Tình trạng khô cằn nghiêm trọng kéo dài suốt hơn 600 triệu năm trên sao Hỏa có thể quét sạch mọi sự sống dù dẻo dai đến mấy.
Nhóm chuyên gia do Tom Pike của Đại học Hoàng gia London (Anh) dẫn đầu đã dành 3 năm phân tích mẫu đất sao Hỏa được phi thuyền Phoenix của NASA thu thập trong sứ mệnh vào năm 2008.
Phoenix đã hạ cánh tại khu vực cực bắc của sao Hỏa trong nỗ lực tìm kiếm sự sống trên hành tinh đỏ đồng thời thu thập các mẫu băng và đất trên bề mặt, theo chuyên san Geophysical Research Letter.
Phoenix thám hiểm bề mặt sao Hỏa
Kết quả phân tích cho thấy bề mặt sao Hỏa có thể đã lâm vào tình trạng khô cằn suốt hàng trăm triệu năm, bất chấp sự hiện diện của băng.
Một cuộc nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng, hành tinh này từng có thời gian ấm áp và ẩm ướt hơn cách đây ít nhất… 3 tỉ năm.
Chuyên gia Pike giải thích: “Chúng tôi phát hiện dù có nhiều băng, sao Hỏa đã và đang trải qua thời kỳ siêu khô hạn dài đằng đẳng trong suốt hàng trăm triệu năm”.
Các sứ mệnh tương lai của NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ) và ESA (Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu) sẽ phải “đào bới” sâu hơn nếu muốn tìm dấu vết sự sống trên sao Hỏa.
(Theo Thanh Niên)