Các nhà khoa học lâu nay cho rằng cơ hội tốt nhất để tìm thấy sự sống trong vũ trụ là trên những hành tinh tương tự như trái đất. Những khám phá mới nhất cho thấy có hàng chục tỉ hành tinh như thế chỉ riêng trong dải Ngân hà.
Các chuyên gia tại Đài quan sát Nam Âu ở La Silla (Chile) đã đi đến kết luận trên sau khi nghiên cứu hơn 100 sao lùn đỏ, loại sao phổ biến nhất trong vũ trụ, bằng máy quang phổ chia ánh sáng được gọi là HARPS. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Astronomy & Astrophysics số mới nhất, nhóm nghiên cứu do người Pháp chủ trì đã phát hiện 40% ngôi sao lùn đỏ có các “siêu trái đất” (những hành tinh lớn hơn trái đất nhiều lần) xoay quanh ở khoảng cách thích hợp để nước – điều kiện cần thiết cho sự sống – tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt.
|
Trên cơ sở đó, việc tính số lượng các hành tinh có thể có sự sống chỉ là vấn đề toán học. “Do các ngôi sao lùn đỏ quá phổ biến – có khoảng 160 tỉ sao loại này trong dải Ngân hà – nên chúng tôi thu được kết quả đáng kinh ngạc là có hàng chục tỉ hành tinh như vậy chỉ riêng trong thiên hà chúng ta”, trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia Xavier Bonfils thuộc Viện Hành tinh học và vật lý học thiên thể ở thành phố Grenoble (Pháp) cho biết.
Bất chấp khả năng có hàng tỉ nền văn minh khác ngoài hành tinh xanh, các nhà thiên văn học nói rằng vẫn chưa đến lúc chúng ta chuẩn bị gửi những lời chào liên hành tinh. Tiến sĩ Stephane Udry thuộc Đài thiên văn Geneva (Thụy Sĩ), một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, cảnh báo: “Khu vực có thể sống được xung quanh một ngôi sao lùn đỏ, nơi có nhiệt độ thích hợp để nước tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt, ở gần ngôi sao hơn so với khoảng cách từ trái đất đến mặt trời. Nhưng những ngôi sao lùn đỏ dễ bị bão từ, vốn có thể “tắm” hành tinh xoay quanh nó trong tia X và phóng xạ hồng ngoại và vì vậy sự sống khó tồn tại hơn”.
Nhóm nghiên cứu ở Chile cho biết họ sẽ tập trung vào những ngôi sao có hành tinh giống trái đất nhất với hy vọng thu thập được những hình ảnh chi tiết về khí quyển của chúng, từ đó có thêm manh mối về khả năng có sự sống ngoài trái đất. Ông Bonfils và các cộng sự tin tưởng sẽ tinh lọc được kết quả quan sát bằng một thiết bị quang phổ mới phân tích ánh sáng hồng ngoại, là ánh sáng chủ yếu mà các sao lùn đỏ phát ra. Các nhà thiên văn học cũng mong muốn bắt được những hành tinh đang di chuyển.
Nhưng, ngay cả nếu tìm được những môi trường sống ngoài trái đất, chúng ta khó có thể sớm đi thăm những nơi đó. Theo ngôn ngữ không gian, những hành tinh có thể sống được này là láng giềng của chúng ta. Nhưng những ngôi sao lùn đỏ gần nhất cách chúng ta 30 năm ánh sáng, tức gần 300 tỉ km so với mặt trời, và vượt xa khả năng đi lại trong không gian của loài người.
(Theo TNO)