Ngày 6/6/2012 sẽ có sự kiện trung bình nửa thế kỷ mới xảy ra một lần, cung cấp những dữ liệu vô giá cho các nhà khoa học trên hành trình săn tìm các hành tinh có sự sống trong vũ trụ bao la.
Đó là hiện tượng một chấm đen nhỏ sẽ xuất hiện ở một bên của mặt trời trong vài tuần và từ từ đi qua đĩa mặt trời trong một vài giờ. Sự chuyển động của chấm đen nhỏ đó có vẻ không đáng kể, nhưng đây là một trong những cảnh tượng hiếm gặp nhất trong thiên văn học, một sự kiện được gọi tên là sự “quá cảnh” của Sao Kim.
Nếu bỏ qua lần này thì phải đợi cho đến năm 2117 mới được thấy lại. Lần sao Kim đi qua mặt trời gần đây nhất là từ những năm 1600.
Hành tinh láng giềng gần nhất của Trái đất và đêm đêm vẫn đứng thẳng hàng với Sao Mộc sẽ cung cấp cho các nhà khoa học những dữ liệu quan trọng trong nghiên cứu những thế giới quay trên các quỹ đạo xa xôi.
Trong 2 thế kỷ qua có 4 lần sao Kim “quá cảnh” qua mặt trời.
“Lần quá cảnh này rất đặc biệt bởi vì đây sẽ là lần cuối cùng trong cuộc đời chúng ta có cơ hội thu thập dữ liệu về một hành tinh đặc biệt như Sao Kim”, nhà khoa học David Crisp đang công tác tại Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA nói.
Sao Kim, với vẻ đẹp lấp lánh trên bầu trời đêm và mối liên hệ với các nữ thần tình yêu La Mã, thực ra lại là thế giới chẳng dễ chịu gì. Nhiệt độ bề mặt 460 độ C cùng bầu khí quyển dày đặc khí carbon dioxide đã đốt hoặc nghiền nát tất cả các tàu vũ trụ đổ bộ xuống đây. Bề mặt của sao Kim được bao phủ bởi những đám mây axit sulfuric dày đặc.
Trước đây sao Kim được cho là anh em với Trái đất vì có kích thước tương đương và quỹ đạo quanh mặt trời, nhưng có vẻ sao Kim giống địa ngục hơn.
Tuy nhiên, trên phương diện nghiên cứu, sự quá cảnh hiếm hoi của Sao Kim sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng giúp các nhà thiên văn học kiểm tra những kỹ thuật mà họ đang phát triển nhằm nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh ngoại – những thế giới quay quanh mặt trời khác – và phát hiện ra những nơi có yếu tố hỗ trợ sự sống như oxy và hơi nước.
(Theo Đất Việt, Guardian)