Những kẻ thù của tình bạn tuổi teen
Thursday, December 29, 2011 8:07
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Để tránh cho tình bạn không bị đổ vỡ thì teen chúng mình hãy nhớ nên tránh xa những điều sau nhé!
Cố chấp, không biết nhường nhịn
Đây là nhược điểm mà gần như bất kì teen nào cũng có. Nhiều khi biết mình sai “mười mươi” nhưng vẫn cố tình “cãi” và khi hai người quay ra giận nhau thì có lẽ vì sự “tự ái” quá lớn mà hiếm teen nói lời “xin lỗi” trước. Nhiều trường hợp chỉ vì sự cố chấp “to đùng” của mình mà đã đánh mất tình bạn bền lâu hay tình yêu vừa mới chớm nở.
Phương thuốc cho teen là hãy dẹp bỏ đi tính cố chấp “trẻ con” của mình, làm lành với đứa bạn thân hay cô bạn gà bông của mình bằng một cốc sữa chua “đanh đá” hay một bữa chè no nê và cái nháy mắt tinh nghịch. Thực sự để nói ra lời xin lỗi trước một ai là rất khó khăn nhưng nếu cứ để nó âm ỉ thế trong lòng còn khó chịu hơn rất nhiều, phải không nào?
Tò mò thái quá
Có lẽ tò mò là bản tính “trời cho” mỗi người rồi. Ai cũng có, vấn đề chỉ là mức độ tò mò của mỗi người như thế nào mà thôi. Nhiều teen khi mượn điện thoại của bạn mình đã tự ý mở hộp tin nhắn ra xem với mục đích chỉ là thỏa mãn tính tò mò đó mà thôi. Và khi bị bạn mình vô tình phát hiện ra thì nhiều teen “thanh minh” bằng cách “vô tình tớ đọc mà thôi”.
Hay đôi khi bạn mình có chuyện không muốn nói ra nhưng teen vẫn cố tình hỏi mãi không thôi. Điều này cực kì nguy hiểm bởi khi đang không vui người ta rất dễ cáu. Và teen sẽ nghĩ “mình muốn quan tâm đến bạn mà lại còn bị mắng.” Thế là hai đứa chiến tranh lạnh. Tốt nhất trong trường hợp này hãy là người bên cạnh bạn của mình, yên lặng, là bờ vai cho cậu ấy dựa vào. Đôi khi im lặng còn giá trị hơn rất nhiều lần. Và khi muốn nói tự người ấy sẽ nói.
Tình bạn là vô cùng quý giá, vì thế bạn cần biết cách tự sửa đổi mình để giữ gìn tình bạn. (Ảnh minh họa)
Ỷ lại và dựa dẫm
Bởi còn đang trong lứa tuổi đi học nên teen thường được bố mẹ chăm lo cho mọi thứ, vì thế mà sự ỷ lại là khá lớn. Đặc biệt là với teen lần đầu đi trọ học xa nhà. Nhiều tình cảm đã sứt mẻ vì sự dựa dẫm quá lớn của teen. Hường (19t) nói: “Chính vì tính ỷ lại của cô bạn cùng phòng mà hai đứa đã mỗi đứa một đường sau ba tháng ở chung cùng nhau. Cô bạn ở cùng Hường là tiểu thư con nhà giàu thế nên khi ở trọ không chịu đụng tay đụng chân vào việc gì, tất cả đều ỷ lại cho bạn cho mình. Nếu ai góp ý thì lại “ở nhà mình chưa bao giờ phải làm mấy việc này cả.” hay là “mai tớ làm”. Nhưng không thể đếm nỗi số ngày mai đó của cô bạn này.”
Điều này con gái cũng cần lưu ý nhé! Con trai thích những cô nàng dịu dàng nhưng không phải là yếu đuối suốt ngày chỉ biết dựa vào con trai đâu nhé! Như thế sẽ làm mất đi cá tính riêng của mình đấy và khiến con trai dễ “chán” bạn hơn.
Tự do xem đồ của bạn như… của mình
Không biết đã bao lần Thùy (17t) sau khi ra chơi vào thì thấy cặp mình bị xáo trộn. Tất cả chỉ vì cô bạn ngồi bên “quá vô tư” tự tiện lục lọi đồ dùng học tập cô Thùy hay là vở bài tập, vở soạn môn này môn kia. Những lần đầu tiên còn ngại Thùy không tiện nói nhưng tình trạng vẫn tiếp tục diễn ra, cô bạn đành phải thẳng thắn nới với bạn. Không ngờ Thùy bị bạn phản pháo lại ngay với lí do “gớm cặp mày có gì đâu mà lo, với lại bạn bè với nhau cả”. Và kết quả là dù không muốn nhưng Thùy không hề thích chuyện cặp mình bị người khác lục lọi và cô bạn buộc phải xin cô giáo chuyển đi bàn khác.
Còn với Nga (20t) thì lại khác. Là sinh viên sống xa nhà, phải trọ cùng với bạn. Nhưng cô bạn với Nga suốt ngày tự ý lấy giáo trình rồi quần áo của cô bạn đi học. Nhiều hôm khiến Nga rơi vào tình huống dở khóc dở cười như, đến giờ đi học mà không có sách, không có vở ghi lẫn cả vở bài tập. Rồi thì thường xuyên không biết nên cười hay mếu khi mà Nga gặp phải câu hỏi “cậu với bạn cùng phòng mặc đồ đôi đấy à?”. Hãy biết tôn trọng sự riêng tư của bạn mình, teen nhé! Mỗi người cần có một khoảng không gian riêng của mình. Như vậy thì tình cảm của cả hai mới có thể thêm bền lâu được.
Bây giờ thì teen đã biết làm thế nào để cho tình bạn của mình càng ngày càng như ngọt ngào như kẹo rồi chứ?
(Lê Thủy – Theo PLXH)