Thấy có tiếng khách từ gian nhà ngoài, cụ Các cất tiếng hỏi to từ phòng trong: “Ai đến chơi thế?”.
Bà Thoa, con dâu cụ Các tất tả từ đầu ngõ đi vào nở nụ cười rạng rỡ, tiếng nói sang sảng: “Các chị lại đến mượn bủ tôi đấy hả? Bủ ra đây, nhà mình có khách đến thăm này”. Dáng cụ Các đã còng, đi phải chống gậy. Bà Thoa bảo, tai cụ nghễnh ngãng lắm, mắt cũng mờ rồi không còn rõ đâu. Muốn nói gì, phải ghé sát vào tai, nói to tiếng thì nghe được!
Cụ Vi Thị Các và cụ Vi Thị Đắc sinh ngày 3/4/1911 tại thôn Cam Chú, xã Đồng Cam, huyện Sông Thao (Phú Thọ) trong một gia đình nghèo có 8 người con. Theo lời hai cụ kể lại, ngày xưa gia đình vất vả, các cụ luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn. Từ nhỏ, hai cụ đã được rèn luyện tính chăm chỉ, yêu lao động. Vì thế, ngay cả khi ở độ tuổi xưa nay hiếm, các cụ vẫn thường xuyên làm việc giúp con cháu tại nhà. Hàng ngày các cụ ăn đều đặn ba bữa: sáng thường là một bát cháo, trưa và tối mỗi bữa hai lưng cơm. Ngoài ra, xen kẽ giữa các bữa ăn còn có trái cây như chuối, cam hay bánh ngọt. Mọi việc lặt vặt như tắm giặt, quét sân vườn… các cụ “đảm đương” tốt. |
Bà Thoa chẹp miệng: “Khổ lắm, chừng này tuổi vẫn muốn làm việc gì để giúp đỡ con cháu. Chắc bủ sợ mang tiếng ăn bám con cháu ấy mà. Đến chuyện vệ sinh cá nhân bủ tự đã đành, lại còn dành việc giặt quần áo và bủ lấy lí do: Chúng mày giặt không sạch”. Chẳng còn chiếc răng nào, nhưng thói quen ăn trầu vẫn theo cụ Các đến tận tuổi 100. Nhưng chẳng còn đủ khỏe để nhai cả miếng trầu, với lại con cái cũng không cho nhai nữa, cụ đành “năn nỉ” cho nhai hạt cau khô để dịu nỗi nhớ miếng trầu.
Tuần nào cụ Các cũng phải nhắc: “Lâu không đi thăm dì Đắc đấy! Cho bủ đi thăm xem dì có khỏe không”. Bà Thoa bảo, đấy là cụ nhắc tới người em sinh đôi của mình, sống cùng thôn, cách nhau đúng khúc chợ quê. Chỉ chờ mẹ đề nghị, ông Luyện – người con trai thứ của cụ – lại đưa mẹ sang thăm dì Đắc. Ông Luyện kể: “Thời gian trước, bủ còn đi bộ sang nhà dì chơi. Nhưng giờ chẳng thấy rõ đường, lưng lại còng nên con cháu lai bủ bằng xe máy, có người ngồi sau ôm”.
Năm 2011, cụ Vi Thị Các và Vi Thị Đắc được Trung tâm Sách kỷ Lục Việt Nam ghi nhận là “Cặp song sinh cao tuổi nhất Việt Nam” với sự làm chứng của ông Trần Văn Thám, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đồng Cam. Ông Hà Đức Chính, Chủ tịch UBND xã Đồng Cam cũng đã ký xác nhận hai cụ 100 tuổi hiện sống khỏe mạnh. Cụ Vi Thị Các có 4 người con, người con cả sinh năm 1936 đã qua đời năm 2009. Hiện cụ sống cùng người con trai thứ hai là Nguyễn Thanh Luyện, sinh năm 1940. Cụ Vi Thị Đắc có 5 người con. Người con cả của cụ sinh năm 1931 cũng đã qua đời năm 2007. Hiện cụ đang ở cùng người con trai thứ năm Nguyễn Văn Ất. |
Trước khi ra về, tôi biếu tiền hai cụ. Cụ Các nói “cảm ơn”, rồi lần lần vào túi áo cánh bên trong. Cụ cẩn thận bọc tiền trong chiếc khăn tay, ghim miếng túi áo bằng kim băng cẩn thận. Bà Thoa cười: “Không nhìn rõ đâu, nhưng bủ “sờ” thì vẫn phân biệt được mấy loại tiền đấy!”. Ghé tai cụ Đắc, tôi nói to: “Cụ nghỉ con xin phép về”. “Ơ! Về à, ở lại nhà ăn bữa cơm đã”. Cụ Đắc thoáng vẻ buồn vì tuổi này chỉ mong có khách đến cho vui cửa vui nhà.
Muốn nói gì, phải ghé sát vào tai, nói to tiếng thì nghe được! |
Kỳ lạ làng song sinh Tại ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc (Thống Nhất, Đồng Nai) có tới 30 cặp đôi song sinh, trong khi chỉ có hơn 400 hộ dân. Đây là tỷ lệ song sinh rất cao, gấp 12 lần các địa phương khác. Trường hợp song sinh đầu tiên ở đây là chị em bà Trương Huỳnh Yến, Trương Huỳnh Nga, sinh năm 1946. Tuy nhiên 2 bà này không phải người bản địa mà sinh ở Gò Công, Tiền Giang, theo cha mẹ đến định cư ở Hưng Hiệp vào năm 1959.
Từ thời điểm bà Yến, Nga đến định cư, ấp đã lần lượt đón các cặp song sinh chào đời. Thời điểm các cặp sinh đôi chào đời nhiều nhất là vào khoảng từ năm 1986 đến 1992. Theo người dân địa phương, sở dĩ xuất hiện nhiều cặp sinh đôi có thể do nguồn nước. Nước ở đây rất tinh khiết, có thể uống ngay không cần đun sôi. Tuy nhiên thông tin này chưa được các nhà khoa học xác nhận. Dù vậy, nhiều người hiếm muộn con đã đến Hưng Hiệp, tìm vào những nhà có con sinh đôi để xin…nước uống. Thậm chí có người xin xong còn chở nước đi bán. Dân địa phương rất phản ứng trước hành động này.
Cũng có thông tin cho rằng ở ấp Hưng Hiệp có tới 70 cặp sinh đôi, trong tổng số 100 cặp sinh đôi của toàn xã Hưng Lộc.
T.H
|
Bí ẩn về các cặp song sinh Mang thai đôi là sự phát triển đồng thời 2 thai trong buồng tử cung. Đó là một bất thường về số lượng thai, nhưng không phải là bệnh lý. Khoảng 1% các trường hợp thai nghén đẻ sinh đôi, 1 phần vạn sinh ba còn sinh tư thì rất hiếm. Song sinh có cặp trùng trứng và khác trứng. Ở cặp song sinh khác trứng sẽ có 2 trứng cùng rụng, cùng được thụ tinh. Hai tinh trùng có thể gặp trứng từ từ một hoặc hai lần giao hợp. Hai thai có thể cùng hoặc khác giới tính, mức độ giống nhau của cặp song sinh này chỉ như những cặp anh, chị em ruột khác. Còn ở cặp song sinh cùng trứng, chỉ có một trứng rụng, được thụ tinh bởi một tinh trùng. Tuy nhiên, do quá trình phân chia tế bào của phôi có đột biến (hiện chưa rõ nguyên nhân) nên tách thành hai thai. Nếu quá trình phôi phân chia sớm thì mỗi thai nằm trong một buồng ối, nếu muộn thì chung buồng ối.
Trường hợp phân chia rất muộn có thể dẫn đến song thai dính liền nhau. Những cặp song sinh cùng trứng có cùng giới tính, giống nhau như giọt nước. Họ không chỉ giống nhau về hình dáng mà còn có sự tương đồng về tính cách, tâm lý. Thực tế đã ghi nhận, các cặp song sinh luôn có mối liên kết về tình cảm rất sâu đậm, mạnh mẽ, họ có thể cảm nhận được cả nỗi đau lẫn hạnh phúc của nhau.
Tuy nhiên bên cạnh sự giống nhau đó, ở các cặp song sinh cũng có sự khác nhau. Ví dụ với một số căn bệnh, người này thì kháng được trong khi người kia thì không. Các nhà khoa học tin rằng, việc nghiên cứu hiện tượng này sẽ mở ra cơ hội chữa trị được nhiều căn bệnh. Cụ thể các nhà khoa học sẽ truy tìm những gene cá biệt ở các cặp song sinh, phân tích khả năng kháng bệnh của chúng, từ đó điều chế ra các loại thuốc chữa trị tận gốc các căn bệnh thường gặp như tim, khớp, ung thư và tiểu đường.
T.H
|
Vân Khánh
(Theo GiadinhNet)