Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng thiết bị thăm dò tự hành lớn nhất và tiên tiến nhất mà con người từng chế tạo lên sao Hỏa sau hai tuần nữa.
Hình minh họa hoạt động của thiết bị thăm dò tự hành Curiosity trên sao Hỏa. Ảnh: universetoday.com. |
Thiết bị tự hành, được gọi là Curiosity, sẽ được phóng vào ngày 25/11. Nó được trang bị các camera hiện đại, một cánh tay máy và các dụng cụ để phân tích đất, đá trên sao Hỏa. Chuyến bay của Curiosity sẽ kéo dài trong 8 tháng rưỡi. Nó sẽ đáp xuống bề mặt sao Hỏa vào tháng 8 năm sau, AFP đưa tin.
“Đây là cỗ máy mà các nhà khoa học nghiên cứu sao Hỏa mơ ước. Nó là thiết bị thăm dò tiên tiến nhất mà chúng tôi từng đưa vào vũ trụ”, Ashwin Vasadava, phó giám đốc dự án chế tạo Curiosity, phát biểu.
Nhiệm vụ của Curiosity, có kích thước tương đương một chiếc xe hơi và di chuyển nhờ 6 bánh xe, là thăm dò hố Gale ở bán cầu nam của sao Hỏa. Hố Gale chỉ có một quả núi nhỏ nên thiết bị tự hành có thể leo lên các vị trí của núi để phân tích mẫu đất, đá.
Curiosity không săn lùng sinh vật sống trên sao Hỏa, mà chỉ tìm kiếm những dấu hiệu chứng tỏ sự sống từng tồn tại trên đó. Dữ liệu mà thiết bị tự hành gửi về sẽ giúp NASA lập kế hoạch cho những nỗ lực thám hiểm sao Hỏa trong tương lai.
“Rất có thể những hóa chất phức tạp và cần thiết đối với sự sống từng xuất hiện trên sao Hỏa. Những dấu vết về sự sống trước kia vẫn còn trên đó”, Pamela Conrad, một chuyên gia cao cấp trong nhóm phân tích mẫu vật chất trên sao Hỏa, nhận định.
Thời gian hoạt động dự kiến của Curiosity là hai năm, song NASA hy vọng thiết bị sẽ vận hành lâu hơn thời gian dự kiến, giống như nhiều thiết bị thăm dò của họ trước đây.
Minh Long
(Theo vnexpress)