Nói là chợ nhưng thực chất đây chỉ là những điểm người Việt tập trung lại để mua bán các sản vật.
Trên 50 chợ này nằm dọc theo tỉnh lộ 955 A đoạn qua các xã An Phú, Phú Tâm của huyện Tịnh Biên (An Giang), còn được gọi là “chợ chồm hỗm”. Chợ tấp nập hoạt động suốt ngày, chuyên bán các sản vật mùa lũ do người Campuchia đánh bắt được.
Nói là chợ nhưng thực chất đây chỉ là những điểm người Việt tập trung lại để mua bán các sản vật mùa lũ do người dân Campuchia vừa đánh bặt được trên những cánh đồng mênh mông nước lũ của nước bạn.
Mỗi ngày anh Thành thu mua khoảng 2 tấn ốc, hến.
Có chợ chỉ bán toàn cua đồng, có chợ chuyên bán bông súng, rắn, cá đồng, ốc, hến,… Tất cả các “chợ chồm hỗm” này có chung một đặc điểm là tạm bợ, và người mua sau khi gom hàng sẽ chuyển hết lên xe tải đưa về TP HCM bán lại.
Chị Trang có thâm niên trong nghề buôn cua đồng gần chục mùa nước nổi, cho biết: “Cua cá bên đồng mình hết rồi, nên chỉ đón mua cua cá của người dân Campuchia mang sang đây bán là mau đầy xe nhất. Những hôm đồng yên sóng thì khoảng hơn 2 giờ đồng hồ sẽ có cả 20 đầu xuồng cua mang sang đây bán, với giá 6.500đ/kg. Họ lấy tiền xong là tiếp tục ra đồng đặt cua tiếp. Có người làm giỏi, 1 ngày bán gần cả tấn cua!”.
Một chợ chuyên mua bán cua đồng.
Còn chị Nguyễn Thị Bé – ở xã Phú Tâm – chuyên mua lại bông súng, chia sẻ: “Buổi chợ trúng hay lỗ là tùy thuộc vào ông trời. Hôm nào trời cho yên gió, lặng sóng thì hôm đó tha hồ mà mua bông súng. Vì không có người làm nên mình chỉ mua khoảng 100 kg bông súng thôi, vì còn phải phân loại bông súng ra và cuốn lại cho gọn rồi mới mang ra chợ bán lại cho các chủ lớn đi thành phố”.
Điểm chợ này chuyên mua bán rắn.
Ông Huỳnh Hữu Phúc – Chủ tịch UBND xã An Phú – trao đổi: “Cũng nhờ mấy cái “chợ chồm hỗm” vùng biên này mà người dân nước bạn Campuchia có nơi “xả hàng” mau lẹ rồi về đồng đánh bắt tiếp. Ngoài ra, chợ cũng góp phần giúp một số bà con vùng lũ của mình có công ăn việc làm, mỗi ngày cũng kiếm từ 60.000 – 80.000 đồng từ tiền bốc vác, bó bông súng thuê cho các chủ thu mua. Hai mẹ con chị Bé do ít người chỉ dám buôn 100 kg. Sau khi mua hàng của người Campuchia, chị Bé cuộn bông súng thành lọn và đem bán lại với giá 2.000 đ/lọn.
Theo Dân Trí