Ở Đức có những chiếc hộp bên đường, là nơi các bà mẹ sinh con xong không muốn nuôi có thể mang đến, bỏ vào đó.
Bên vệ đường ở Berlin, có một tấm biển chỉ lối dẫn tới “Babywiege” (nôi trẻ em), là một chiếc hộp thép được giữ ấm. Bên trong là chăn gối được gấp gọn gàng. Ngoài ra, còn có một lá thư cùng địa chỉ liên lạc phòng khi người bỏ rơi con mình đổi ý.
Gabriele Stangl (Bệnh viện Waldfriede, Berlin) cho biết, ngay khi em bé được đặt vào hộp, chuông sẽ báo và đội ngũ y tế tới. Trẻ sẽ được đưa vào viện chăm sóc trước khi các thủ tục nhận nuôi được thực hiện. Trong thời gian đầu, các bà mẹ có thể tìm lại con mình nhưng sau đó (khi đứa trẻ được nhận nuôi) thì không.
Có những bà mẹ đã quay trở lại. Một người chia sẻ với BBC rằng chị quá tuyệt vọng khi đứa con ra đời và bị cha bỏ rơi, trong khi chị còn quá trẻ. Một tuần sau khi bỏ con, chị đổi ý. Người mẹ đã làm theo đúng chỉ dẫn trong lá thư và tìm lại được con mình. Những người đưa ra dự án hộp đựng trẻ em cho rằng đây là một cách an toàn để các bà mẹ có thể bỏ lại con mình, thay vì để trẻ ở những nơi lạnh lẽo hoặc nguy hiểm.
Hộp đựng trẻ em ở Berlin. |
Những trường hợp bỏ rơi con thương tâm đã thúc đẩy việc thiết lập hộp đựng trẻ em ở một số nước như Đức, Áo, Ba Lan, Hungary, CH Czech và Romania. Thậm chí, nhiều nước còn thay đổi luật để khuyến khích sử dụng hộp đựng trẻ em. Ở Hungary, nếu bỏ con trong hộp đựng trẻ em thì sẽ được xem như cho con làm con nuôi hợp pháp, nhưng bỏ con ở bất cứ nơi nào khác là tội ác. Tại Hamburg, trong 10 năm có 42 trẻ em bị bỏ rơi trong hộp đựng. Sau đó, 17 bà mẹ đã liên lạc với tổ chức và 14 người đã nhận lại con mình.
Steffanie Wolpert, một nhà tổ chức ở Hamburg, nói: “Năm 1999 (khi chưa có chương trình Hộp đựng trẻ em), ở đây có 5 trẻ bị bỏ rơi, 3 trong số này đã tử vong khi được phát hiện. Vì thế, mục đích của chương trình là giúp những đứa trẻ sống sót”.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền trẻ em không bị thuyết phục. Họ cho rằng “Hộp đựng trẻ em” sẽ đẩy lùi thế giới về thời Trung cổ, khi các bà mẹ có thể chuyển đứa con mình bỏ rơi qua ô cửa sổ tròn của nhà thờ. “Họ đang gửi những thông điệp sai lầm. Các thai phụ sẽ tưởng là họ đúng khi giấu diếm việc mang thai, sinh nở rồi đem con mình bỏ đi”.
Nhà tâm lí học Kevin Browne thuộc Đại học Nottingham (Anh) nói: “Nghiên cứu ở Hungary cho thấy trong nhiều trường hợp, họ hàng, chủ nhà chứa, cha dượng hoặc cha đẻ đứa bé mới là người đặt nó vào hộp. Liệu những chiếc hộp này có bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và liệu mẹ đứa bé có biết con mình được đặt vào hộp này không?”.
Theo Bee
(Theo baodatviet)