Với nhiều người, khắc khẩu là điều xấu, nhưng với đôi vợ chồng Trần Ngàn – Thanh Tâm thì khắc khẩu lại giúp cuộc hôn nhân của họ thêm thú vị và tràn ngập tiếng cười.
Quen nhau từ thủa thiếu thời, tình yêu đến với họ nhẹ nhàng như định mệnh. Ngàn hơn Tâm 3 tuổi, học cùng lớp với chị Tâm. Ngàn đến chơi nhà bạn nhiều lần, thấy em gái bạn xinh xắn lại cá tính nên “cưa” luôn. 3 năm yêu nhau, đôi khi họ cũng xảy ra cãi vã nhưng đến khi “góp gạo thổi cơm chung” thì họ mới cảm thấy câu “phán” của thầy bói “Đôi này khắc khẩu lắm” hoàn toàn đúng.
Ngàn trầm tính nhưng cương quyết và có phần “khô cứng”, nhưng anh lại rất yêu và chiều Tâm. Với anh, mọi chuyện nên đơn giản hóa để người trong cuộc thoải mái và vui vẻ. Nhưng Tâm thì khác, cô muốn mọi chuyện phải rành mạch và chính xác, không có chuyện xuề xòa cho xong chuyện được. Đàn ông không thích giải thích nhiều, thế họ là giận dỗi, cãi vã rồi làm lành. Tình yêu của họ đơn giản, nhẹ nhàng và cũng vô số chuyện bi hài.
Khắc khẩu ngay từ ngày đi chụp ảnh cưới
Ngày chuẩn bị cưới nghe mẹ chồng “phán”: “Hai đứa tuy hợp nhau về tuổi tác, làm ăn nhưng sẽ khắc khẩu, nếu không biết kiềm chế thì nhà cửa lúc nào cũng như… chiến trường”.
Đầu tiên Tâm không tin lắm, vì bản thân Ngàn rất kiệm lời, Tâm cũng không thuộc dạng đanh đá nên không thể có chuyện đối khẩu nảy lửa được. Nhưng: “Sau khi cưới thì em thấy câu phán của mẹ chồng em… chẳng sai tẹo nào” – Tâm cười tươi nói.
“Ngay hôm chụp ảnh cưới chúng em đã ‘chiến đấu’ vì lý do lãng xẹt… chọn ảnh nào để phóng. Chuyện cũng không có gì to tát nhưng chồng em chắc muốn thể hiện bản lĩnh chồng mới nên quyết làm theo ý mình, em cũng không vừa thế là chiến tranh xảy ra. Hai đứa chỉ tạm hạ hỏa sau khi nghe lời gợi ý của anh chụp ảnh ‘Treo ở nhà nào thì người ấy chọn’. Đó chỉ là chuyện khởi điểm cho những trận khẩu chiến sau này của vợ chồng em thôi”, Tâm nhớ lại.
Cuộc sống thăng hoa khi con gái ra đời
Mặc dù hay khắc khẩu nhưng cuộc sống hôn nhân của vợ chồng họ rất thú vị. Cách nhau 3 tuổi nhưng ai nhìn vào cũng tưởng vợ chồng họ bằng tuổi. Đặc biệt, cách xưng hô trong nhà của vợ chồng họ rất dân chủ, thoải mái mặc dù họ đang sống chung với bố mẹ và rất đông các em chồng. Mọi người nghe cách xưng hô như “Béo ơi”, “Tâm Tồ à” thì không khỏi phì cười. Con gái của họ mới 2 tuổi cũng bị “lây” kiểu nói chuyện hồn nhiên và thoải mái của bố mẹ. Chả thế mà khi Tâm bảo: “Con gọi bố Ngàn xuống ăn cơm” thì y như rằng con gái Tâm sẽ nghiêm mặt nói: “Mẹ nói sai rồi. Bố Béo chứ” và thế là cháu cứ đứng ở cầu thang gọi réo rắt: “Béo ơi… cơm đi… hết rồi… nhịn đấy” ( Bố Béo ơi, xuống ăn cơm đi, không có hết là bố phải nhịn đấy).
Cô con gái bé bỏng của Ngàn và Tâm.
Ngày Tâm sinh con, bé hay thức đêm nên 2 vợ chồng họ phải thay phiên nhau bế con. Sau vài ba ngày trông con, Ngàn đưa ra quyết định: “Khi bế con phải… nhắm mắt”. Vì: “Anh mở mắt, con cứ nhìn anh chả chịu ngủ”. Khổ nỗi, ban ngày thức chăm con đã mệt lắm rồi, ngồi bế con mà nhắm mắt thì có khi bố mẹ còn ngủ trước con nên Tâm không mấy đồng tình với phương án này. Giải thích thì chồng Tâm lại đưa ra lập luận: “Anh thử nghiệm nhiều rồi, em cứ nhắm mắt lại, con tưởng mình ngủ sẽ ngủ theo”. Chuyện cỏn con là thế nhưng cũng khiến Tâm “lao đao”, bực mình, không nói thì không thể chịu được. Thế là lại khẩu chiến, tranh luận.
Chồng Tâm chiều vợ nhưng “Anh ấy phải cái tính sỹ diện đàn ông (hình như do tạo hóa) nên đôi khi cũng làm em cảm thấy phì cười lẫn ấm ức”. Thấy vợ vật lộn với một đống bát đũa trong ngày giỗ, chồng Tâm cũng tâm lý, an ủi: “Em cố rửa nhanh cho xong rồi vào mà nghỉ, anh… ngủ trước nhé” hay “Muộn rồi, em lên cơ quan đi, để đống quần áo đấy chiều về… giặt tiếp!”.
Mặc dù đôi khi vô tâm như vậy, nhưng Ngàn lại là người đàn ông yêu thương vợ con hết mực. 12h đêm anh có thể lọ mọ xuống bếp nấu mì nếu vợ đói, hoặc bắt xe buýt ra công ty đón vợ vì: “Trời mưa, anh sợ em đi một mình không yên tâm”. Và đặc biệt, điều làm Tâm yêu nhất ở chồng đó là Ngàn rất yêu con.“Chồng em có thể tay bế con, tay cầm bát cơm cho con ăn rong khắp khu phố, hay chạy xe gần 10km để mua cháo cho con vì ‘có vẻ con thích ăn cháo ở hàng đó’. Ngoài những chuyện ‘vớ vẩn’, thì cuộc sống của vợ chồng em cũng rất lãng mạn, anh có thể chở vợ lòng vòng cả buổi tối để ngắm phố phường hay bỏ cả tiếng đồng hồ ngồi xâu cườm cho vợ đính lên áo“, Tâm tự hào khoe.
Đối với Tâm hiện nay, tương lai vẫn ở phía trước, cuộc sống còn nhiều gian nan nhưng chuyện “khắc khẩu” lại giúp vợ chồng họ hiểu nhau hơn, giải quyết vấn đề nhanh gọn hơn. Chính vì thế cuộc sống của họ luôn tràn ngập tiếng cười, sự thi vị và cả những tình huống bất ngờ.
Trần Ngàn – Chồng Tâm
Mình yêu vợ, yêu cái “mỏ nhọn” hay ương bướng của cô ấy!
Nói là khắc khẩu nhưng cũng không hẳn vậy, vợ chồng mình thường tranh luận nhưng không phải là cãi vã, chì chiết lẫn nhau mà tìm ra tiếng nói chung để giải quyết vấn đề. Mình yêu vợ, yêu cái “mỏ nhọn” hay ương bướng của cô ấy. Đôi khi mình hay trêu vợ: “Em là con gà mái, đẻ giúp anh 2 chú gà con xong là anh thịt” nhưng mình sao nỡ “thịt” cô gà mái quang quác, xinh đẹp và hết lòng vì chồng con như vậy chứ!
Chúng mình không chỉ đơn thuần là vợ chồng, mà còn là hai người bạn, là bố mẹ của con gái, nên cả hai đều có trách nhiệm vun vén gia đình. Nếu được lựa chọn lại, mình vẫn chọn “cung khắc khẩu” của vợ chồng mình, nhờ khắc khẩu mà nhà mình tràn ngập tiếng cười, đầm ấm và hạnh phúc.
|
(Quỳnh Anh – Theo PLXH)