Lễ hội carnival ở Hạ Long, Festival ở Huế hay lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho chuyến du lịch của bạn trong tháng 4 này.
Hạ Long – dự Carnival, vinh danh kỳ quan thế giới mới
Tuần Du lịch Hạ Long – Quảng Ninh (Carnaval Hạ Long 2012) được tổ chức từ ngày 24/4 đến ngày 2/5 tại trung tâm TP Hạ Long, khu du lịch Bãi Cháy, khu du lịch Tuần Châu và các hoạt động phụ trợ trải dài trên địa bàn TP Móng Cái, TP Uông Bí và các huyện lân cận.
Điểm nhấn đáng chú ý tại Lễ hội Carnival Hạ Long 2012 là vào ngày 1/5, Hạ Long sẽ được đại diện của tổ chức New7wonders sẽ trao biểu tượng chính thức kỳ quan thiên nhiên thế giới. Sau 3 tháng đối soát kết quả cuộc bầu chọn toàn cầu kì quan thế giới mới, Vịnh Hạ Long của Việt Nam đã chính thức được công bố là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới bên cạnh Rừng Amazon (Nam Mỹ), Thác Iguazu (Achentina, Brazil), Đảo Jeju (Hàn Quốc), Công viên Komodo (Indonesia), Sông ngầm Puerto Princesa (Philippines) và Núi Bàn (Nam Phi).
Tam Đảo – xứ xanh
Đặt chân đến Tam Đảo vào những ngày hè nắng nóng, bạn như lạc vào thiên đường trong lành, sảng khoái đến say lòng.
Thiên nhiên ban tặng cho Tam Đảo một khung cảnh tuyệt vời: vừa thơ mộng, u tịch, vừa hùng vĩ, huyền ảo trong cảnh mây gió, sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi. Thế nên Tam Đảo là nơi lý tưởng cho bạn nghỉ dưỡng cuối tuần sau một tuần làm việc vất vả.
Cái cảm nhận đầu tiên khi bạn vừa bước chân xuống Tam Đảo là nơi đây dường như có một cái điều hòa thiên nhiên khổng lồ, đang lặng lẽ phun khí lạnh cho toàn khu vực. Không khí trong lành, mát lạnh đến mê hồn.
Đà Nẵng – lễ hội pháo hoa
Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế “Sắc màu Đà Nẵng” diễn ra trong hai đêm 29 và 30/4, với sự tham gia của bốn đội vô địch: Canada (2008), Trung Quốc (2009), Pháp (2012), Italia (2011) và đội chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam.
Ngoài việc xem các cuộc trình diễn pháo hoa, hãy dành thời gian tham quan, tìm hiểu và khám phá các điểm đến nổi tiếng tại thành phố Đà Nẵng.
Bình Châu – tắm khoáng nóng, ăn trứng hồng đào
Từ TP.HCM đi theo Quốc lộ 51 khoảng 100 km đến thị xã Bà Rịa, từ đây rẽ trái theo hướng Quốc lộ 55 khoảng 55 km là đến khu du lịch sinh thái Bình Châu thuộc xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. Giá vé vào cổng là 30.000 đồng/ người lớn và 15.000 đồng/trẻ em dưới 12 tuổi.
Bình Châu có một món đặc sản bạn không thể bỏ qua, đó là trứng gà luộc. Tại đây, có những chum nước khoáng tự nhiên được xây dựng để du khách có thể tự “luộc” trứng gà. Trứng gà luộc ở Bình Châu được nước khoáng nóng làm chín từ ngoài vào trong nên sau khi luộc trứng có lòng đỏ hồng đào.
Huế – Festival 2012
Đến hẹn lại lên, Festival Huế năm nay với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” sẽ diễn ra từ ngày 7-15/4. Festival 2012 quy tụ hàng loạt các chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế và đặc trưng các vùng di sản văn hóa của đất nước, ngoài ra còn có tới 20 đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ tên tuổi đến từ nhiều quốc gia của cả 5 Châu lục.
Mới lạ nhất và thú vị nhất là việc khai thác những sản phẩm du lịch trong mưa như tạo những không gian thưởng lãm nghệ thuật trong mưa với phần triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh, nhạc phẩm… về mưa xứ Huế; đưa du khách trải nghiệm mưa Huế trên những phương tiện vận chuyển phổ biến của người dân Huế trong mùa mưa…
Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang – Tết Chol ChNam ThMay của người Khmer Nam Bộ
Tết Chôl Chnam Thmây là lễ Tết truyền thống của cộng đồng người Khmer Nam Bộ. Tết Chol-chnam-thmay được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuần thì bắt đầu từ ngày 13/4 Dương lịch). Tết Chol-chnam- thmay còn gọi là tết “chịu tuổi”, trong ba ngày Tết, nam nữ thanh niên Khmer vui chơi ca hát thoả thích.
Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia – Tết Té Nước
Người Thái Lan gọi là Songkran, người Lào gọi là Bunpimay, Thingyan ở Myanmar và Chol Chnam Thmay ở Campuchia, tết Té nước tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Tiểu thừa này hầu hết đều có nhiều điểm chung về hình thức và thường diễn ra từ ngày 13 – 15/4. Điểm nhấn của lễ hội độc đáo này chính là lúc mọi người té nước vào nhau như cách thể hiện thay lời cầu chúc năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Sau những lễ nghi mang đậm sắc thái tôn giáo tại đền chùa, mọi người đổ ra đừờng, dùng xô, chậu, vòi nước hay súng nước tha hồ nghịch nước vào nhau, sau đó còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Mọi người thoải mái tắm mình trong những làn nước, đón nhận nước té càng nhiều càng tốt bởi họ tin rằng như vậy sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Nhật Bản, Hàn Quốc – Ngắm hoa anh đào nở
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc tháng 4 và tháng 5 hàng năm là thời điểm hoa anh đào đua nhau khoe sắc. Những con đường tràn ngập màu trắng hồng của hoa anh đào, những lễ hội hoa anh đào được diễn ra khắp nơi…
Theo Yeudulich