Diệu kỳ những “chiếc tủ lạnh” thời cổ đại
Thursday, January 19, 2012 9:05
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Những “chiếc tủ lạnh” có tuổi đời hàng trăm năm, nằm sừng sững giữa sa mạc nắng cháy là minh chứng cho sức mạnh không giới hạn của con người.
Vào năm 400 sau Công nguyên, các kỹ sư người Ba Tư đã làm chủ kỹ thuật lưu trữ đá giữa mùa hè trên sa mạc. Một số lượng lớn đá được lấy từ các ngọn núi gần đó trong suốt mùa đông và lưu trong một “hầm đá” hay còn gọi là Yakhchal.
Một “chiếc tủ lạnh” ở tỉnh Yazd.
Các Yakhchal được sử dụng chủ yếu để trữ đá cho mùa hè, cũng như để bảo quản thực phẩm trong điều kiện khí hậu khô nóng trên sa mạc Iran. Đá trong Yakhchal được dùng trong các bữa tiệc chiêu đãi hoàng gia trong suốt những ngày hè nóng nực và để làm faloodeh, một món tráng miệng đông lạnh truyền thống của Ba Tư.
Công trình này gồm một mái vóm lớn bằng gạch bùn, thường cao gần 20 mét. Bên trong mái vòm là một không gian lớn và khoét sâu dưới lòng đất, rộng khoảng 5.000 m3. Một kênh dẫn nước ngầm dưới mặt đất và một hệ thống thông gió được thiết kế thông minh, giúp làm giảm nhiệt độ bên trong xuống mức băng giá vào những ngày hè.
Hầm băng “song sinh” ở Sirjan, tỉnh Kerman, Iran.
Phần chân của những chiếc tủ lạnh cổ đại này là bức tường gạch bùn dày đến 2 mét, làm từ một loại vữa đặc biệt gọi là sarooj. Thành phần của sarooj gồm có cát, đất sét, lòng trắng trứng, vôi, lông dê và tro được trộn với một tỉ lệ đặc biệt. Loại hỗn hợp này có thể ngăn sự truyền nhiệt và được cho là hoàn toàn không thể xuyên thủng.
Một Yakhchal nằm gần tỉnh Kerman.
Những bức tường cách ly dày và dòng nước làm mát chảy liên tục giữ cho đá được bảo quản suốt mùa hè. Một rãnh ngầm phía dưới hứng lượng nước chảy ra từ đá và làm đóng băng trở lại vào những đêm giá lạnh trên sa mạc. Và quy trình này cứ thế được lặp đi lặp lại.
(Nguyễn Nguyệt , Theo Eartharchitecture)
(Theo afamily)