Xoay quanh ngôi sao riêng với tốc độ khủng khiếp nhưng vẫn có bầu khí quyển là điểm đặc biệt của một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời.
Hình minh họa 55 Cancri e và ngôi sao riêng của nó. Ảnh: zeitnews.org. |
Discovery cho biết, 55 Cancri e là tên của một hành tinh đá ngoài Thái Dương Hệ được phát hiện vào năm 2004. Nó xoay quanh một ngôi sao cách trái đất chừng 40 năm ánh sáng. Trong vài năm qua, hiểu biết của giới khoa học về 55 Canri e tăng dần. Giờ đây chúng ta biết thời gian nó xoay một vòng quanh ngôi sao trong vỏn vẹn 18 giờ. Khối lượng của gấp gần 5 lần địa cầu, còn bán kính gấp gần hai lần.
Khoảng cách giữa 55 Cancri e và ngôi sao riêng rất ngắn, chỉ bằng 1/26 khoảng cách giữa sao Thủy và mặt trời. Do 55 Cancri e quá gần ngôi sao riêng, các nhà thiên văn từng nghĩ nó có bề mặt trống trải và cực nóng. Song những dữ liệu mà kính thiên văn không gian Spitzer gửi về cho thấy thực tế không đúng như vậy. Kính thiên văn không gian Spitzer phát hiện 20% vật chất của nó là nguyên tố và hợp chất hóa học nhẹ. Nước là một trong số những hợp chất hóa học trên hành tinh đó và các nhà khoa học nhận định rất có thể nó chứa nước ở dạng lỏng.
Nếu nước tồn tại trên 55 Cancri e ở dạng lỏng thì đó sẽ là một loại chất lỏng đặc biệt và khác hẳn nước trên địa cầu. Trên mặt đất nước thường chuyển sang thể hơi ở 100 độ C, song do áp suất khí quyển của 55 Cancri e quá cao nên nước vẫn ở dạng lỏng khi nhiệt độ vượt 100 độ C. Vì thế mặc dù nhiệt độ bề mặt của hành tinh có thể lên tới 1.000 độ C, nước vẫn chảy ra từ những khối đá trên bề mặt của nó.
Rất có thể sự tồn tại của nước trên 55 Cancri e là nguyên nhân khiến nó sở hữu một bầu khí quyển nóng và ẩm. Do nồng độ hơi nước trong bầu khí quyển quá lớn nên con người có thể quan sát bầu khí quyển đó từ trái đất, nơi cách 55 Cancri e tới 40 năm ánh sáng.
Minh Long
(Theo vnexpress)