Mẹ bảo “muốn biết một người đàn bà thế nào, xem cách chị ta kiếm tiền lúc túng khó và tiêu tiền lúc giàu sang”.
Đúng là khi cùng quẫn túng thiếu, khi họ buộc phải chọn giữa không và có, khi những ràng buộc lễ giáo không còn quan trọng bằng cơm áo mỗi ngày, khi họ phải vật vã kiếm tiền trả lãi cho chủ nợ, cái phần tôi đích thực nhất của người phụ nữ mới bộc lộ ra.
Khôn ngoan hay bồng bột, hám lợi hay tàn nhẫn, buông thả hay bản lĩnh, nhanh nhậy hay đần đụt, bền bỉ hay hèn kém, tôi hay chúng ta, đều được thể hiện rõ ràng. Vấn đề không phải họ có vượt qua được lúc khó khăn túng quẫn đó không, mà là cách họ vượt thế nào. Họ chọn lao động hay chọn bán thân, chọn thắt lưng buộc bụng hay lừa người gánh nợ, họ chọn lương thiện cóp nhặt hay nhẫn tâm làm trò lừa đảo để giàu nhanh. Đấy là lúc tốt nhất để nhìn người.
Tôi từng mất bạn trong cái đường hầm đen tối đó, để khi cả hai đã đi được đến cuối đường hầm, mình thấy nhẹ nhõm hơn vì đã mất một người bạn, nhưng tìm ra một sự thật. Điều đó chẳng quý sao?
Qua ba nhăm tuổi, bạn bè quanh tôi đều đã có của ăn của để. Thi thoảng đi ăn trưa với nhau, nghe bạn hỏi nhau giày hiệu gì, túi mua ở đâu, nước hoa đó là loại limited edition hay là hàng đại trà, thấy mình ngu ngu, thộn thộn. Chị em bị ám ảnh bởi vị thế xã hội qua mua sắm đến nỗi không ít vụ cãi vã trên bàn ăn, nơi làm việc hay cả trên báo chí liên quan đến việc ai mua hàng nhái và ai chơi hàng thật. Một vài phụ nữ bỏ cả vài chục nghìn đô mua một cái túi Hermes không phải vì bản thân cái túi ấy đẹp, mà vì cái túi ấy thể hiện sự giàu có của chủ nó. Nhiều phụ nữ mua đồng hồ Gucci vì không phải vì nó hơn những cái đồng hồ thường khác, mà vì đơn giản nó mang thương hiệu Gucci. Mà có khi, họ cũng chẳng biết những cái thương hiệu ấy có nghĩa gì, và ở đâu ra.
Sẽ chẳng là vấn đề nếu ta thừa tiền để chơi những đồ hàng hiệu. Nhưng, rất nhiều phụ nữ đang phải gồng mình, vay mượn để có được những món đồ hàng hiệu hoặc thậm chí dùng hàng hiệu nhái Quảng Châu để được xem là giàu sang khi mình không hoàn toàn đã giàu dư dả. Đôi khi, tôi hỏi một người mới quen “Chị đi giày gì?” và nếu chị trả lời đại loại: “Giày đế kếp, da thật, khâu tay” một cách vô tư và tự tin, tôi hẳn sẽ rất vui vì có thêm một người bạn đã mua và dùng một món đồ vì nó đáng mua và dùng tốt, không phải vì nó mang một cái tên được người đời xưng tụng.
Tôi từng biết một người, có thể tiêu năm triệu cho một lần đi spa, nhưng lại từ chối không giúp đứa cháu ruột đang thiếu tiền đóng học và lơ không góp giỗ mẹ mình. Tôi cũng biết một phụ nữ chọn dùng những món đồ thường, đi xe thường để dành ra mỗi tháng ba triệu giúp bệnh nhân ung thư nghèo, lặng lẽ và bền bỉ suốt nhiều năm. Ai trong hai người, ta muốn coi là bạn?
Hồi chứng khoán được mùa, một cô bạn vốn là dân bán quần áo chuyển sang làm chứng khoán đề nghị: “Cậu biết chỗ nào làm từ thiện tốt tốt thì giới thiệu, tớ vừa trúng hơn hai chục tỷ, muốn cho từ thiện bớt để Mẫu còn cho lộc quả sau”. Hóa ra việc cô làm từ thiện, cũng chỉ là để được nhiều hơn. Mà cô cũng chẳng quan tâm, liệu tiền mình cho đi có đến được với người cần giúp. Đơn giản, cô tin là cho tiền đi, sẽ được nhiều tiền hơn gấp bội.
Hồi còn nhỏ, mẹ dạy tôi rằng đồng tiền do mình lao động mà kiếm ra sẽ ở lại nhà mình lâu hơn. Nếu đã xác định là mình lao động để kiếm tiền, mình sẽ không còn đau khổ vì phải làm việc vất vả, bởi lao động mà kiếm được tiền đã là may mắn. Và nếu phải lao động vất vả mới có được đồng tiền, ta không dễ gì tiêu nó cho những chuyện phù du. Có lẽ vì thế mà tôi chưa bao giờ nghèo và luôn thấy đủ.