Hình minh họa thiên thạch trong hệ Mặt Trời. Ảnh: |
Ông Nicolas Bobrinsky, giám đốc chương trình Nắm bắt Tình huống Vũ trụ (SSA) của ESA, nói rằng vụ thiên thạch rơi xuống miền trung nước Nga khiến gần 1.200 người bị thương hôm 15/2 cho thấy thiên thạch là mối hiểm họa thực sự đối với loài người. Vì thế, theo ông, ESA phải tăng cường khả năng theo dõi các thiên thạch gần địa cầu. Ông thông báo SSA đã khai trương một trung tâm mới ở thành phố Rome, Italy hôm 22/2. Nhiệm vụ của trung tâm này là điều phối dữ liệu của các thiết bị theo dõi thiên thạch của ESA.
“ESA cũng đang chế tạo một loại kính thiên văn có khả năng theo dõi một vùng rất rộng lớn trong không gian. Nó sẽ hoạt động bên ngoài trái đất để theo dõi những vật thể nguy hiểm”, AFP dẫn lời ông.
Song Bobrinsky khẳng định những kế hoạch mà SSA đang và sắp thực hiện vẫn không thể giúp các nhà khoa học phát hiện những thiên thạch nhỏ, chẳng hạn như viên “đá trời” rơi xuống miền trung nước Nga vào giữa tháng 2. Ông kêu gọi các nước châu Âu thành lập một hệ thống gồm 6 kính thiên văn giống như kính thiên văn mà SSA đang chế tạo để theo dõi thiên thạch trên phạm vi toàn cầu.
“Hệ thống ấy có thể phát hiện thiên thạch ba tháng trước khi nó đâm trúng địa cầu. Khoảng thời gian ba tháng đủ dài để giới chức sơ tán người dân trong vùng hoặc phóng một thứ gì đó tới thiên thạch để làm chệch đường bay của nó”, ông nhận định.
(theo vnexpress)