Trải qua bốn đời vợ rồi nhưng cụ ông Vinh đều chưa có được hạnh phúc trọn vẹn. Là người trong làng, chồng mất sớm nên bà Lót không chỉ biết mà còn thông cảm cho hoàn cảnh của ông Vinh. Trong những lần gặp nhau, họ đã trao cho nhau hàng nghìn ánh mắt và nụ cười yêu thương nhưng chưa một lần dám nói. Cho đến một hôm bà bị ốm thập tử nhất sinh, ông đã đi bộ hàng trăm km nhờ bác sĩ chữa cho bà. Từ đó họ đã quyết định dành quãng đời còn lại cho nhau.
Hạnh phúc của ông bà Vinh trong túp lều đơn sơ
Những mảnh đời bất hạnh gặp nhau
Trong một túp lều nhỏ nằm chơ vơ giữa những ngọn đồi và cách biệt với làng gần 3km, có một đôi vợ chồng già đang sống vô cùng hạnh phúc như một đôi uyên ương đang trong thời kỳ trăng mật. Họ quấn quýt yêu thương, quan tâm chăm sóc cho nhau đến từng bữa ăn, giấc ngủ đã 10 năm nay, kể từ ngày họ cưới nhau trong sự reo vui đến vô tận của bà con trong làng. Để có được hạnh phúc bất tận ấy, cụ ông đã từng trải qua 4 cuộc hôn nhân dở dang và chuỗi ngày buồn vô hạn.
Khác với nhiều trai làng ở đây, khi ở tuổi 39 Rơ Chăm Vinh mới bắt đầu yêu một người con gái trong làng. Mối tình này không nhiều say đắm nhưng cũng đã đi đến hôn nhân. Sau khi cưới nhau được 3 tháng, người vợ trẻ của ông mắc phải căn bệnh sốt rét và do không biết cách chữa trị, ông đã để mất người vợ thân yêu của mình. Tròn hai năm sau, ông lại “bắt” thêm vợ, nhưng số phận của người vợ thứ hai của ông giống hệt người vợ cả. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau vài tháng ngắn ngủi bên nhau, người vợ trẻ này cũng đã đi theo người vợ cả của ông vì căn bệnh sốt rét, bỏ lại ông một mình bơ vơ.
Chưa đầy một năm sau, ông tiếp tục đi “bắt” người con gái dân tộc Nùng ở tận Đăk Lăk kém ông hàng chục tuổi về làm vợ. Hạnh phúc đã mỉm cười với ông khi người vợ trẻ đẹp này đã sinh hạ cho ông một bé trai kháu khỉnh. Niềm hạnh phúc khi có được vợ hiền, con thơ cũng chỉ kéo dài với ông được 2 năm. Năm 1975, bà đã âm thầm bồng con về lại quê hương vì quá nhớ nhà mà không nói với ông. Sợ chồng sang tận nơi tìm về, bà nhắn lại với bà con trong làng rằng: “Tôi về quê “bắt chồng” để được ở gần chăm nom bố mẹ già, bà con nói Vinh hãy đi “bắt” vợ khác đi, đừng đợi tôi làm gì vô ích”. Khi nghe bà con trong làng nhắn như vậy, trái tim Rơ Chăm Vinh đau đớn vô cùng.
Sau ba đời vợ vẫn chưa tìm được hạnh phúc, Rơ Chăm Vinh đã tìm đến rượu để giải khuây trong thời gian dài. Nghĩ tình yêu như men rượu cần như làn hương thoáng qua và không để lại gì cả, nên Rơ Chăm Vinh cũng chẳng thiết sống nữa. Không ít lần Rơ Chăm Vinh đã nghĩ đến cái chết để kết thúc chuỗi ngày buồn bã, bất hạnh của mình. Thế nhưng trong những lần nghĩ đến cái chết, không hiểu sao bóng dáng của hai người vợ trước cứ hiện về an ủi, vỗ về ông.
“Tháng ngày đó nặng nề và ảm đạm lắm, nghĩ mình trải qua ba đời vợ rồi mà cuối cùng chẳng được gì, sống cuộc sống vô nghĩa quá quá, ngày đi làm, tối về uống rượu với anh em họ hàng rồi ngủ. Một ngày như thế, hai ngày như thế, rồi mình cũng quen dần qua thời gian”, Rơ Chăm Vinh kể lại.
Ngày tháng cứ như vậy trôi đi và ông cũng không còn nhớ đến 3 người vợ đó nữa, cũng chẳng nghĩ đến chuyện đi bắt thêm vợ. Cho đến một ngày giữa mùa mưa năm 1977, ông được một người con gái trong làng “bắt” về làm chồng. Thế nhưng hạnh phúc của ông với người vợ này cũng chỉ kéo dài được 6 năm. Như hai vợ đầu, bà cũng ra đi vì bệnh tật để lại ông một mình nuôi 4 con thơ. Để có cơm ăn áo mặc, ngày ngày ông lưng gùi đứa nhỏ, tay dắt đứa lớn, 5 cha con lầm lũi đi lên rẫy gieo lúa, trồng mì từ sáng sớm đến khi mặt trời chuẩn bị khuất núi mới kéo nhau về.
Hơn mười mùa rẫy trôi qua, những đứa con của ông đã tự thay cha lên rẫy kiếm cái ăn. Rồi mỗi năm, đứa thì đi về nhà vợ, đứa thì “bắt chồng”. Cuối cùng chỉ còn lại một mình ông bơ vơ giữa những ngọn đồi. Hằng ngày ông vẫn một mình lên rẫy trồng trọt, lúc không lên rẫy thì xuống sông câu cá. Và trong những lần như vậy, ông thường thấy bóng dáng của một người phụ nữ, lưng đeo gùi, một mình lầm lũi lúc vào rừng rậm bẻ măng, lúc lên rẫy thu hoạch lúa.
Mối tình cảm động đất trời
Là người trong làng nên bà Rơ Chăm Lót không lạ gì hoàn cảnh của Rơ Chăm Vinh. Bà cũng rất thông cảm với ông vì chồng bà mất đã gần 20 năm để lại 5 đứa con một mình bà nuôi dạy. Bây giờ con cái đã ra ở riêng, chỉ còn bà thui thủi một mình. Bình thường họ vẫn gặp nhau nhưng cũng chỉ kịp chào nhau qua ánh mắt ở xa xa, rồi việc ai nấy làm, nhà ai nấy về. Hai năm, rồi ba năm trôi qua, họ đã trao cho nhau hàng nghìn ánh mắt trìu mến, nụ cười chan chứa thương yêu. Thế thôi, với họ đã là hạnh phúc lắm rồi, đó chính là niềm an ủi, động viên nhau hơn cả trăm lời nói.
Thế rồi cho đến một ngày đầu mùa khô năm 2001, ông Vinh chợt thấy trong lòng mình như lửa đốt, linh tính mách bảo, thúc giục ông phải đi tìm bóng dáng quen thuộc thấp thoáng mỗi ngày trong tâm trí. Ông quyết định bước chân về phía góc làng nơi hàng ngày bà mang chiếc gùi ra đi. Những tiếng người xì xào, chỗ tụm ba, chỗ tụm bảy bàn tán, ông giật thót mình khi hay tin: “Bà Lót sắp về với Yàng rồi”. Tìm hiểu, ông biết người mà ông yêu thương đang bị sốt siêu vi rút, cứ nằm miên man đã mấy ngày nay rồi mà không biết chạy đâu ra thuốc thang để chữa.
Biết cuộc đời còn lại của mình không thể thiếu người phụ nữ này, ông lặn lội cuốc bộ hàng trăm km đường đồi núi ra tận huyện tìm bác sĩ để tìm cách chữa bệnh cho bà Lót. Cuối cùng ông đã cứu được bà Lót nhờ một bác sỹ tốt bụng. Người trong làng ai cũng nghĩ, Yàng thương hai ông bà, muốn bà Lót sống để báo ơn ông Vinh. Và sau đó không lâu, đám cưới của hai người đã diễn ra theo phong tục của người Jrai. Họ hàng con cháu hai bên và bà con làng xóm người góp rượu, người góp thịt kéo về nhà bà Lót ăn mừng lễ bắt chồng ở tuổi gần đất xa trời của bà. Với người dân trong làng, đây là đám cưới linh đình nhất trong làng từ trước đến nay của hai cụ, nhưng lại hạnh phúc nhất bởi nó là đám cưới Yàng cho, Yàng sắp đặt.
Từ đó, hai ông bà về sống với nhau trong túp lều nhỏ chưa đầy 5m2 nằm lẻ loi giữa những ngọn đồi. Ngày ngày, bà lên rẫy, ông chăn đàn dê. ông thương và chiều chuộng bà hơn cả những người chồng trẻ. Mỗi tháng nhận được hơn 1,2 triệu tiền lương thương binh, ông đều đưa cho bà giữ để chi tiêu. Về phần bà, mỗi tháng bà đều dành ra mấy trăm nghìn đồng để mua thuốc ho bổ phế cho ông uống. Thỉnh thoảng ông xin bà vài chục nghìn để đi mua thứ mà ông thích nhất là thuốc lá. Mỗi ngày sau khi làm việc trở về, hai ông bà chẳng bao giờ rời nhau nửa bước, đi đâu cũng có đôi có cặp.
Cứ như vậy, cuộc sống hạnh phúc của họ kéo dài đã 10 năm nay, tuy tuổi đã cao nhưng cả hai người trông vẫn còn rất khỏe và trẻ hơn tuổi của mình rất nhiều. Hằng ngày họ vẫn tự lên rẫy trồng được cây lúa, cây mì. Chỉ khi trái gió trở trời, bệnh ho của ông tái phát, bà lại một mình đi bộ cả chục cây số mua thuốc về chăm sóc ông và ngược lại. Cuộc sống và tình yêu của họ đã làm cho con cháu hai bên và bà con trong làng phải thán phục và tự hào. Nói về hạnh phúc của mình, bà chỉ cười bẽn lẽn, còn ông thì vui vẻ nói: “Yàng đã cho hai con người cô đơn trong làng gặp nhau thì phải lấy nhau để về ăn ở chung và chăm sóc cho nhau. Mình già rồi, không có con nữa, chỉ xây dựng hạnh phúc với nhau thôi”.
Nguyễn Tâm
(theo nguoiduatin)