Có người hỏi tôi, sau những ngày lang bạt trên nóc nhà thế giới Tây Tạng, cậu nhớ cái gì nhất? Trả lời: Nhớ giọt nước mắt của mình giữa đỉnh trời tuyết sơn vĩnh cửu.
Sao lại lấy mình làm trung tâm của vũ trụ thế, nói về cái gì của trời đất hay của con người xứ Tạng đi? Không, Tây Tạng là nóc nhà thế giới, là cực thứ ba của trái đất, là miền đất chư thiên (theo tiếng Arập và tiếng Ba Tư, Tây Tạng chiết tự ra nghĩa là: “Ở các độ cao”). Mây trắng tinh khôi, tuyết trắng nhức mắt, trời và hồ nước ngọt, nước mặn ở vòi vọi trên khoảng 5.000m (so với mực nước biển) kia, nó xanh như không có thực trên đời.
Và nữa, sự khắc nghiệt đến mức thở xong một hơi nặng nhọc ở đỉnh đèo cao nhất thế giới, ven con hồ nước ngọt cao nhất thế giới đó, tôi không dám tin mình còn đủ sức thở thêm một hơi tiếp theo nữa. Vậy nên, lúc chia tay ở phi trường Lhasa cao nhất thế giới ấy, tôi đã nắm tay Xia (tên tiếng Anh là Sunday) – nàng phiên dịch người Tạng lanh lẹ như một con báo gấm đó – rồi dấm dúi gạt nước mắt. Không nói được câu nào, không dám hẹn ngày tái ngộ.
Bây giờ ngồi nhớ lại tôi vẫn có cảm giác sợ sệt. Cái tuổi già mắt mờ chân chậm, cái lúc sương khói phủ mờ cõi dương gian của một kiếp con người, nếu ai đó từng gặp, có lẽ nó chính là cảm giác bước chân trong kiệt sức vì thiếu dưỡng khí, với hội chứng độ cao khủng khiếp này đây. Tôi nâng niu từng hơi thở, để gặn chắt sức mình mà nhỏm dậy bấm một kiểu ảnh, rồi thiếp đi trên con đường thiên lý đẹp đến choáng ngợp. Thế nên khi bạn Monday hỏi: Bao giờ anh trở lại thủ đô Lhasa, thành phố Sigaetse, rồi hồ Yamdrok-sto, sông Yarlung Zangbo; tôi đành thở hắt cố giấu người bạn tốt giọt nước mắt của mình.
Nhưng bù lại, Tây Tạng giống như là một cõi khác, một kiếp khác. Nơi này vừa gặp người ta đã lo sợ nếu phải xa nó thì sẽ nhớ biết chừng nào. Thiên nhiên trên nóc nhà thế giới đẹp rợn ngợp, như Xuân Diệu viết: “Ta là một là riêng là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (bài thơ có tên “Hy Mã Lạp Sơn”, tức Everest). Máy bay cứ ù lỳ trôi như câm lặng, như vô định qua những đỉnh núi, những dòng sông băng giá trắng toát nối tiếp nhau hàng nghìn cây số. Trong nắng trong vắt, những đỉnh núi tuyết tự đổ cái bóng sẫm đen lên núi và lên tuyết, tạo nên những hình khối lạ lùng.
Có lẽ, rất rất ít loài động vật sống được trong hàng triệu cây số vuông núi tuyết quây kín nóc nhà thế giới kia? Cỏ cây thì tuyệt nhiên không thấy bóng rồi. Sơn hệ lớn nhất thế giới, cao nhất quả đất ấy, cứ băng giá và cô liêu bất tận mãi thế ư? Tây Tạng có độ cao trung bình khoảng 4.500m so với mực nước biển, con đèo cao nhất thế giới mà tôi sắp hạ cánh để leo lên nó cao khoảng 5.200m so với mực nước biển. Từ đỉnh đèo đó, hạ cánh những 5.000m nữa thì mới đạt độ cao… của sân bay Tân Sơn Nhất và những phố xá vẫn bị thuỷ triều tấn công ở Việt Nam.
Nhìn những đỉnh núi 7.756m rồi Everest 8.850m vòi vọi trong sơn hệ Himalaya – xương sống của địa cầu – nằm trùm lên biên giới Tây Tạng và Nepal, anh bạn tôi bảo, mình cứ ngắm say sưa, cứ gửi vào các dòng sông băng và các đỉnh tuyết sơn cô độc kia một ánh nhìn, một ký ức, một sự tưởng tượng mộng mơ. Bởi biết chắc, kiếp này không bao giờ ta đến được nơi đó. Và có lẽ, nghìn kiếp sau nữa, trái đất chưa chắc đã sinh ra được một cá thể người nào đặt chân được đến hoang vu nọ.
Bất giác tôi rùng mình vì sự mênh mông vài giờ bay chưa hết nhấp nhô điệp trùng núi tuyết. Nhìn sang bên, mấy cô tiếp viên xinh đẹp người Tạng cứ dịu dàng yêu cầu quý khách về lại vị trí ngồi ghi trên thẻ hành khách, rồi chính cô lại phải mỉm cười cảm thông, mặc kệ những du khách khoa chân múa tay nhòm rồi chĩa đủ thứ ống kính máy ảnh, máy quay ra cửa kính trong lần đầu theo đường trời tuyệt kỹ tới thủ phủ Lhasa của xứ Tạng. Bên cạnh tôi, hai người đàn bà có gương mặt đặc sệt Tây Tạng cứ nhắm mắt, tay lần tràng hạt, tiếng cầu kinh lầm rầm như bay lượn êm êm. Hình như, họ vẫn cứ cầu kinh, đọc mật chú thiêng, lần tràng hạt, quay bánh xe luân pháp như cơm ăn nước uống hằng ngày.
Cung điện Potala – di sản văn hoá thế giới ở nơi cao nhất địa cầu.
Hy vọng có thể thở thêm được một hơi nữa…
Các nhà khoa học đã chứng minh được, cái gene của người Tây Tạng có sức tiến hoá và thích hợp với hội chứng độ cao nhất thế giới. Vì thế, họ cứ mỉm cười cảm thông khi thấy du khách ai cũng bẻ những ống thuốc nước màu tím sẫm đựng trong hệ thống lọ bằng thuỷ tinh hình con thoi mà uống để chữa trị chứng bệnh choáng ngất do độ cao. Họ thương hại khi thấy du khách bò lê kéo càng dùng bình ôxy, uống sữa trâu yak pha bơ với trà nóng để tiếp thêm sinh lực.
Trước khi nhập Tạng, tôi đọc khá nhiều tác phẩm văn học, báo chí, phim ảnh, ký sự bằng hình về Tây Tạng, đúng là người ta có nhắc đến việc không khí loãng gây đau đầu buồn nôn, chảy máu cam, ngất xỉu dọc đường. Cả trong các sách về du lịch, các lời khuyến cáo trong đơn vị tổ chức cũng có nhắc đến điều này. Song, tôi xin khẳng định: Nếu ai cũng nói đúng tầm của nỗi kinh sợ hội chứng độ cao, thì sẽ có rất nhiều người phải nghĩ lại với ý đồ lên nóc nhà thế giới của mình. Nhóm chúng tôi không ai là không kiệt sức.
Trên ôtô bao giờ cũng có đủ mỗi người một bình thở ôxy. Trong khách sạn cũng vậy. Đặc biệt, ở bảng hướng dẫn nội quy khách sạn, người ta cũng không quên dán danh mục các loại thuốc hoa hồng, thuốc đặc trị chứng bệnh độ cao. Họ cũng niêm yết khắp nơi số điện thoại của phòng y tế để ngay lập tức họ có mặt đo huyết áp, cấp cứu từng bệnh nhân một. Nói không ngoa, một nửa số người trong nhóm chúng tôi phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ, dẫu họ đa phần là trai tráng cơ bắp ác liệt, từng chinh đông chinh tây. Người yếu thì máy bay ở phi trường Lhasa vừa mở cửa đã nằm bất tỉnh nhân sự.
Tôi cũng cảm giác rõ như nguồn sống cạn dần, cạn dần từng khoảnh khắc. Chúng tôi cứ bò ra sàn khách sạn 4 sao, thỉnh thoảng mộng mị hỏi nhau, bạn đỡ hơn chưa? Nhưng hình như càng uống thuốc chống hội chứng độ cao, cơn choáng dường như càng nặng. Khoa học giải thích: Không khí ở trên cao loãng, lượng ôxy vào máu quá ít so với bình thường, dẫn đến rối loạn các hoạt động sống của cơ thể. Đấy là chưa kể, nơi này quá khắc nghiệt: Nhiệt độ trong ngày có thể dao động đến hơn 30 độ từ trưa nắng đến đêm khuya đầy tuyết.
Hậu quả phổ biến với đoàn chúng tôi là: Bữa đến, đại yến và tiểu yến đều bỏ ế toàn phần, ai nấy nhìn nhau không nói, không cười, không kêu rên. Môi tôi nứt nẻ như cái ruộng cấy gặp đại hạn, khóc hay cười đều đau nhói. Mặt ai nấy bạc đi, không thiết một cái gì trên đời. Bỏ mấy chục triệu đồng (tối thiểu) leo lên vùng đất mái nhà thế giới, miền đất chư thiên chư thánh ước mơ cả đời, nhưng đúng là đến tu viện cổ nhất Tây Tạng ở gần thành phố lớn thứ hai đất nước này Shigatse, mái điện dát vàng ròng nghìn năm tuổi, tôi vẫn phải nằm bẹp ngoài xe.
Ngủ trong khi trời nắng chang chang, nhiệt độ ngoài trời vẫn 4 độ C, tuyết vẫn trắng các dãy núi. Nằm ngoài cửa tu viện, tôi bèn chĩa ống kính vào tu viện thở dài bấm vài kiểu ảnh cho khỏi tủi thân. Đến đỉnh đèo Kapala tuyết trắng và con hồ nước ngọt cao nhất thế giới Yamdrok-sto xanh kỳ ảo, xin thề có giời đất và con người Tây Tạng, tôi và nhiều người trong đoàn không còn đủ sức leo qua 100m từ quốc lộ lên cột đá đánh dấu “đỉnh cao kiêu hãnh” nữa. Bởi cảm giác mất trọng lượng, không điều khiển nổi chân tay, đặc biệt là đầu đau, gió buốt, hễ tiêu hao năng lượng vào một cử động hơi mạnh là… không thở nổi.
Những “viên ngọc hồ xanh” cao nhất thế giới
Các dãy núi tuyết trắng nhức mắt, tuyết mịn màng như bột pha lê ai vừa êm đềm rắc xuống núi xám cho da trời thêm xanh, cho cái hồ hình con bò cạp kia càng thăm thẳm kỳ ảo. Chúng xanh như không có thật trên đời. Có người muốn ném hòn đá xuống mặt hồ dài như con rắn xanh mấy chục cây số luồn giữa các dãy núi tuyết trắng kia xem: Nó có thật phải là nước không. Hay nó là một miếng ngọc bích khổng lồ? Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu rồi tranh luận mệt nghỉ, chỉ về một chuyện: Sao nước hồ bò cạp nó lại xanh kỳ dị đến thế?
Cao nguyên Thanh Tạng chỗ này, nhiều đoạn cứ lan man tuyết rạn vỡ phủ lên các đỉnh núi vàng ươm, xám ngoét khô cằn, không một loài thảo mộc nào sinh sống nổi. Hoang mạc ấy, có một con đường xuyên qua, vắt chùng chình từ lòng chảo lên đỉnh trời, vắt qua mép hồ xanh rộng 600km2 rồi trải tít hút về vô tận.
Ở nhiều góc hồ, có thể nhìn thấy đỉnh núi hùng vĩ Nojin Kangtsang (cao 7.191m) đang soi bóng nên thơ. Bùa chú, các gò xếp đá manidoi, cờ phướn, xương và đầu lâu động vật “trưng bày” khắp nơi như một nghi lễ bí ẩn. Chó ngao Tây Tạng lừng lững đứng nhìn, trâu lùn yak cũng rủ bộ lông mượt dài cả mét thung thăng đi lại như quái vật cao nguyên, bọn chúng chờ để du khách đến chụp ảnh chung. Một kỳ quan nữa ở Tây Tạng là hồ nước mặn cao nhất thế giới Nam-sto, với diện tích mặt nước lên tới 1.960km2. Trong hồ còn có 5 hòn đảo nhỏ, tượng trưng cho ngũ phương Phật. Ở Nam-sto, giữa mênh mông “biển xanh” (vì nó rộng và nước mặn, nên trước đây người Tạng cứ tưởng là biển và đặt tên là “Thanh Hải” – biển xanh) đó, cỏ mọc xanh, trâu yak, cừu và ngựa chạy thung thăng.
Tuyết trắng tan ra thành các dòng suối, suối nước ngọt đổ vào hồ, hồ lại có nước mặn. Mùa đông, mặt hồ đóng băng toàn bộ, người ta có thể đi tắt qua hồ đến tu viện. Đấy là chưa kể các hồ thiêng khác, như: Lhamo La-tso, rồi Manasarovar. Hồ Mặt Trăng, hồ Mặt Trời, hồ của quỷ, hồ của thánh thần (Thiên Hồ).
(Theo timnhanh)