Dần dần sự cáu bẳn của vợ đã làm thui chột tình yêu trong anh.
Chiều quá, vợ sinh hư!
Anh hơn chị 5 tuổi. Anh sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, là con trưởng nên mọi việc đều đến tay. Bởi thế, anh rất trân trọng, cưng nựng cô vợ bé bỏng – con gái rượu của sếp.
Anh mãn nguyện khi lấy được người vợ trẻ lại xinh đẹp, thông minh, ngặt một nỗi, nàng quen õng ẹo, hay cáu bẳn vô lý.
Anh nghĩ: “Đàn bà con gái được quyền đòi hỏi, nhất là nàng lại được cưng chiều từ nhỏ. Mình là thằng đàn ông, chẳng lẽ không chiều nổi?” Ngẫm đi ngẫm lại, chính cái tính khí thất thường, hờn giận như trẻ con của Phượng đã từng hút hồn anh.
Vợ “lên cơn”, anh Hòa lại lọ mọ đi chợ nấu cơm để nịnh vợ (Ảnh minh họa) |
Ban đầu anh nghĩ chỉ cần nhường nhịn vợ thì “dù ghê mấy cũng sẽ êm xuôi”. Nhưng càng ngày, anh càng thấm thía rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Cưới nhau, những ngày hạnh phúc của hai vợ chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khi Phượng vướng mắc chuyện khó chịu trên cơ quan hay xích mích với đồng nghiệp là lại về đổ lên đầu anh. Cô luôn giận cá chém thớt dù anh có ra sức vỗ vễ hay im lặng. “Sao tôi khổ thế này! Từ khi lấy anh, tôi toàn gặp chuyện đen đủi.” Cô luôn gào lên như thế mỗi lần bực dọc.
Đi làm về mệt mỏi, anh Hòa chỉ muốn nghỉ ngơi nhưng chẳng xong vì Phượng luôn kiếm chuyện để nổi nóng. Những hôm như vậy, anh lại lọ mọ đi chợ, nấu cơm, để nịnh nọt vợ.
Anh làm lành nhiều đâm ra “nhờn thuốc” vì cô vợ vẫn sống như cái thời còn yêu, nhõng nhẽo, khóc lóc, giận hờn. Cứ hơi tí là vợ lại “giở chứng” khiến anh không biết đường nào mà lần.
Hết lần này đến lần khác, anh đều nhẫn nhịn chỉ mong nhà cửa được bình yên và vì anh yêu vợ. Lúc nào Phượng cũng cho rằng mình đúng rồi chỉ trích chồng đủ điều. Dần dần sự cáu bẳn của vợ làm thui chột tình yêu trong anh. Anh Hòa bắt đầu mệt mỏi, ngán ngẩm mỗi khi nhìn bộ mặt lạnh tanh, vô cảm của vợ.
Sức chịu đựng bị chạm ngưỡng khi ngày sinh nhật anh, mấy ông bạn cùng phòng rủ đi nhậu. Về chậm chỉ 20 phút, cô vợ đã điên loạn đòi tự tử vì “anh lừa dối em”. Dù giải thích như thế nào, Phượng nhất quyết không nghe. Anh sợ hãi và thấy mình cô đơn trong chính ngôi nhà này. Anh tự hỏi, “có phải mình đã quá nuông chiều vợ?”
Anh Tuấn lại khác. Ngày ngày, căn đúng giờ, anh lại vội vàng đi đón con, đi chợ, nấu cơm, quét dọn nhà cửa, tắm cho con, cho con ăn, giặt giũ và phơi phóng quần áo…
Gần tới giờ cơm, Lan, vợ anh mới đủng đỉnh về nhà với hàng đống quần áo, nước hoa xách trên tay. Vẻ mặt hồ hởi khoe “Nhất chồng em, cưới được người thẩm mỹ cao, gu xịn, ăn mặc sành điệu như em.”
Rồi Lan chậm rãi đi tắm, mát xa chán chê. Chồng gọi ời ời, cô mới ngúng nguẩy đi xuống ăn. Tối nào cũng vậy, khi ăn xong, cô lại dính chặt lấy máy tính trong khi anh chồng mướt mát mồ hôi rửa bát.
Rồi anh vui vẻ rủ vợ đưa con lên phố chơi. Cô nói: “Thôi, anh trông rồi cho nó đi ngủ sớm. Em ngồi lát rồi đi bar với mấy đứa bạn.”
Anh ậm ừ rồi lên thẳng phòng con. Anh là người đàn ông rất yêu và biết trân trọng tổ ấm của mình. Sai lầm lớn nhất của anh là đã chiều vợ. Anh để vợ tự do và thoải mái bởi anh tin cô ấy.
Anh than thở: “Biết cô ấy sinh con xong vất vả, công việc chưa ổn định. Ngoài việc lo toan kinh tế gia đình, mình làm mọi việc nhà để cô ấy có thời gian nghỉ ngơi, phấn đấu khi chưa ổn định việc làm. Mình có bao tiền đều đưa hết và không giữ lại một xu. Nhưng dần dần gia đình như quán trọ với cô ấy.”
Chiều nên trong giới hạn
Khi chồng đã gồng mình lên mà vợ còn quá quắt hơn nữa thì “già néo đứt dây” là chuyện khó tránh khỏi.
Vẫn biết, chồng có thể dành thời gian lo lắng, chăm sóc cho gia đình, chia sẻ những công việc vặt trong nhà với vợ là điều đáng quý, đáng khuyến khích nhưng các bà vợ cũng cần phải biết công việc chính của mình chính là chăm sóc từng “đường kim, mũi chỉ” cho chồng con. Bởi người phụ nữ mới chính là người giữ lửa cho gia đình.
TheoTTVN