Dưới đây là bốn địa danh nổi tiếng mà ở đó, du khách có thể thỏa thích thưởng ngoạn những màu sắc tuyệt đẹp của cầu vồng ở trên bầu trời trong xanh hay dưới dòng sông chảy xiết.
Honolulu, Mỹ
Nếu muốn tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất của cầu vồng trong thiên nhiên, không nơi nào sánh bằng thành phố thiên đường Honolulu, thủ phủ tiểu bang Hawaii, Mỹ. Ở mảnh đất xinh đẹp này, gần như ngày nào cũng xuất hiện cầu vồng.
Honolulu nghĩa là “vịnh ẩn nấp” hay “nơi trú ẩn”. Nơi đây là một khu nghỉ mát nổi tiếng của ngành du lịch Mỹ và được mệnh danh là nơi bồng lai tiên cảnh của thế giới.
Nguồn gốc của những chiếc cầu vồng ở Honolulu chính là những ngọn núi ở phía Bắc của thành phố, chúng thường xuyên bị sương mù dày đặc bao phủ trong lúc mặt trời chiếu nắng. Đó là thời điểm những chiếc cầu vồng lộng lẫy xuất hiện trên những ngọn đồi. Nhiều khi mặt trời sắp lặn, bầu trời ở Honolulu sẽ bị chế ngự bởi một màu đỏ và cầu vồng lúc đó không thể phát ra những màu sắc khác vì vậy chúng chỉ được “khoác lên mình” một “chiếc áo” màu đỏ duy nhất mà thôi.
Du khách có thể tới Honolulu bằng cách bắt một chuyến bay tới sân bay quốc tế Honolulu. Từ đây, bắt thêm một chuyến xe buýt với giá từ 1 – 2,25 USD để có thể vào khu vực trung tâm. Nếu không say sóng, du khách hoàn toàn có thể lựa chọn một chuyến tàu, thường là dịch vụ dành cho nhóm du lịch đông người.
Venice, Italy
Là một hòn đảo nhỏ nằm ở phía Đông Bắc của Venice, Italy, thị trấn Burano duyên dáng, quyến rũ với những ngôi nhà hộp màu sắc sặc sỡ như 7 sắc cầu vồng. Người dân trên đảo có truyền thống lâu đời sơn nhà ở của mình với đủ sắc màu rực rỡ cùng với những ban công đầy nắng và giỏ hoa.
Nếu đứng riêng rẽ thì những ngôi nhà ở đây bình thường như bao ngôi nhà khác, nhưng khi cho vào một quy hoạch tổng thể, những mái ngói san sát nhau, ô cửa được sơn màu trắng, màu sơn không nhà nào giống nhau nào tạo nên nét đặc trưng của Burano.
Truyền thuyết kể lại rằng từ đảo này có rất nhiều thủy thủ khởi hành đi xa. Họ đi rất nhiều năm và người ta lo sợ họ sẽ quên mất nhà của mình trông như thế nào. Vì vậy, người dân trên đảo đã quyết định trang trí những ngôi nhà của mình với những màu sắc riêng biệt, độc đáo, để người đi xa khi trở về vẫn thấy quen thuộc.
Cano Cristales, Colombia
Là một trong những kỳ quan thiên nhiên có “1-0-2″ của tạo hóa, sông Cano Cristales ở Colombia được mọi người xưng tụng với những danh hiệu như “dòng sông chảy từ thiên đường” hay “dòng sông cầu vồng huyền thoại”.
Sông Cano Cristales tọa lạc bên trong khu bảo tồn quốc gia Macarena một khu bảo tồn có diện tích 3.900km vuông. Vào thời điểm chuyển giao giữa mùa mưa và mùa khô, một loại cây mọc dưới lòng sông có tên macarenia màu xanh lá chuyển sang màu đỏ tươi, cam vàng và nâu sậm. Những màu sắc này nổi bật lên trên nền vàng của cát dưới lòng sông, màu xanh của rêu, màu xanh của nước và những mảng tối từ những hốc đá đã mang đến cho con sông này cái tên “dòng sông cầu vồng”.
Cái tên Cano Cristales được nhà thám hiểm Andres Hurtado đặt cho con sông này vào năm 1980, khi lần đầu tiên ông khám phá ra vẻ đẹp huyền diệu của tạo hóa. Về mặt cấu tạo, sông Cano Cristales là một con sông có dòng chảy nhanh, kèm theo là những thác nước, hốc đá và một dòng nước trong vắt đến mức bạn có thể nhìn thấy tận đáy sông.
Lý do khiến hiện tượng độc đáo này chỉ xảy ra vào thời điểm giao mùa là do vào mùa mưa, nước sông chảy khá nhanh và sâu, từ đó ngăn cản cây macarenia hấp thụ ánh sáng, điều kiện cần để cây chuyển sang màu đỏ.
Chamarel, Mauritius
Làng Chamarel thuộc Cộng Hòa Mauritius, đảo quốc nằm hướng Tây Nam Ấn Độ Dương sở hữu những cồn cát uốn lượn với rất nhiều sắc màu cuốn hút (màu vàng, xanh lá cây, xanh dương, tím, xám, đỏ và cam), gọi chung là bãi cát cầu vồng. Điều kỳ lạ là bãi cát này tọa lạc giữa những cánh rừng xanh, tạo nên một không gian độc đáo.
Thật ra những cồn cát nhiều màu sắc này là sự kết tinh từ các và nham thạch núi lửa phun trào trải qua thời gian bào mòn dưới mưa gió mà tạo thành. Thế nhưng, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa làm sáng tỏ nguyên nhân quá trình tạo nên sắc tố của những cồn cát này.
Theo Kim Anh (Báo Đất Việt)