Các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên khi thấy sao chổi Lovejoy ‘sống sót’ sau khi lao thẳng vào Mặt trời với sức nóng hơn 1 triệu độ C.
Thứ sáu vừa qua, camera trên tàu thăm dò Mặt trời SDO (Solar Dynamics Observatory) của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã ghi lại được hình ảnh sao chổi Lovejoy sống sót thần kỳ sau khi lao thẳng vào vầng hào quang của Mặt trời với sức nóng hơn 1 triệu độ C.
Khoảnh khắc sao chổi Lovejoy thoát khỏi Mặt trời |
Trước đó, các nhà thiên văn học cho rằng sao chổi sẽ bị thiêu cháy hoàn toàn sau khi đi qua vùng nhiệt độ cực cao của Mặt trời. Tuy nhiên, sao chổi Lovejoy đã bay ra khỏi vầng hào quang của Mặt trời với độ sáng gần như thời điểm trước khi lao vào Mặt trời.
Mặc dù vậy, kết quả phân tích những hình ảnh được chụp bởi camera trên tàu thăm dò SDO cho thấy sao chổi đã bị ‘thương’ sau vụ va chạm với Mặt trời. Đuôi của sao chổi này – được hình thành từ vật chất và khí ga của lõi – đã biết mất hoàn toàn. Phần đuôi này được nhìn thấy rất rõ trước thời điểm sao chổi Lovejoy lao vào Mặt trời.
Giống như loài thạch sùng, một chiếc đuôi mới của sao chổi Lovejoy đã mọc ra chưa đầy 1 ngày sau khi nó thoát khỏi vầng hào quang của Mặt trời. Hiện sao chổi Lovejoy đang được theo dõi bởi ít nhất 5 tàu thăm dò của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Các nhà khoa học hy vọng thông tin thu thập được sẽ giúp họ hiểu hơn về sao chổi Lovejoy và các sao chổi ở vùng cận Mặt trời khác.
Theo Fox News, sao chổi Lovejoy được đăt theo nhà thiên văn học người Australia Terry Lovejoy – người đầu tiên phát hiện ra sao chổi này vào ngày 27/11 vừa qua. Sao chổi Lovejoy thuộc nhóm ‘Kreutz sungrazer’ – những sao chổi có quỹ đạo bay cận Mặt trời.
Tiến sĩ Karl Bottoms, thuộc Phòng nghiên cứu hải quân ở Washington (Mỹ), cho biết trên National Geographic: “Những vật thể như sao chổi Lovejoy có thể cung cấp rất nhiều thông tin về gió Mặt trời và các điều kiện trong vầng hào quang của Mặt trời. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu hơn về tác động của Mặt trời tới Trái đất”.
Hà Hương
(Theo vietnamnet)