ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Đốt pháo đón xuân trong Phượng Hoàng cổ trấn
Friday, January 13, 2012 7:41
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Lâu lắm mới được nghe tiếng pháo râm ran, được ngửi hương thơm trong khí xuân đã bắt đầu ấm áp, sắc pháo bay lẫn trong sắc hoa đào tươi thắm.

Đầu xuân, tôi lên một chuyến tàu dài, đi ngược về phía Bắc vẫn còn lạnh giá bởi tuyết tan muộn, tìm về với Phượng Hoàng cổ trấn. Khi chiếc ôtô lăn bánh vào đến thành cổ, trời đã về khuya. Không khí ẩm ướt và lạnh cóng. Những dãy nhà u tịch nằm im lìm soi bóng xuống dòng sông xiết chảy.
 
6h sáng, khi mặt trời vẫn còn đang ngủ vùi, đã có tiếng đập nước giặt giũ từ phía bên kia sông. Những người phụ nữ dân tộc Thổ Gia của mảnh đất này vẫn giữ nguyên thói quen giặt giũ trên dòng Đà Giang mỗi sáng, bất kể thời tiết và bất kể Đông hay Hè, Xuân hay Thu.
 
Tiếng đập quần áo mỗi sáng giống như tiếng gà gáy gọi mặt trời mỗi sáng, đánh thức cả cổ trấn thức dậy, đón chào một ngày mới. Và để rồi không lâu sau đó, là tiếng bước chân của những người bán hàng buổi sớm, tiếng kéo cửa mở hàng, tiếng quét sân, tiếng lũ trẻ gọi nhau đến trường, tiếng hát khe khẽ của một chiếc loa rè nào đó sau khung cửa sổ hé mở.
 
 
Tôi thích cổ trấn những ngày mưa, co ro trong cái lạnh và
 một cuộc sống đơn giản hàng ngày.

 

Những cây cầu bắc qua sông tạo nên điểm nhấn riêng biệt cho Phượng Hoàng cổ trấn.
 
Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Trước đây, nơi này vốn chỉ là một thị trấn nhỏ, xinh xắn nằm về một phía của bờ Đà Giang. Theo thời gian, người địa phương dần chuyển sang sinh sống ở cả hai bên bờ sông. Những cây cầu được xây nối hai bờ của dòng sông là nét đặc biệt của thị trấn này.
 
Có đến cả chục cây cầu bắc qua con sông nhỏ với đủ mọi vật liệu trong một chiều dài chưa đến một km. Nổi bật nhất là những cây cầu đá có tuổi đời bằng với khu thành cổ, cây cầu gỗ hình gấp khúc dành cho những người đi bộ. Cây cầu sắt và cây cầu bê-tông lớn dành cho xe cơ giới qua lại.
 
Hai bên bờ sông là hai hình ảnh khác nhau của khu trấn. phía bên này sông là cổ trấn thâm trầm với tuổi đời ngót nghét 1.300 năm cũ kĩ, còn phía bên kia là trấn mới với những ngôi nhà mới xây cao tầng, những dãy quán ăn nằm dọc bờ sông. Nếu bạn muốn một buổi sáng thức dậy trong không khí phố cổ, đừng ngại ngần chọn một ngôi nhà trọ trong những con đường zíc zắc, còn nếu muốn ngắm nhìn dòng sông Đà Giang và toàn cảnh trấn, hãy chọn một căn phòng ở phía bên kia sông.
 
Mưa làm mọi thứ trở nên bóng nảy.
 
Phố đêm chỉ có ánh đèn khuya mờ tỏ.
 
Len lỏi đi bộ luồn lách qua những con ngõ, tôi đi sâu hơn vào cổ trấn. Những mái ngói âm dương mọc đầy cây cỏ dại. Lũ trẻ dắt tay nhau vừa đi vừa đùa nghịch, những cái má đỏ hây hây, nứt nẻ vì lạnh. Mùa xuân ấm áp đã tràn vào thị trấn khi những cánh hoa đào đã thẫm đỏ trên cành và vỏ xác pháo hồng bay lạc trong ngõ.
 
Ở Phượng Hoàng cổ trấn vào dịp Tết, người dân vẫn được phép đốt pháo. Tiếng râm ran và hương thơm sực nức của pháo khiến cái Tết rôm rả hơn. Mưa xuân làm những xác pháo của ngày Tết vẫn còn vương trên những con ngõ, khí xuân vẫn tưng bừng. Trời vẫn lạnh dù mùa xuân đã len lỏi đến từng ngôi nhà, từng ngõ phố.
 
Tiếng pháo nổ râm ran đón xuân.

 

Và những nhánh hoa đào tô sắc cho dòng Đà Giang.
 
Đêm, những ngôi nhà hai bên bờ cũng đã dần tắt ánh đèn. Tôi đi bộ lang thang qua cây cầu nhỏ vắt mảnh qua sông, vội vàng kéo mũ chùm cho ấm tai và quấn thêm một vòng chiếc khăn len, đôi bàn tay cũng thọc sâu hơn vào túi áo. Trời lất phất mưa bay. Đêm quánh đặc trong tiếng nước chảy không ngừng. Một vài vị khách đi ngược lại, nhường đường cho người bộ hành phía bên này đi qua trước. Chỉ còn một vài ngôi nhà là còn sáng đèn.
 
Một cửa hàng mì bán khuya vẫn mở, mời chào cái bụng đang đói kêu “tung tung” của tôi. Tạt vào quán nhỏ được trang trí đơn giản, tôi xì xụp húp bát mì nóng hổi, bốc khói. Nước tương cay xè cùng vị nóng của nước dùng khiến cả người ấm sực. Người bán hàng đang trò chuyện khe khẽ với một người khách ăn khuya, tay vẫn thoăn thoắt se sợi mì, kéo, kéo, và kéo. Mỗi bát mì đều được làm tỉ mẩn như thế, từ những sợi mì, đến những miếng thịt xá xíu thái trong bát nước dùng trong.
 
Tĩnh mịch, thâm trầm và bình yên đến lạ!
 
Đừng quên thưởng thức món thịt lợn và thịt bò sấy khô tại đây.

 

Và màu sắc huy hoàng của đêm về khuya.
 
Thông tin thêm:
 
Từ Nam Ninh, du khách có thể mua vé tàu để tới ga Cát Thủ. Tại ga luôn có xe buýt chờ sẵn. Từ ga Cát Thủ đến Phượng Hoàng cổ trấn khoảng 55km, giá vé 20 NDT.
 
Nhà nghỉ, khách sạn ở Phượng Hoàng dao động từ 70 – 100 NDT/phòng đôi. Có thể nghỉ trong các nhà nghỉ tại thị trấn hoặc phía bên kia sông.
 
Phượng Hoàng cổ trấn có hai di tích cấp Quốc gia là cổng Bắc và bức tường thành phía Nam cùng 85 di tích cấp tỉnh khác.
 
Hãy dành ít nhất từ 2 – 3 ngày để khám phá cổ trấn cấp tỉnh số 1 của Trung Quốc này. Chi phí khoảng 6 triệu VND.

 

(Lam Linh, nguồn ảnh aFamily.vn – Theo MaskOnline)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.