1. Thành phố cổ Cahokia (Illinois, Hoa Kỳ)
Đồi mộ cổ Cahokia – Ảnh: meredith.edu
Là thành phố cổ xưa của người da đỏ, Cahokia nổi tiếng nhờ những ngôi mộ cổ. Theo các nhà khảo cổ học, thành phố được xây dựng vào năm 650 sau Công nguyên, cấu trúc phức tạp của thành phố đã phần nào nói lên được trình độ phát triển của xã hội lúc bấy giờ.
Trước khám phá của Columbus, đây là nơi sinh sống của khoảng 40.000 người, là thành phố đông dân cư nhất của Bắc Mỹ tại thời điểm đó.
Cahokia là thành phố nhiều tầng lớp, được tạo dựng từ những bậc thềm. Theo đó, những người hiểu biết và giới tăng lữ sống ở những bậc cao nhất, còn dân thường trú ngụ ở những bậc thấp hơn.
Địa điểm nổi tiếng nhất của thành phố là 109 gò mộ, cao tầm 50m, dành cho những vị hiền triết và người tư tế cuối cùng của thành phố. Vào thời điểm khai quật mộ, người ta tìm thấy nhiều cổ vật, trong đó có lịch cổ, đánh dấu những ngày điểm chí (đông chí, hạ chí) và điểm phân (xuân phân, thu phân).
Cho đến nay vẫn chưa xác minh được bộ tộc nào đã xây dựng nên thành phố Cahokia và vì lý do gì họ lại rời bỏ thành phố. Không ít nhà khoa học so sánh đây với cuộc di cư bí ẩn của bộ tộc Maya (Mexico).
2. Di chỉ khảo cổ Newgrange (Ireland)
Hình ảnh về di chỉ khảo cổ Newgrange – Ảnh: zazzle.com
Nhờ có Newgrange, Ireland có thể tự hào là đất nước có công trình megalithic cổ xưa nhất còn giữ được đến ngày nay. Newgrange được xây dựng vào năm 3200 trước công nguyên, “già” hơn cả Stonehenge ở Anh và kim tự tháp Giza ở Ai Cập.
Xung quanh di chỉ này có những luồng ý kiến khác nhau. Có giả thiết cho rằng Newgrange là một hầm mộ bởi hình thức phong phú của sự chạm khắc trên đá, đặc biệt những hình tròn xoắn ốc, các biểu tượng cùng một chủ đề trong nghệ thuật hầm mộ và ba hốc đá bí mật chứa những “bồn tắm” bằng đá. Một hành lang dài 19m dẫn đến một căn phòng mai táng, bộ khung là những cột đá monolit thẳng đứng nặng 20-40 tấn.
Cảnh tượng thật chẳng khác gì Stonehenge! Bởi thế đông đảo nhà khảo cổ học cho rằng Newgrange là một cái đền cổ chứ không phải là mộ động. Điều đáng nói, những tảng đá lớn mài nhẵn được xếp đặt với độ chính xác hết sức lạ lùng. Công việc này được thực hiện như thế nào vẫn còn trong vòng bí mật.
Lối vào Newgrange hướng chính xác đến chỗ mặt trời mọc vào ngày đông chí. Lúc đó, một đường ánh sáng chiếu qua ô cửa sổ nằm ngay trên lối vào, tỏa sáng hết sức ấn tượng. Từ ngày 19-12 đến 23-12, ánh sáng mặt trời chiếu vào bên trong căn phòng và tỏa sáng rực rỡ chỉ trong khoảng 17 phút.
Thật ra, được nhìn thấy cảnh tượng hiếm hoi đó chẳng khác gì trúng số độc đắc. Năm 2010 có đến 27.000 người tham gia nhưng chỉ có 50 người được chọn tham quan Newgrange vào thời điểm đông chí!
Vào những thời điểm khác, Newgrange mở cửa như thường lệ, cho nên bất kỳ du khách nào cũng có thể đến đây, tận mắt chiêm ngưỡng công trình cổ nhất trên Trái đất.
3. Đài tưởng niệm Yonaguni (Nhật Bản)
Thợ lặn thám hiểm đài tưởng niệm Yonaguni bí ẩn – Ảnh: zazzle.com
Là một thành hệ đá dưới nước nằm ở điểm cực nam của đảo Yonaguni, có lẽ đài tưởng niệm Yonaguni là địa danh bí ẩn nhất trên đất nước mặt trời mọc. Nơi này có cấu tạo bậc giống như các bậc cầu thang với bề mặt bằng phẳng và các góc rõ ràng. Đó là công trình nhân tạo hay là sản phẩm của tự nhiên? Cho đến giờ đây vẫn là đề tài tranh cãi quyết liệt giữa các nhà khoa học.
Địa danh này được biết đến vào năm 1986, khi giám đốc liên hiệp du lịch đảo Yonaguni tìm kiếm chỗ quan sát cá mập đầu búa. Các thợ lặn đã tìm thấy “cổ vật” với những khối đá đồ sộ, những bậc thang và sân bãi nằm yên lặng dưới lòng đại dương sâu thẳm và những vật dụng cổ được làm bằng tay… Tất cả như được thiết kế bởi bàn tay của thợ điêu khắc khổng lồ.
Cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là vết tích của những trận động đất khủng khiếp từ xa xưa… Mặc cho các nhà khoa học tranh luận và những bí ẩn vẫn chưa có lời giải, đông đảo khách du lịch, đặc biệt là các thợ lặn, vẫn tìm đến nơi này.
4. Stonehenge (Anh)
Các nhà khảo cổ cho rằng các cột đá này được dựng lên từ khoảng 2.500-2.000 trước Công nguyên dù các vòng đất xung quanh được xây dựng sớm hơn, khoảng 3.100 năm trước Công nguyên – Ảnh: Wikipedia
Nổi tiếng nhất trong danh sách này có lẽ là kỳ quan thế giới Stonehenge. Mặc dù các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa thống nhất được nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của Stonehenge.
Nổi bật những quan điểm cho rằng Stonehenge là mộ địa cổ hoặc là đài quan sát thiên văn, là nơi thờ cúng của những người tư tế Anh. Tuy nhiên, chúng đều không được công nhận chính thức. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được bằng cách nào những cư dân cổ nước Anh đặt những phiến đá nặng hàng tấn thành một hệ thống như vậy.
5. Bức tranh khổng lồ của nền văn hóa Nazca (Peru)
Những hình vẽ trên hoang mạc Nazca – Ảnh: buzzle.com
“Đau đầu” nhất phải kể đến những hình vẽ khổng lồ trên hoang mạc Nazca, phía nam Peru. Được biết đến qua ghi chép của nhà sử học Pedro Cieza de Leon từ thế kỷ 16, nhưng mãi đến năm 1939 công chúng mới được tận mắt chứng kiến đầy đủ các hình vẽ chụp từ trên máy bay của hai nhà khảo cổ học Paul Kosok và Maria Reiche.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, những hình vẽ khổng lồ này được tạo ra trong suốt thời kỳ tồn tại nền văn hóa Nazca từ giữa năm 200 trước Công nguyên tới năm 600. Chúng được tạo dựng bằng cách đào bỏ lớp đá cuội ôxít sắt phủ trên bề mặt sa mạc Nazca. Khi đá sỏi bị đào đi, đất có màu sáng dưới những đường rãnh đó tương phản với vùng bên cạnh.
Khả năng nhìn thấy toàn bộ những hình vẽ này chỉ có thể từ không trung. Chính điều này làm nảy sinh nhiều nghi vấn và giả thiết, đôi khi khá khác thường. Có người khẳng định người ta tạo ra những hình vẽ kia để “trò chuyện” với các vị thần; số khác lại cho những hình vẽ đó là những đường bay hạ cánh và là dấu hiệu chỉ dẫn dành cho tàu của người ngoài hành tinh. Luồng ý kiến thứ ba khẳng định cư dân Nazca cổ từ xa xưa đã biết cách xây dựng những thiết bị biết bay…
Bài toán lịch sử cho đến nay vẫn chưa có lời giải chính xác duy nhất.
“Vườn hình học” trên hoang mạc Nazca được gìn giữ cho đến tận hôm nay, chứa đựng những bí mật của nền văn hóa đã lùi vào dĩ vãng. Vì thế, dù hành trình đến với Peru và chi phí một chuyến bay trên cao nguyên Nazca không hề rẻ, rất nhiều người đã không ngần ngại rút hầu bao để có thể nhìn thấy di sản thế giới này.
6. Đảo Phục Sinh (Chile)
Moai Ahu Tongariki, khôi phục trong thập niên 1990 – Ảnh: Wikipedia
Đảo Phục Sinh, hay còn gọi là Rapa Nui, là hòn đảo duy nhất trên Thái Bình Dương, nơi xuất hiện hệ thống chữ viết riêng – rongorongo. Mặc dù cư dân cổ trên đảo ghi chép bằng các ký tự tượng hình, cho đến nay vẫn chưa một ai có thể giải mã được các văn tự đó.
Rapa Nui được hình thành từ các núi lửa, vì thế “đặc sản” của hòn đảo này chính là những bức tượng to lớn được tạc từ tro núi lửa cô đặc, được gọi là “moai”. Theo truyền thuyết dân gian, trong mỗi bức tượng moai chứa đựng sức mạnh kỳ diệu của tổ tiên – mana.
Đảo Phục Sinh trên thực tế sống dựa vào khách du lịch. Giá cả sinh hoạt, ăn uống ở đây khá cao. Điều này không liên quan đến việc “chặt chém” của người dân bản địa, mà liên quan đến hàng hóa đắt đỏ, bởi lẽ phần lớn chúng đều là hàng nhập khẩu. Đảo không lớn nên khách du lịch có thể tham quan các danh lam thắng cảnh bằng xe đạp hoặc đi bộ. Bạn cũng có thể thuê ngựa nếu muốn.
Moai Ranoraraku – Ảnh: Wikipedia
Không phải ngẫu nhiên đảo Phục Sinh được biết đến là một trong những hòn đảo cô lập nhất thế giới. Trên đảo chỉ có một sân bay và một bến cảng, vì thế muốn đến đây, một lời khuyên dành cho bạn là hãy theo dõi kỹ thời gian biểu của máy bay và tàu thủy, “tự thân vận động” lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.
NGUYỄN THỊ DỊU tổng hợp
(theo TTO)