Người Ai cập tin rằng trang điểm mắt sẽ giúp con người trở nên trường thọ. Bắt nguồn từ những năm 4000 trước công nguyên, trang điểm vẽ mắt cho tới nay vẫn còn phổ biến. Thậm chí một số nền văn hóa vẫn còn sử dụng các kỹ thuật giống như người Ai Cập đã làm từ hàng ngàn năm trước đây. Họ kết hợp muội than với một khoáng chất có tên galena để tạo ra kohl – một loại thuốc mỡ có màu đen vẫn còn phổ biến tới ngày nay. Họ còn trang điểm mắt có màu xanh lá cây bằng cách kết hợp một loại khoáng chất là malachite với galena.
Đối với người Ai Cập cổ đại, không chỉ phụ nữ mới cần trang điểm. Trong xã hội của họ, vẻ ngoài biểu hiện cho địa vị xã hội cho nên vì thế người có vị thế xã hội càng cao, họ càng trang điểm cầu kì. Thời trang chỉ là một phần của lý do giải thích tại sao người Ai Cập lại thích tô vẽ mắt rất đậm. Họ tin rằng làm như vậy có thể giúp chữa khỏi các bệnh về mắt để giữ cho mắt họ không bị biến thành đôi mắt của quỹ dữ.
9. Chữ viết
Việc vẽ tranh để thuật lại hay ghi chép không có gì là mới, khi từ cách đây 30.000 BC người cổ đại ở ở Pháp và Tây Ban Nha đã bắt đầu vẽ lên vách hang động nhằm lưu giữ thông tin. Tuy nhiên, Ai Cập và Lưỡng Hà mới là nơi đầu tiên phát triển hệ thống chữ viết từ cách vẽ này.
Hệ thống chữ viết Ai Cập là hệ chữ tượng hình, xuất hiện lần đầu tiên từ năm 6000 trước Công nguyên. Chữ tượng hình là sự miêu tả đơn giản các từ ngữ mà chúng đại diện, nhưng có những hạn chế nhất định. Theo thời gian, người Ai Cập đã thêm vào một số nhân tố khác vào hệ thống chữ viết của họ, bao gồm các ký tự như alphabet đại diện một số âm nhất định và các kí tự khác, cho phép họ viết ra tên và các khái niệm trừu tượng.
Ngày nay, mọi người đều biết đến Ai Cập là nơi khai sinh ra hệ thống chữ viết chạm khắc (hieroglyphics), bao gồm các chữ cái, ký hiệu âm tiết, cũng như ideograms (chữ biểu ý) – hình ảnh đại diện cho toàn bộ cụm từ – được tìm thấy rộng rãi trong lăng mộ Ai Cập và nhiều nơi khác. Các ghi chép này cung cấp cho chúng ta hiểu biết về xã hội Ai Cập cổ đại từ chính trị đến văn hóa. Sau này học giả người Pháp Jean-Francois Champollion tìm thấy phiến đá Rosetta và giải mã thành công, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ đầy bí ẩn về Ai cập cổ đại đã kéo dài trong gần 1500 năm.
8. Giấy papyrus
Không ai phủ nhận rằng người Trung Quốc đã làm thay đổi cả thế giới với phát minh ra giấy vào khoảng năm 140 trước Công nguyên, nhưng nhiều người không biết rằng người Ai Cập đã làm ra giấy từ cây papyrus từ cách đó hàng ngàn năm (giấy cói). Giấy papyrus có màu ngà, nâu vàng, cứng nhưng có thể uốn cong, và đặc biệt rất bền, được làm từ lõi của một loại cói có tên papyrus, cao khoảng 2-3m mọc hai bên bờ sông Nile. Đặc tính cứng cáp và rất bền của paypyrus còn dùng để may buồm, làm dép, dệt thảm và các nhu cầu thiết yếu khác trong đời sống Ai Cập cổ đại.
Người Ai Cập cổ đại đã giữ kín bí mật kĩ thuật làm giấy papyrus để họ có được lợi thế buôn bán loại giấy này với các nước trong khu vực. Tuy nhiên đến năm 1965 nhà khoa học Hassan Ragab đã tìm ra cách mà người cổ xưa đã tạo ra các tấm giấy papyrus và cố gắng để khôi phục nghề thủ công truyền thống này ở Ai Cập.
7. Lịch
Ở thời cổ đại lịch đóng vai trò cực kì quan trọng, giúp con người tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt. Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng lịch từ hàng ngàn năm TCN để biết khi nào lũ trên sông Nile sẽ xảy ra, từ đó có biện pháp canh tác phù hợp.
Lịch của người Ai Cập xây dựng để phù hợp với tập quán nông nghiệp và được chia thành ba mùa chính: ngập lụt, phát triển và thu hoạch. Mỗi mùa có bốn tháng, mỗi tháng được chia thành 30 ngày, tất cả là 360 ngày một năm ngắn hơn thực tế một vài ngày. Người Ai Cập đã thêm vào năm ngày giữa mùa thu hoạch và ngập lụt. Năm ngày này được chỉ định riêng là ngày lễ tôn giáo để tôn vinh những người con của các vị thần.
6. Cày
Nhiều bằng chứng cho thấy người Ai Cập và Sumer là một trong những xã hội đầu tiên sử dụng cày từ những năm 4000 trước CN. Những chiếc cày đầu tiên được cải tiến từ các dụng cụ cầm tay, nên còn quá nhẹ và không hiệu quả khi xới đất. Hơn nữa, phải cần tới 4 người đàn ông khỏe mạnh để kéo chiếc cày này.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào những năm 2000 trước Công nguyên, khi lần đầu tiên người Ai Cập dùng bò để kéo cày. Cách đầu tiên họ sử dụng là buộc cày vào sừng nhưng lại làm gia súc gặp khó khăn khi thở. Về sau họ đã cải tiến bằng cách sử dụng hệ thống dây chằng buộc để đạt hiệu quả cao hơn. Cày đã tạo ra cuộc cách mạng nông nghiệp ở Ai Cập cổ đại, và cùng với chế độ nước đều đặn của sông Nile, việc canh tác nông nghiệp ở xã hội Ai Cập đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều khi so với các nền văn minh khác thời bấy giờ.
Theo Genk
(theo khoahoc)