Trót ăn “trái cấm”, rồi người chồng hờ cao chạy xa bay, nhiều chị em đành ngậm ngùi nuôi con một mình.
Biết tin, bố Châu cấm không cho cô đặt chân về nhà. Mẹ thì thương con gái, chỉ lén lên chăm con, giấm giúi cho tiền trong thời gian Châu sinh nở. Hiện tại, con gái Châu đã được 6 tháng mà người tình chưa một lần quay lại hỏi thăm. Hai mẹ con đang tá túc trong một gian phòng trọ rộng hơn chục mét vuông, thỉnh thoảng vài cô bạn qua thăm, lâu lâu mẹ cô cũng lên chăm cháu giúp.
Cuộc sống đã khó khăn nay càng khốn đốn, chuyện học hành đành gác lại, Châu thở dài: “Em không biết phải xoay sở thế nào, tiền phòng trọ, tiền sữa cho con cũng hết. Em đang cố nhờ bạn tìm việc làm thêm tại nhà nhưng khó quá. Những hôm mẹ ốm, con khóc rồi nôn, tè, mẹ con cùng khóc. Sao đời mình cay đắng thế!”.
Nhiều cô gái trẻ khi yêu không cân nhắc thiệt hơn, sẵn sàng “trao thân” cho người tình rồi mang thai. Đa phần các bà mẹ trẻ này chọn phương án phá thai, số khác sinh con rồi cho đi hoặc một mình vượt cạn trong cảnh khổ cực trăm bề.
Như tình cảnh của Hòa (thành phố Hải Phòng), có thai khi vừa ra trường và đi làm được một năm. Sống như vợ chồng với người tình đã có gia đình, Hòa đã từng phá thai hai lần vì anh ta không muốn ảnh hưởng tới gia đình riêng. Lần “dính” bầu thứ 3, Hòa không dám bỏ nữa vì sợ sau này sẽ không còn khả năng làm mẹ. Cũng từ đó gã đàn ông kia lơ là và dần biến mất. Bất chấp sự phản đối của gia đình, Hòa quyết định không bỏ cái thai.
May mắn hơn Châu, gia đình không chấp nhận nhưng vì thương con, bố mẹ Hòa vẫn chu cấp kinh tế để cô lo chuyện sinh nở. Tuy nhiên sau khi sinh, Hòa phải bỏ việc để ở nhà chăm sóc bé, rồi đối mặt với những lời dị nghị từ mọi người xung quanh…
Con càng lớn, Hòa càng hối hận về quyết định của mình. Cậu con trai thiếu cha lại hay tủi thân so sánh khi nhìn bạn có đủ bố và mẹ. Cũng vì thiếu tình thương của cha nên cậu bé suốt ngày đeo bám mẹ không cho Hòa làm việc gì, “con sợ mẹ biến mất, mẹ bỏ đi xa”.
Khao khát một người đàn ông để nương tựa, nhưng vì có con nên tình duyên như một thứ xa xỉ với Hòa. Cũng có nhiều người đàn ông đến với cô, nhưng chủ yếu vì chuyện thể xác chứ ít ai có ý định nghiêm túc, hoặc nếu có thì họ cũng gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình.
Chứng kiến nhiều trường hợp các bà mẹ đơn thân khốn khổ một mình nuôi con, chuyên viên Minh Hoa, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM cho biết, người mẹ bình thường đã vất vả; làm mẹ đơn thân, nhất là trong tình huống bị động thì càng cực gấp nhiều lần.
Theo nhà tâm lý, trên thực tế hiện nay không ít phụ nữ lựa chọn có con mà không chồng. Họ cũng phải đương đầu với dư luận xã hội, giải quyết khó khăn về kinh tế, chăm sóc con cái, nhưng dẫu sao người mẹ đã cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo và có sự chuẩn bị trước. Còn những cô gái lỡ có thai ngoài ý muốn, bị ruồng bỏ và buộc phải tự sinh, nuôi con thì mọi chuyện lại khó khăn hơn.
Trong số những bà mẹ đơn thân bất đắc dĩ, khi chồng “cao chạy xa bay” đành phải chật vật một mình, thì có những chị em không chỉ trót dại một lần vì phút yếu lòng sau đó.
Điển hình như tình cảnh của Thu (quê Tiền Hải, Thái Bình). Chân ướt chân ráo vào TP HCM lập nghiệp, cuộc sống xa nhà khó khăn, đồng lương lại ít ỏi, Thu như người chết đuối vớ được phao khi nhận được sự giúp đỡ cả về về vật chất và tinh thần của một chàng trai tốt bụng. Sau gần một năm yêu nhau, cả hai quyết định thuê nhà trọ ở riêng vừa để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, vừa ngày nào cũng được gặp mặt nhau.
“Anh ấy bảo sớm muộn gì hai đứa cũng cưới nhau nên dọn về sống chung cho tiện. Em cũng nghĩ đơn giản thế nên không phản đối gì”, Thu nhớ lại. Sống cảnh “lửa gần rơm”, chỉ mấy tháng sau Thu có thai. Biết chuyện, ngay trong đêm, anh ta dọn đồ đạc đi biệt tích.
Mỗi lần nhớ đến mối tình tội lỗi, Thu lại tức tưởi: “Lúc đó em như rớt xuống vực thẳm, vừa hoang mang lo lắng, vừa không thể tin rằng anh ấy hèn nhát như vậy. Nhưng rồi chờ mãi không thấy anh ta về, em đã phải cắn răng đối diện với sự thật”.
Cũng nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ thai nhưng lại không đành, cuối cùng Thu quay về nhà nhận lỗi với cha mẹ và xin tá túc ở nhà chờ đến khi sinh con xong. Ở miền quê Thái Bình, nơi mà sự trinh trắng của người phụ nữ vẫn được đề cao, thì những cô gái “không chồng mà chửa” như Thu đi đến đâu cũng bị dẻ bỉu ra mặt. Vừa đau khổ vừa nhục nhã ê chề, cô vẫn cắn răng chịu đựng.
Nhưng trớ trêu thay khi đứa con đầu lòng được gần 4 tuổi, nỗi khát khao được sống trong vòng tay yêu thương của một người đàn ông lại cháy lên trong lòng, đẩy Thu sa vào cơn cám dỗ lần nữa. Thế là cô lại tiếp tục mang thai đứa con thứ hai với người đàn ông khác. Lần này gia đình đã hắt hủi và đuổi cô ra khỏi nhà trong cảnh bụng mang dạ chửa.
Nhìn nhận tình trạng này, chuyên viên Văn Thanh Sĩ, văn phòng tư vấn tâm lý TT&T cho rằng, gia đình và xã hội cần có cái nhìn bao dung hơn đối với những người phụ nữ đã trót lầm lỡ. “Bởi ai trong cuộc đời mà không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm nên hãy cho họ một cơ hội được làm lại. Trên thực tế cuộc sống của những phụ nữ một mình nuôi con vốn đã khó khăn hơn người khác rất nhiều vì bản thân họ phải thay chồng gánh vác vai trò cột trong gia đình”, ông nói.