Từ trước tới nay, chưa có tàu thăm dò sao Hỏa nào mang đá về trái đất, nhưng nhiều cục đá từ Hành tinh Đỏ đã xuất hiện trên thị trường và được bán với giá rất cao.
Hồi cuối tháng 5, một cục đá sao Hỏa đen bóng, nhỏ tới mức có thể nằm gọn trong lòng bàn tay đã được bán với giá 43.750 USD (hơn 900 triệu đồng). Hòn đá này là một phần của thiên thạch Tissint – trông như một quả bóng lửa khi rơi xuống vùng sa mạc Tissint (Morocco) vào ngày 18/7/2011. Người dân địa phương phát hiện một số mảnh rơi của thiên thạch Tissint vào tháng 11, và một nhóm chuyên gia đã xác định nguồn gốc đích thực của chúng vào đầu năm nay.
Cục thiên thạch nặng 46gr được bán với giá hơn 900 triệu đồng.
Sau khi được phát hiện, các mảnh của Tissint được mua bán trên thị trường thiên thạch. Lượng cầu và giá của thiên thạch cũng tăng chóng mặt từ khi các mảnh thiên thạch được rao bán công khai từ những năm 1990. Một năm sau khi rơi xuống trái đất, các mảnh của thiên thạch Tissint đang được săn lùng bởi các nhà sưu tập và các viện nghiên cứu, nhưng một số mảnh vẫn đang được rao bán.
Một số chuyên gia ước tính còn khoảng 2,3kg thiên thạch sao Hỏa vẫn đang được bán trên thị trường, trong đó có mảnh to nhất, nặng 1,3kg. Trước đó, một mảnh nhỏ hơn (46gr) có màu than cốc, là một trong số các mảnh được hãng đấu giá Heritage Auction giao bán hôm 20/5, cùng với một mảnh nhỏ khác của thiên thạch khổng lồ được phát hiện năm 1902 ở Williamette, bang Oregon (Mỹ), từng được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ. Ngoài ra còn có nhiều mảnh thiên thạch từ mặt trăng và thiên thạch pallasite chứa khoáng chất quỹ peridot cũng được bán đấu giá.
Thiên thạch là một phần đá hoặc kim loại từ không gian rơi xuống bề mặt của trái đất. Hầu hết thiên thạch đều có nguồn gốc từ vành đai hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc, khi các vụ va chạm làm văng ra các mảnh thiên thạch. Những mảnh thiên thạch này rơi xuống trái đất do lực hấp dẫn. Để rơi được xuống mặt đất, các thiên thạch phải vượt qua được bầu khí quyển trái đất.
Các thiên thạch văng ra từ mặt trăng và sao Hỏa là hiếm hơn cả. Đến nay mới có khoảng 65 mảnh thiên thạch, bao gồm cả Tissint, được phát hiện.
(Theo Đất Việt)