ám ảnh kia. Minh cực đoan với nghệ thuật. Minh có thể lăn xả làm tranh thị trường rồi cũng có thể dứt khoát rời xa nó, việc mà thực sự khó khăn khi đã dính dấp vào, giới họa ai cũng nói thế. Minh cũng cực đoan trong đời sống hệt như thế. Có thể một mình cặm cụi nấu cơm, ăn uống đơn giản nhưng cũng có thể bỏ ra hàng trăm triệu tậu con xe Harley Davidson đời chót để ngắm, thảng hoặc xách ra đường chơi hay đi phủi vào tận Sài Gòn…
Và rồi, Minh chỉ đau đáu với riêng bức tranh này để toàn tâm toàn ý với nó. Từ phác thảo trên giấy, trên toan, dập đi dập lại hàng chục lần. Từ chỗ có hàng trăm nhân vật đến chỗ chỉ có một chấm hình người giữa mênh mông không gian siêu thực. Một số lượng lớn sơn Rembrandt và dầu Lucas đã được sử dụng cho bức tranh này để giúp tác giả chấm dứt hoàn toàn cái ám ảnh đời sống kia. Minh dường như đã lặn sâu vào bên trong nỗi ám ảnh ấy để dựng lên thành trì đôi tay cầm bát cơm và đôi đũa. Kỹ thuật sơn dầu hoàn hảo đã giúp Minh đắc lực trong việc tạo nên một không gian siêu thực, một đôi tay khổng lồ gân guốc, lam lũ, vững chãi, già nua như chứa đựng trong đó ngàn vạn năm lịch sử, ngàn vạn câu chuyện về miếng cơm để sống hay sống vì miếng cơm… Đôi tay ám ảnh trở lại người xem, như buộc họ phải ngắm nhìn lại chính đôi tay của mình và suy ngẫm về điều Minh muốn nói…
Chỉ đôi tay ấy, bát ăn cơm và đôi đũa thôi đã là đủ cho bức tranh này, sức ám ảnh của chúng mạnh mẽ. Nhưng có lẽ, tác giả muốn kể ở đó một câu chuyện mang tính văn chương nữa thì phải, bắt đầu từ bên trái bức tranh với cái thuyền, cuốn sách và nhân vật quỳ mọp ở bên dưới thành trì đôi tay ấy. Một lối tư duy truyền thống về ngôn ngữ thị giác do muốn dẫn lối người xem chăng? Hi vọng không phải vậy và những ám ảnh thị giác từ đôi bàn tay này, không gian này sẽ mở ra đa chiều cảm xúc và nhận hiểu cho mỗi người xem tranh.
Bức tranh sơn dầu Miền đất hứa (540cm x 200cm) của Mai Duy Minh
… Một phong trào hội họa hiện thực mới?
Cùng triển lãm với Mai Duy Minh còn có Vũ Ngọc Vĩnh (1978), hiện sống ở Hà Nội. Vĩnh có hai bức tranh vừa hoàn thành, diện tích bề mặt cũng khá lớn với chất liệu sơn dầu, 300cm x 160cm và 400cm x 170cm, vẽ về quán trà chén vỉa hè và một đám tang.
Triển lãm Không thời gian, gồm 15 bức tranh mới sáng tác của nhóm 3+, gồm Mai Duy Minh, Bùi Duy Khánh, Vũ Ngọc Vĩnh, sẽ được bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) từ 24 – 30/10 tới. Chiều 25/10, nhóm tổ chức một buổi nói chuyện nghệ thuật xung quanh chủ đề hiện thực trong hội họa và hành trình tiếp theo của nhóm. Những góc hiện thực mà Vĩnh chọn đưa lên tranh có thể gây bất ngờ cho nhiều người xem. Không kể chuyện gì khác ngoài việc vẽ lại một khung cảnh đời thực mà anh chứng kiến, can dự.
Vĩnh đã dứt khỏi việc vẽ tranh cho gallery để tập trung hoàn toàn cho một hướng đi mới, dẫu biết rõ, đôi khi tinh thần “vị nghệ thuật” của mình cũng chung chiêng trước chuyện “cơm áo gạo tiền”… Cách lựa chọn chủ đề hội họa như vậy cho thấy Vĩnh tự đẩy mình vào chỗ khó khăn trong sáng tạo để thử thách khả năng của bản thân. Chuyện vượt qua thử thách đó hay không thì còn phải chờ thời gian nhưng ít nhất, Vĩnh cho người xem tranh của anh chút hi vọng về những bức “chân dung thời cuộc” khác nữa của anh trong tương lai.
Hiện thực đôi khi chỉ tồn tại trong khái niệm bởi dòng chảy thời gian khiến cho hiện thực biến đổi theo từng khoảnh khắc. Nhưng có những câu chuyện nhân sinh thì dường như không biến đổi theo thời gian, trở thành một góc hiện thực vĩnh hằng trong tâm tưởng con người. Điều này có là một chủ đề hấp dẫn trong hội họa không? Người viết bài chưa dám chắc chắn nhưng có hi vọng về câu trả lời “có”, sau khi xem tranh của nhóm tác giả Hải Phòng với nhân vật chủ xị là Mai Duy Minh.
Phong Vân
(Theo TT&VH)