Không có nhiều thời gian nán lại và cũng đã thấm mệt, chúng tôi rời rừng quốc gia Cúc Phương và mong một dịp khác sẽ quay về, để khám phá lộ trình lên đỉnh Mây Bạc, đỉnh núi cao nhất Ninh Bình, thăm bản người Mường, chèo thuyền kayak, những lộ trình chỉ có thể khám phá khi đi cùng các hướng dẫn viên.
Chúng tôi lên đường xuôi xuống thành phố Ninh Bình vào dịp nghỉ tết tây mới đây, với ý định “vui đâu chầu đấy”, nghĩa là đi đến đâu, thấy chốn nào đẹp thì rẽ vào nghỉ chân đôi chút. Sau khi đã khám phá khu sinh thái Vân Long, lại dạo bước trong khu đền Đinh, Lê của Hoa Lư cổ, chúng tôi quyết định lựa chọn hành trình tiến vào rừng Cúc Phương, khu vườn quốc gia đầu tiên và cũng là lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Từ thành phố Ninh Bình, đi qua cây cầu Gián Khẩu, chúng tôi nhìn thấy tấm biển đề chữ rất lớn: “Vườn quốc gia Cúc Phương kính chào quý khách!”, với mốc chỉ cây số chỉ có 33 km. Vậy nên dẫu trời rất lạnh và cũng hơi muộn, chúng tôi vẫn nhẩn nha đi vào con đường làng hướng tới Cúc Phương. Nói là 33 km nhưng con đường ấy quả thật là dài, có lẽ vì nó nhiều phần là đường làng, đi qua nhiều điểm đồng không mông quạnh. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu rừng nguyên sinh nổi tiếng.
Ngay từ cổng rừng, chúng tôi đã được người gác cảnh báo là đường vào rừng còn khá sâu, phải đến 20 km nữa nên lập tức mua thêm xăng. Cũng phải thôi, vì khu rừng trải rộng tới ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Cảm giác đi xe trong rừng mang lại cho chúng tôi sự thư thái khác hẳn với chốn phồn hoa đô hội. Hai bên con đường đầy những lá xanh mướt với những loài cây chò cao, dây bàm bàm vấn vít và nắng xuyên qua những kẽ lá khiến lòng người thêm nhẹ nhõm, thanh bình. Khu rừng có tới hàng chục nghìn loài cây, gỗ khác nhau, đủ mọi họ, từ những cây gỗ cổ thụ cao vút mọc trên núi đá vôi, tới những cây phong lan, cây điệp đẹp mê hồn.
Chúng tôi dừng xe bên hồ Mạc để tận hưởng vẻ thanh bình của chốn rừng xanh sâu thẳm. Hồ nước phẳng lặng, hai bên là lá xanh mát mắt, giữa mùa đông mà vẫn có vẻ mơn mởn, gió nhẹ từ hồ nước thổi vào và thi thoảng là tiếng xào xạc của lá rừng. Đây là điểm cắm trại thường xuyên của những đoàn khách nghỉ qua đêm tại Cúc Phương. Nhưng vì không có thời gian nghỉ chân lâu nên chúng tôi đành bùi ngùi rời hồ Mạc để đi tiếp.
Điểm đến tiếp theo trong hành trình là động Người Xưa. Sở dĩ động có cái tên như vậy vì tại đây, các nhà khoa học, khảo cổ đã tìm thấy những di tích người xưa như rìu đá, dụng cụ xay, nghiền… chứng tích cho việc con người đã sinh sống tại đây từ 7.000 đến 12.000 năm về trước. Tất nhiên, những di vật ấy nay đều nằm trong… bảo tàng, nhưng chúng tôi vẫn thỏa mãn khi được leo lên những bậc đá cao và ngắm nhìn nơi trú ẩn của người xưa.
Đường lên động không xa nhưng nhiều chỗ khá dốc. Phía bên trong hang động lớn tối tăm, lại có cầu thang ọp ẹp nhưng vẫn chẳng cản được bước chân những người thích khám phá. Chúng tôi leo đến tận trong cùng, chiêm ngưỡng vô số tảng đá hình thù kỳ lạ, được tạo tác qua cả nghìn năm.
Điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình là nơi các phương tiện giao thông không thể đi nữa. Chúng tôi gửi xe, bắt đầu “cuốc bộ” vào con đường rừng, dẫn tới cây chò ngàn năm. Chặng đường kéo dài 7km cả đi cả về, tuy mệt mà cũng thật thanh thản, với tiếng suối róc rách, tiếng lá đu đưa trong gió. Chúng tôi đi nhẹ, mong được nhìn thấy một loài thú quý hiếm đã được ghi danh vào sách đỏ, nhưng chẳng có được cái may mắn ấy. Sau một hành trình dài đổ mồ hôi, chúng tôi cũng đến được nơi tọa lạc của cây chò ngàn năm.
Cây chò cao vút tới mây xanh, gốc chò phải tới 20 người ôm mới xuể, đứng một mình sừng sững giữa đại ngàn. Đi dạo trong khu rừng xanh mát, người ta như quên mất thời gian, quên đi cuộc sống bộn bề, nhất là khi ngắm nhìn sự sống mãnh liệt từ những loài cây tuổi đời hàng thế kỷ này.
Không có nhiều thời gian nán lại và cũng đã thấm mệt, chúng tôi rời rừng quốc gia Cúc Phương và mong một dịp khác sẽ quay về, để khám phá lộ trình lên đỉnh Mây Bạc, đỉnh núi cao nhất Ninh Bình, thăm bản người Mường, chèo thuyền kayak, những lộ trình chỉ có thể khám phá khi đi cùng các hướng dẫn viên.
Theo xzone