Mỗi vùng miền của nước ta lại có những món xôi đặc trưng, đa dạng về nguyên liệu như xôi bắp, xôi đậu, xôi gà, xôi ngọt… và đặc biệt là món xôi Xiêm của người dân vùng Châu Đốc tỉnh An Giang nếu ai có dịp thưởng thức sẽ khó thể nào mà quên được hương vị thơm ngon độc đáo.
Theo người dân nơi đây, món xôi này được du nhập về vùng đất Châu Đốc bởi một người Thái gốc Việt vì thế mà tên gọi xôi Xiêm cũng có nguồn gốc từ đó. Xôi có vị ngọt, béo ngậy và một mùi thơm rất lạ, chính vì thế mà nó nhanh chóng trở thành một món ăn rất được chuộng ngay từ lần đầu tiên giới thiệu với người dân địa phương.
Nguyên liệu chế biến món xôi Xiêm.
Cách chế biến xôi Xiêm cũng không phức tạp lắm nhưng nhưng lại cần có kinh nghiệm và sự khéo léo. Về nguyên liệu phải đảm bảo là gạo nếp Thái, bột mỳ, trứng vịt, đường thốt nốt. Gạo nếp đem vo sạch, để ráo rồi lấy lá chuối đặt vào chõ hấp bằng tre, nhôm hoặc inox. Nước trong nồi hấp cách mặt chõ chừng 2cm. Đặt chõ hấp lên bếp trên ngọn lửa nhỏ rồi đồ trong khoảng 1 giờ. Trong suốt thời gian này, gạo nếp sẽ hút hơi nước sôi bốc lên và chín dần.
Tiếp theo là đến đoạn chuẩn bị nước xốt. Trứng được đập vào trong tô sứ, thêm một chút bột mỳ, nước dừa tươi, đường thốt nốt, đánh tan đều rồi bỏ vào hấp cách thuỷ khoảng 30 phút. Pha một chút nước dừa tươi với bột năng để chế biến nước cốt dừa.
Hấp dẫn đĩa xôi Xiêm.
Khi ăn xôi Xiêm, người ta xới xôi ra đĩa, rưới nước xốt và nước cốt dừa lên trên. Món xôi đạt yêu cầu là khi hấp phải chín tới, dẻo, không nhão mà cũng không cứng, nước xốt có vị ngọt, ngậy mà không béo, thơm mát.
Du khách khi bước vào những góc nhỏ chợ ở Châu Đốc, từ chiếc chõ xôi đã toả hương ngào ngạt như muốn đánh thức vị giác của thực khách. Vị thơm ngọt của lá dứa, thơm nồng của lá chuối quyến luyến trong một cảm nhận thật hài hoà. Thưởng thức một món ăn ngon không chỉ nằm trong cảm nhận của vị giác. Cái ngon là sự hòa trộn của cả cảm nhận thị giác và khứu giác. Món xôi Xiêm làm được điều ấy, chính vì vậy mà tuy có nguồn gốc từ Thái Lan nhưng xôi Xiêm đã trở thành món ngon truyền thống của người dân vùng Châu Đốc, An Giang.
Theo lao động
(Theo vctv)