Phượng vĩ thảo hay còn được gọi là cỏ phượng vĩ. Là loại cây thảo nhỏ, cao 30 – 40cm. Thân rễ ngắn mọc bò, lá chia ra làm nhiều đoạn xòe ra như đuôi con phượng, mép lá các đoạn có khía cạnh. Cây mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở quanh bờ giếng, chân tường, vách đất, rìa đường…
Phượng vĩ thảo có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết, chỉ lỵ. Thường được dùng chữa kiết lỵ, viêm đường tiết niệu, cảm phát, viêm họng, ngứa lở. Bộ phận dùng làm thuốc toàn cây, thu hái quanh năm, rửa sạch, phơi khô dùng dần.
Phượng vĩ thảo có tác dụng thanh nhiệt.
|
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
- Chữa tiểu tiện rắt buốt do nóng trong: Phượng vĩ thảo 20 – 30g, lấy 550ml nước vo gạo (dùng nước vo lần thứ hai) sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng 10 – 15 ngày một liệu trình.
- Chữa viêm họng: Phượng vĩ thảo 30g, bồ công anh 20g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch đổ 500ml nước, sắc còn 200ml chia 2 lần uống ngày 1 thang. Dùng liền 5 ngày.
Phượng vĩ thảo.
|
Hoặc:
Phượng vĩ thảo 30g, bồ công anh 20g, lá húng chanh 12g, lá rẻ quạt 6g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần, dùng liền 5 ngày.
- Hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu: Phượng vĩ thảo tươi 60 – 120g, rửa sạch, đổ 1000ml nước sắc còn 300ml nước thay trà uống hàng ngày.
- Chữa lỵ (thể nhẹ): Phượng vĩ thảo 30g, lá mơ lông 20g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch đổ 600ml nước, sắc còn 150ml chia 2 lần uống ngày 1 thang. Dùng liền 5 -10 ngày. Hoặc: Phượng vĩ thảo 30g, rau sam 30g. Sắc uống ngày một thang, dùng 10 ngày một liệu trình.
Lưu ý: Phượng vĩ thảo tính lạnh nên không dùng cho người mắc chứng hư hàn; người già yếu mới ốm dậy sử dụng cần thận trọng.
Vietbao.vn Theo SKDS
(Theo vietbao)