Bánh tráng – món nhâm nhi không thể thiếu vào ngày Tết
Tuesday, January 17, 2012 8:52
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Bên cạnh củ kiệu, dưa hành, bánh chưng, thịt kho tàu… thì bánh tráng hay còn gọi là bánh đa là món nhâm nhi không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt vào những ngày Tết.
Bánh tráng sữa
Bánh tráng sữa đặc sản Bến Tre
Có xuất xứ từ Bến Tre, món bánh tráng sữa được làm chủ yếu từ dừa, bột gạo, pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng… theo một tỉ lệ hợp lý. Khi tráng bánh người ta trải một tấm khăn trên nồi có nước sôi bên trong. Để ra được bánh tráng sữa vừa mềm, vừa dẻo, vừa thơm, phụ thuộc rất nhiều vào kĩ thuật đổ bánh, động tác đổ phải thật khéo léo, nhanh nhẹn, sau đó rắc mè lên trên. Bánh chín người ta để lên nan tre mỏng và phơi nắng từ 3-5 ngày.
Vị bùi béo của nước cốt dừa, độ mịn, mềm của bột gạo kết hợp cùng bột sắn. Đặc biệt mùi thơm của sầu riêng tạo nên hương vị khó quên của bánh tráng sữa.
Bánh tráng dừa nướng
Bánh tráng nướng bên than hồng
Sau bữa cơm gia đình vào ngày Tết, mọi người sẽ ngồi lại với nhau, cùng trò chuyện và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới. Bên cạnh bánh mứt, hạt dưa, bánh chưng, bánh tét… thì những chiếc bánh tráng dừa được nướng vàng ươm là món ăn không thể thiếu trong ngày xuân của mỗi gia đình.
Bánh tráng dừa nướng cũng được làm chủ yếu bằng bột gạo, đặc biệt bánh tráng phải có thật nhiều nước cốt dừa và một ít bã dừa tạo nên vị bùi bùi, giòn rụm của bánh tráng.
Bánh tráng mè
Món bánh tráng mè là một trong những món ăn đặc sản của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định nhìn đơn giản nhưng lại được chế biến hết sức công phu.
Bánh tráng mè trắng.
Bánh tráng mè đen.
Đầu tiên người ta sẽ ngâm gạo vào nước cho đến khi bẻ được hột gạo làm hai. Sau đó ta sẽ xay gạo thành bột mịn vào mang trộn với nước, bột mì và mè (mè đen hoặc mè trắng) Những chiếc bánh tráng mè sau khi phơi nắng sẽ được nướng vàng bên than hồng. Vị béo của bột gạo, cộng với cái bùi của mè tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của bánh tráng mè.
Bánh tráng cuốn tôm thịt.
Ngày Tết bên cạnh những món đầy dầu mỡ, thịt cá, mỗi gia đình thường có thói quen cùng nhau thưởng thức món bánh tráng cuốn tôm thịt, thanh đạm, vừa ngon, lại cực kỳ tốt cho sức khoẻ.
Bánh tráng cuốn tôm thịt và nước mắm tỏi ớt.
Bánh tráng dùng để cuốn tôm thịt là bánh tráng phơi sương, ngon nhất là dùng bánh tráng Trảng Bàng của Tây Ninh, bánh tráng có độ dày vừa phải, khi được cuốn cùng tôm, thịt, chấm cùng nước mắm tỏi ớt hay mắm nêm sẽ tạo nên mùi vị hấp dẫn khó lòng mà cưỡng lại.
Bánh tráng chuối
Miền Tây Nam Bộ nước ta trồng rất nhiều chuối từ chuối già, chuối cau cho đến chuối sim, chuối hột, chuối sim… Chuối là loại trái cây có quanh năm chính vì thế người ta đã nghĩ ra rất nhiều cách chế biến chuối, để có thể để dành ăn thật lâu. Một trong những món ăn hấp dẫn từ chuối chính là bánh tráng chuối.
Bánh tráng chuối khi nướng lên vừa dẻo vừa giòn, cắn vào một miếng nghe vị ngọt thanh tao tan dần nơi đầu lưỡi. Món ăn giản dị này vì thế mà được nhiều người ưa thích, từ các chị em phụ nữ, các quý ông và các em nhỏ đều bị món ăn dân dã này cuốn hút.
Bánh tráng xoài
Bánh tráng xoài đặc sản Nha Trang.
Đây là đặc sản nổi tiếng của huyện Cam Lâm và một số địa phương thuộc tỉnh Khánh Hoà, Nha Trang. Cũng giống như tên gọi món bánh tráng này được chủ yếu từ xoài chính và kẹo mạch nha.
Đầu tiên xoài được gọt vỏ, xay thành bột mịn, được nấu từ 2-3 giờ, đây là khâu quan trọng nhất quyết định độ ngon, mỏng, mịn của bánh tráng xoài. Sau đó cũng như các loại bánh tráng khác, bánh tráng xoài sẽ được tráng mỏng và mang phơi dưới trời nắng từ 7 đến 9 giờ. Đặc biệt bánh tráng xoài không thể gặp trời mưa nếu không sẽ bị đen, xỉn màu và bánh sẽ bị chua.
Ngày Tết đang đến rất gần, bạn hãy lựa chọn cho mình vài loại bánh tráng “đặc sản” ở các vùng miền để cho mâm cỗ Tết cũng như những món thiết đãi bạn bè trở nên phong phú.
(Hiền Thu – Theo MaskOnline)