Khi thằng thứ hai lấy vợ, vì chưa có điều kiện nên gia đình hai đứa vẫn sống chung với bố mẹ, vậy là tôi có dịp so sánh hai nàng dâu.
Hình chỉ có tính chất minh họa
Hàng tháng tôi nhận tiền ăn từ con nhưng rồi thương nó lương thấp nên đưa lại 1/3 để mua sữa cho cháu.
Nó nói với tôi là nhà nghèo nên chỉ đẻ một đứa, vậy mà đồ chơi kể cả quần áo nó mua cho con vô tội vạ, tủ nhựa năm ngăn không đủ, phải cất nhờ tủ ông bà. Cháu lớn lên mà vài bộ quần áo còn chưa mặc lần nào. Tôi chỉ ý kiến có một lần, không dám nói thêm kẻo mang tiếng khó tính. Nhưng nghĩ cứ thấy xót ruột và rầu cho cô con dâu chẳng biết lo xa, khi vẫn vô tư cười: “Tới đâu hay tới đó, chết thế nào được”.
Còn cô dâu thứ hai, hôm vừa rồi khiến tôi hơi bất ngờ khi nó thẳng thắn đề nghị: “Tháng này con về hai tuần chăm mẹ con ốm, vậy con nộp tiền ăn một nửa nhé”. Tôi vội nói ừ và thấy có phần ái ngại. Sau đó có hôm nó bảo: “Tháng trước con mua xà phòng và dầu gội rồi, giờ mẹ bảo chị tiện qua chợ thì mua nhé”.
Cái này có lẽ là do lỗi của tôi chưa phân công rõ ràng, không khéo lại gây ra chiến tranh giữa các nàng dâu. Tôi liền đi mua ngay cho đủ dùng, rồi trộm nghĩ, mấy thứ ấy chắc không khiến mình nghèo đi đâu.
Tôi không bao giờ có ý săm soi hỏi han lương các con nhưng ông bà thông gia của tôi thì rất tự hào về con gái nên có tiết lộ cho tôi biết dâu thứ giỏi thế nào, có bằng đại học và được trọng dụng tại một công ty lớn, lương mình nó đã cao gấp đôi lương của cả hai vợ chồng tôi cộng lại.
Có vài điểm tôi vô tình để ý rồi dành trong bụng mà ngẫm thôi, đó là không bao giờ tôi thấy con dâu thứ gọi cho tôi bằng di động của nó, luôn là gọi từ số máy của công ty và nó cũng lo tôi tốn tiền nên có lần tôi gọi để hỏi xem chiều mấy giờ về, chắc chỉ mất độ 5 giây, nó vẫn tắt máy đi, rồi gọi lại cho tôi bằng “của chùa”. Tôi thở dài nhủ con dâu thật là “của người thì bồ tát của mình lạt buộc”.
Có lần nó thú thật là lúc nào nó cũng sợ ngày nào đó thất nghiệp hoặc đau ốm nên phải lo tích trữ phòng thân, chẳng dám mua sắm, ăn mặc gì quá tay. Theo tôi tư tưởng này là chín chắn so với lứa tuổi như nó, thế nhưng có lẽ con bé đã hơi quá lố và tự biến mình thành một người khắc khổ, kiệt quệ thì phải.
Dâu cả nghèo nhưng biết nhờ ông bà trông con cho, nên thi thoảng có tặng cho mẹ một bộ đồ, biếu bố cái áo rét, hay mua cho ông bà hộp sâm. Không nhiều nhặn gì, chúng tôi thừa sức mua nhưng nhận sự quan tâm từ con cái là niềm hạnh phúc giản dị bố mẹ nào cũng mong có. Mà thật ra “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, tôi vẫn mua cái này cái kia cho con nó, chứ có thiệt đâu.
Đằng này cô dâu hai, ngoài tiền ăn đưa mẹ chồng, chưa bao giờ và chưa khi nào cô đưa cho tôi thêm một cái gì khác. Tôi chạnh lòng và có cảm giác đây chỉ là nơi ăn nhờ ở đậu của con.
Nhiều lúc ông nhà tôi cũng phì cười khi nghe tôi thầm ước giá cộng dâu một và dâu hai với nhau rồi chia bình quân ra thì hay biết mấy.
(Theo dantri)