Đó chính là hiện tượng một bộ phận giới trẻ đang chạy theo các trào lưu hiện đại một cách mù quáng.
Từ vẻ bề ngoài…
Vẻ ngoài sành điệu, giống “Tây”, giống “Hàn” đang là đích ngắm của một bộ phận teen hiện nay. Các bạn ấy thích chạy theo hàng hiệu, các sản phẩm hi-tech, phụ kiện đắt tiền, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ. Thật không khó để bắt gặp những nhân vật như thế lượn lờ trên đường phố hay đầy rẫy trên các trang mạng xã hội.
Mới gặp lần đầu, T.Trang (17t) có lẽ khiến nhiều người ngờ ngợ về mình. Với làn da được tắm trắng và dưỡng bằng vô số mỹ phẩm, khuôn mặt được nâng sửa và trang điểm kỹ lưỡng cầu kỳ, thêm vào kiểu ăn mặc khá thoáng, Trang tự hào khi nhận được lời khen là trông giống… Tây lai. Nhưng việc lạm dụng mỹ phẩm khiến cho cô bạn mất dần tự tin khi… lộ mặt thật, không make up, trông già hơn tuổi. Và đương nhiên, những thứ hào nhoáng đó càng khiến Trang càng lúc càng thêm không hài lòng với bản thân mình.
Không chỉ các cô nàng, mà một bộ phận teen boy cũng không chịu ngoài cuộc trong “cuộc đua làm đẹp”. Kết quả là cho ra đời những anh chàng tóc tai dài lượt thượt che mắt, áo quần sặc sỡ và sử dụng mỹ phẩm chuyên nghiệp không thua gì con gái, hoặc là một bộ phận “hầm hố” xăm hình, xỏ rốn, đeo khuyên mũi cùng các trào lưu thời trang “khủng bố” được cập nhật liên tục. Công nhận rằng làm đẹp không có lỗi, áp dụng những trào lưu đẹp của teen thế giới cũng là cách để teen Việt chăm chút cho bản thân. Nhưng khi bạn chạy theo trào lưu đến mức chối bỏ chính vẻ ngoài của mình, biến mình thành một người khác hẳn thì đúng là không nên chút nào.
… đến ngôn ngữ
Thử liếc qua danh bạ điện thoại của một teen có vẻ “sành điệu”, rất hiếm khi đào ra được một cái tên Việt. Nào là Jenny, Sunny, Sammy, Andy, Kevin…, toàn những cái tên mà nếu người lớn nghe qua sẽ dễ nhầm lẫn thành tên người nước ngoài. M.Tiên (16t) giải thích: “Bây giờ không ai gọi tên thật nữa, vừa già vừa xấu vừa… quê quê. Nhóm tụi mình ai cũng có “nickname Tây” hết. Thời buổi hội nhập mà, bạn bè mình có nhiều người nước ngoài, tên tiếng Việt có dấu khó gọi lắm.” Sử dụng nickname nước ngoài để bạn bè quốc tế dễ gọi cũng là điều tạm chấp nhận được, nhưng các bạn có cần thiết phải chê bai, coi khinh cái tên tiếng Việt của mình đến mức đó không? Cái tên giúp phân biệt người này với người khác, nó chính là hiện thân cho con người bạn đấy.
H.Nam (16t) cũng là một teen boy bị ảnh hưởng theo trào lưu ngôn ngữ. Anh chàng cho rằng mở miệng ra chịu khó đệm thêm một số chữ tiếng Anh vào thì mới…sang. Với vốn tiếng Anh phát âm khá chuẩn, mỗi dịp đi cùng gia đình hay bạn bè là dịp để Nam yêu cầu phục vụ bằng tiếng Anh với một thái độ cao ngạo. “Ai cũng tưởng mình là dân “hạng sang”, xúm xít phục vụ, ân cần dữ lắm...” – Nam nhún vai nói. Đôi khi anh chàng còn đệm thêm một số tiếng lóng như “f***”, “s***” cho “thêm vui” mà không cần quan tâm đến mức độ xấu xí của những câu chữ này. Việc bạn giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ thứ hai là rất đáng khuyến khích. Nhưng sử dụng đúng trường hợp thì là học hỏi, sử dụng mọi nơi để khoe mẽ thì thật là kệch cỡm và buồn cười, phải không?
Và cả cách suy nghĩ
Rất nhiều teen Việt ao ước có được cuộc sống như teen nước ngoài, một phần bắt nguồn từ sách báo, phim ảnh và những hiểu sai về cách người nước ngoài sống. Nhưng thực ra, nếu những bạn ấy hiểu rõ vấn đề, các bạn ấy sẽ thấy rằng cuộc sống của người nước ngoài cũng không “Tây”, không hào nhoáng như các bạn tưởng đâu. Nếu bạn nghĩ rằng teen nước ngoài tha hồ đi mua sắm, du lịch khắp các nơi, thì thực tế là các bạn ấy cũng đã phải làm thêm rất nhiều việc, từ chạy bàn, giao báo và bán hàng trong siêu thị để kiếm tiền mua những gì họ muốn và du lịch, chứ không phải là ngửa tay xin tiền từ ba mẹ. Điều này giúp họ có thêm ý thức với việc tiêu xài và có trách nhiệm với tiền bạc hơn – một việc mà hiếm teen Việt nào làm được.
Hay như chuyện teen nước ngoài thường được gia đình ủng hộ chuyện tình cảm, cũng như chẳng cần phải giấu “cậu bạn/ cô bạn gà bông” với bố mẹ như teen mình. Thế nhưng, chúng mình có để ý rằng họ rất có ý thức trong những mối quan hệ, biết cách sống an toàn, lành mạnh, tự bảo vệ mình? Rồi teen Việt thích cách sống “Tây” vì họ không bị cha mẹ kiểm soát, được tự quyền quyết định cuộc sống, cũng như chẳng phải “đi thưa về trình” như ở Việt Nam. Nhưng teen à, các bạn trẻ nước ngoài sống có trách nhiệm với bản thân lắm, họ luôn nhận mọi trách nhiệm cho những việc mình làm. Còn teen mình thì sao, chưa có bằng lái vẫn phóng xe vù vù ngoài phố, đến lúc bị cảnh sát giao thông bắt lại thì ỉ ôi… gọi mẹ lên chuộc xe về. Thử hỏi, bạn chưa đủ bản lĩnh chịu trách nhiệm cho mình thì ai nghĩ rằng bạn đã lớn nào?
Đương nhiên cuộc sống teen nước ngoài luôn rất gây tò mò và cuốn hút. Nhưng bạn có thể đứng vững trước những giá trị bề ngoài hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính bản lĩnh của bạn đấy, teen ạ!
(Đ.T.H.D – Theo PLXH)