Toàn Ấn Độ có 15.000 công ty hoạt động trên lĩnh vực này. Mỗi công ty thực hiện trung bình 50 – 100 cuộc điều tra mỗi tháng vào mùa cưới cao điểm, tăng trưởng 300% trong vòng năm năm qua. Một cuộc điều tra kéo dài 12 – 25 ngày với chi phí khoảng 25.000 – 40.000 rupee (từ 512 – 820 USD).
Hiện có 15.000 công ty hoạt động trên lĩnh vực thám tử tư tại Ấn Độ. Trong ảnh: quảng cáo bộ phim Thám tử tư Bengali ở liên hoan phim Sudance. Ảnh: TL
|
“Việc làm này không phải là gián điệp. Chúng tôi chỉ muốn biết về bạn trai của em gái mình trước khi họ cưới nhau”, một khách hàng tên Anita nói. Anita đã thuê thám tử để kiểm tra lai lịch anh chàng mà em gái cô gặp và yêu tại cơ quan trong khi cô dâu tương lai vẫn chẳng hay biết gì. Công ty thám tử mà Anita thuê dịch vụ là Veteran Investigatios (VI) có trụ sở ở Mumbai đã hành nghề này hơn 40 năm qua.
Giám đốc VI, ông Rahul Rai cho biết phần lớn khách hàng muốn tìm hiểu về chàng rể tương lai. “Họ muốn biết tất tần tật, từ thói quen cá nhân, cách sống, có lăng nhăng hay nghiện rượu không. Thậm chí là cả xu hướng tình dục nếu có nghi ngờ”. Để điều tra một đối tượng có một đội gồm hai hoặc ba thám tử. Công việc bắt đầu từ tìm hiểu người thân xung quanh trong bí mật, kiểm tra trên mạng và giám sát đối tượng. “Họ sẽ không bao giờ biết mình đang bị theo dõi”, thám tử Jay Prakash nói. Để thực hiện nhiệm vụ, công ty VI trang bị cho nhân viên nhiều phương tiện như camera giấu trong đồng hồ, dây chuyền, nút áo… Các thám tử thường cải trang thành người ăn xin, tài xế… để tiếp cận đối tượng.
Đối tượng thứ hai thường được yêu cầu điều tra là mẹ chồng. “Bà ấy có hay nổi giận không? Thói quen mua sắm của bà ấy thế nào. Bà ấy tiêu tiền thế nào”… là một trong nhiều câu hỏi mà khách hàng đề nghị nữ thám tử Usha, làm việc tại công ty Venus Detective tại Mumbai, phải tìm hiểu.
Sở dĩ dịch vụ này bùng phát vì thanh niên Ấn Độ đã thay đổi cách chọn ý trung nhân. Họ chủ động chọn bạn đời của mình qua nhiều cách, như lên mạng tìm người yêu, chứ không còn theo sự sắp xếp của ba mẹ. Công việc điều tra thám tử không được quy định cụ thể ở Ấn Độ. “Cho nên nó không trái phép mà cũng chẳng hợp pháp”, chủ tịch hiệp hội Thám tử tư ở Ấn Độ (APDI) Kumar Vikram Singh nói. Ông Singh bác bỏ những chỉ trích cho rằng công việc này là gián điệp, khẳng định trong bối cảnh văn hoá Ấn Độ thì vai trò thám tử có ý nghĩa. “Bạn sắp gửi con gái đến nhà người ta, cho nên nhu cầu muốn tìm hiểu thân thế gia đình bên chồng là chuyện dễ hiểu”.
Tuy nhiên, những người không đồng tình thì cho rằng hành động theo dõi là sự xâm phạm quyền riêng tư không cần thiết. Một chú rể tên Manish từng nghi ngờ đang bị điều tra, khi những người bạn của anh bị một người quen cũ tiếp cận và tỏ ra tò mò về những quan hệ của Manish trong quá khứ. Manish khẳng định việc theo dõi có thể dẫn đến cảm giác ngờ vực nhau trước hôn nhân.
Công việc của các thám tử trong một số trường hợp mang lại kết quả. Chẳng hạn như một chú rể bị thám tử của ông Rai phát hiện đã kết hôn với nhiều cô trước đó sau hàng tuần theo dõi. Một trường hợp khác, chú rể đã khai gian về gia cảnh của mình. “Anh ta không có công ty như đã nói, cho nên đám cưới bị huỷ”. Nói về điều này, bà Usha nhận định: “Chúng tôi không thể tiên đoán về kết quả hôn nhân. Chúng tôi chỉ đưa ra kết quả về những tình hình hiện tại theo yêu cầu các gia đình”.
Không chỉ dừng lại ở chức năng thám tử, một số công ty còn nhiều dịch vụ hơn như đi xem ngày cưới, đặt chỗ tổ chức lễ cưới hoặc giám sát buổi lễ. Cô A. M. Malathi, giám đốc công ty thám tử Malathi Women cho biết: “Gia đình chú rể thuê tôi tìm hiểu về đời tư cô dâu. Họ hài lòng với kết quả và tin tưởng tôi, nên họ muốn tôi tiếp tục hỗ trợ đến khi đám cưới diễn ra”.
(theo sgtt)