Vào những năm 1890, khi Percival Lowell lần đầu tiên thấy được Sao Hỏa qua kính thiên văn, ông đã phát hiện ra một vài đặc điểm đáng chú ý trên hành tinh này, đó là: có nhiều khe rãnh cắt nhau xuất hiện trên bề mặt của hành tinh, kết nối rất nhiều điểm nằm xa nhau trên bề mặt “quả cầu đỏ”.
Cũng theo ông, những đường chằng chịt quan sát được trông không giống như chúng tồn tại một cách tự nhiên. Nói cách khác, chúng được tạo ra theo chủ đích từ trước. Chính vì vậy, ông đã nhanh chóng tán thành với quan điểm của nhà thiên văn học người Italia – Giovanni Schiaparelli rằng những đường chằng chịt đó là những kênh rạch do con người trên Sao Hỏa tạo ra để đáp ứng nhu cầu nước tiêu dùng trong đời sống của họ.
Nếu con người Trái Đất biết đào sông, đào kênh rạch thì tại sao những người ngoài hành tinh lại không biết nghĩ tới việc này? Không chỉ vậy, Percival Lowell còn xuất bản nhiều cuốn sách viết về Sao Hỏa để công bố rộng rãi đến công chúng những suy luận của ông. Những cuốn tiêu biểu trong số đó bao gồm các cuốn như Sao Hỏa, Những kênh đào trên Sao Hỏa (Mars and its canals), Sự sống trên Sao Hỏa (Mard as the abode of life). Khi những tác phẩm này được xuất bản, cộng đồng khoa học và rất nhiều người cũng đồng tình với các suy đoán được đề cập trong đó.
Thế nhưng, thực tế lại không như vậy. Khoảng vài thập kỷ sau, khi tàu thăm dò không gian Mariner 4 được đưa lên hành tinh đỏ và thu được một chùm ảnh bề mặt của Sao Hỏa thì các kết quả đã gây khá nhiều thất vọng. Bởi lẽ, những kênh rạch mà Percival Lowell thấy trước đây, theo như chùm ảnh quan sát được, thực chất là những hồ nước trên miệng núi lửa đã bị đóng băng. Và chắc chắn, không hề tồn tại một hệ thống kênh đào có tổ chức quy mô trên Sao Hỏa như người ta đã từng dự đoán và tin tưởng trước đó.
Rất nhiều cuộc nghiên cứu vẫn được thực hiện từ đó đến nay để tìm ra các dẫn chứng đáng tin cậy về bí mật của Sao Hỏa từ một hành tinh có rất nhiều biến động trên bề mặt đến khi trở thành một hành tinh đóng băng như hiện nay và không còn tồn tại những thay đổi trên bề mặt nữa. Tuy nhiên, cũng có những kết quả chỉ ra các hoạt động vẫn đang diễn ra của những đụn cát lớn trên Sao Hỏa. Một trong những kết quả đó được các thành viên tham gia nhiệm vụ trinh thám Sao Hỏa (Mars Reconnaissance Orbiter mission) của NASA đưa ra.
Các kỹ sư phần mềm cũng như những nhà phân tích hình ảnh của Viện nghiên cứu công nghệ California (Hoa Kỳ) đã phân tích những bức ảnh được chuyển về từ camera có độ phân giải cao (High Resolution Imaging Science Experiment camera). Nhóm nghiên cứu này đã theo dõi các hình ảnh về đụn cát Nili Patera bao phủ khoảng 300km2 trên bề mặt Sao Hỏa trong khoảng 105 ngày. Đồng thời, họ cũng sử dụng các chương trình đo đạc và tính toán để theo dõi sự thay đổi về hình dáng và độ bao phủ của đụn cát. Và kết quả cũng thật đáng mừng, họ đã thấy được sự thay đổi đó, đụn cát đã mở rộng thêm 4,5m. Theo lời kỹ sư phần mềm Francois Ayoub – một thành viên trong nhóm nghiên cứu thì “tất cả các đụn cát đều có xu hướng chuyển động. Dường như không có đụn cát nào là bất động cả”. Điều này đồng nghĩa với việc bề mặt Sao Hỏa vẫn đang tiếp tục thay đổi.
Các dẫn chứng về những chuyển động trên bề mặt Sao Hỏa đã được tìm ra gần đây, tuy nhiên tốc độ và mức độ mở rộng của các đụn cát cũng cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa. Theo lời người chỉ đạo của nhóm nghiên cứu này – Jean-Philippe Avouac thì “gió chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự thay đổi trên bề mặt của Sao Hỏa. Nghiên cứu về gió trên Sao Hỏa là vô cùng quan trọng, vì điều này sẽ giúp chúng ta biết được tình hình hiện tại cũng như dự đoán được những biến đổi trong tương lai của bề mặt Sao Hỏa”. Cũng theo ông này, các trận gió trên Sao Hỏa có tốc độ tương đương như gió thổi trên Trái Đất. Một trận gió trên hành tinh đỏ này có mức độ tương đương với gió trong một trận bão cấp 8 trên Trái Đất.
Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề gió thổi này, đó là: Những đụn cát mở rộng thường xuyên với tốc độ không đổi hay chỉ khi nào có những trận gió thổi thì các đụn cát mới mở rộng. Và tất cả các đụn cát đều mở rộng hay chỉ một số mà thôi?
Nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu công nghệ California vẫn đang tiếp tục tìm kiếm câu trả lời. Những bức ảnh chụp được Sao Hỏa trên quy mô rộng hơn nhưng rõ nét hơn vẫn đang được nghiên cứu. Có thể các trận núi lửa hoạt động hay lũ lụt chỉ còn là quá khứ của Sao Hỏa, thế nhưng Sao Hỏa vẫn đang trải qua những biến đổi khác về mặt địa lý. Những biến đổi này là do hoạt động của các cơn gió trên bề mặt Hỏa tinh gây ra. Và khi các cơn gió này vẫn thổi, người ta vẫn có quyền tin tưởng đây không phải là một hành tinh chết, ít nhất là về khía cạnh địa lý. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta sẽ có nhiều hy vọng hơn trong cuộc tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa.
Tham khảo: Wired
(Theo Genk, Wired)