Tuổi thơ của tôi gắn liền với những trò nghịch ngợm và quậy phá. Vì vậy, tôi từng nhận nhiều trận đòn thừa sống thiếu chết, những cái véo tai đến méo mặt từ bố. Bố tôi rất khó tính và nghiêm khắc. Anh chị em tôi, ai cũng sợ ông.
Sau mỗi lần bị phạt, bố luôn là người đầu tiên bắt chuyện với tôi. Ông không vuốt ve dỗ dành như mẹ, nhưng cách ông gợi chuyện khiến tôi thấy ấm áp vì được quan tâm. Và tận đáy lòng, tôi yêu bố sâu sắc và cảm ơn những trận đòn của bố đã giúp tôi trưởng thành.
Hiện tại tôi đã có vợ và ba đứa con. Đứa lớn nhất tám tuổi, đứa thứ nhì sáu tuổi, đứa út ba tuổi. Khác với cách dạy của bố, tôi chưa bao giờ sử dụng roi vào việc kỷ luật các con vì vợ tôi không đồng ý. Quan điểm của cô ấy là bạo lực không giải quyết được gốc của vấn đề mà chỉ làm mọi chuyện tệ hại thêm. Do đó, hằng ngày chúng tôi luôn mệt mỏi để hòa giải, phân xử ai đúng ai sai trong những cuộc cãi vã, những trò trêu chọc, những “cuộc chiến” của bọn trẻ. Tôi từng kể với vợ rằng, nhờ đòn roi đúng lúc của bố mà giờ đây tôi không hư đốn, anh chị em trong nhà luôn hòa thuận, con cái biết hiếu thảo với cha mẹ, nhưng vợ tôi luôn gạt đi và cho rằng thời đó đã xưa rồi. Ngày nay, trẻ em thông minh hơn xưa nên chỉ cần khuyên bảo là chúng đã “thấm”.
Nói thì nói vậy nhưng tôi biết vợ tôi rất đau khổ và bế tắc khi các con sai quấy. Cuối cùng, vợ tôi vẫn là người nhượng bộ và ôm ấp, an ủi khi chúng khóc lóc, hứa sẽ không dám tái phạm. Dù vậy, tụi trẻ vẫn tiếp tục vi phạm, chỉ khác là với hành vi khéo léo hơn.
Mỗi ngày đi làm về là tôi lại mệt mỏi vì tiếng con la mẹ hét. Tôi luôn cố gắng kềm chế cảm xúc để không quát tháo, nạt nộ con, nhưng thỉnh thoảng vẫn la mắng chỉ để… dằn mặt vợ.
Tôi biết mình có phần lo lắng thái quá, nhưng không lo sao được khi những lời dạy bảo của vợ chồng tôi ít được con cái ghi nhớ.
Theo Eva