Trong mọi thời buổi nào, dù thị trường blog có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì vẫn không bao giờ làm thay đổi tầm quan trọng của lượt truy cập (mình xin gọi bằng cụm từ chuyên môn là “Traffic”). Traffic mang lại lợi nhuận blog, traffic giúp bạn tăng thêm hưng phấn để tiếp tục phát triển blog đó và thêm một lý do rất quan trọng để bạn nên tăng traffic cho website đó là khả năng cải thiện thứ hạng trên máy tìm kiếm, tăng cường độ uy tín của website đối với Google cũng như nó giúp bạn giảm bớt tối thiểu khả năng bị các máy tìm kiếm phạt, đại loại là rất có lợi cho SEO.
Vậy làm thế nào để có traffic? Nhiều lắm, bất cứ nguyên tắc gì để cho người khác biết đến blog của bạn đều là một cách tăng traffic, nhưng tăng traffic đúng cách thì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm. Vì vậy để nối tiếp loạt bài về traffic của một guest author tại Thach Pham Blog, mình xin giới thiệu sơ qua một vài cách tăng traffic hiệu quả cho blog mà bạn có thể làm được ngay lúc này.
9 cách tăng traffic cho blog
2 bài khác liên quan đến việc tăng traffic
Cách 1. Viết bài dạng tổng hợp để tăng lượt truy cập
Nếu bạn đã từng theo dõi nhiều blog tiếng Anh thì sẽ nhận ra một điều là họ rất thích viết các bài tổng hợp kiểu như “30 thủ thuật WordPress hay nhất” hay một bộ sưu tập đồ sộ vài nghìn chữ về một chủ đề nào đó. Không phải tự dưng mà cách viết đó trở thành một xu hướng chung, đơn giản là do thói quen của chúng ta đều thích đọc một bài nào đó mà nó có khả năng làm cho chúng ta biết nhiều hơn mà không cần quá chi tiết. Thật vậy, bạn cứ thử làm trắc nghiệm trong đầu là sẽ làm gì khi nhìn thấy một bài với tiêu đề “Bộ sưu tập 100 ảnh nền đẹp nhất”, hoặc đại loại là như thế.
Các bài tổng hợp kiểu đó trên blog mình cũng không phải là ít, bật mí một chút là theo thống kê Google Analytics, hầu hết trong top 10 trang được truy cập nhiều nhất thì có khoảng 7 trang dạng tổng hợp, còn lại là các bài viết cực kỳ quan trọng. Vậy thì tại sao bạn lại không làm ngay bây giờ?
Ví dụ: Thư viện tài nguyên WordPress cho bạn.
Cách 2. Viết thật chuyên sâu về một vấn đề nào đó
Cái kiểu “từ bé xé ra to” trong cuộc sống có vẻ không tốt với tất cả chúng ta nhưng trong việc phát triển nội dung để tăng lượt truy cập cho blog thì có khi lại khác. Nếu như bạn quá bí ý tưởng để viết bài có khả năng tạo ra lượt truy cập, thì có thể thử sử dụng cách viết một bài thật chuyên sâu về một vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ, nó chỉ có một nhược điểm duy nhất là bạn phải có kiến thức vững chắc về chủ đề đó cũng như độ siêng có thừa để có thể viết một bài dài.
Nhìn chung bài dài sẽ khiến cho nhiều người nản chí, không thèm đọc nhưng bạn hãy nhớ rằng, bài chúng ta viết ra là phục vụ những người có nhu cầu, khi giải quyết được nhu cầu của họ thì mới có lợi nhuận. Với một người có nhu cầu trùng khớp với cái mà bạn đang viết, thì cho dù nó dài thì 80% là họ sẽ chọn một bài dài thay cho một bài ngắn với phong cách viết sơ sơ. Ngay cả bạn cũng vậy thôi, trên blog mình đa phần là bài dài, thậm chí là rất dài nhưng vẫn có người đọc và điều đó cũng giúp blog mình phát triển cho tới ngày hôm nay vì nó phục vụ đúng nhu cầu, đó cũng là cách để bạn chứng tỏ sự uy tín và chuyên nghiệp trên blog. Tin mình đi.
Cách 3. Viết bài ký sinh trên web/blog khác – hay còn gọi là Guest Blogging.
Có khi nào bạn tự hỏi là vì sao một blog đậm chất cá nhân như blog mình, mang tên mình nhưng lại có một số lượng không nhỏ các bài viết do những thành viên khác đăng lên? Câu hỏi cũng không khó để trả lời, vì mình cho phép họ gián tiếp quảng bá website của họ vào trong bài viết với một số quy định nhỏ nhất định để giúp cho lượng độc giả không nhỏ trên blog mình có thể ghé thăm website của họ chứ mình chưa có kế hoạch trả nhuận bút đâu.
Đây có thể gọi là cách tăng lượt truy cập cũng như cải thiện thứ hạng trên kết quả tìm kiếm vô cùng chất lượng bởi vì nó giúp tăng lượt truy cập thụ động, nếu bạn viết trên một website đủ lớn thì bạn sẽ nhận được một lượng traffic không nhỏ mỗi ngày, trừ khi bài bị xóa. Đó là lý do tại sao mà mình trước đây lại chấp nhận đưa toàn bộ bài viết liên quan đến chủ đề marketing và social media qua bên Giải Pháp Số trong những ngày đầu tạo blog, và cho đến thời điểm hiện tại các bài viết đó cũng giúp cho mình một lượng truy cập đều đặn mỗi ngày. Vậy còn chần chừ gì nữa
Nên quan tâm: Cách đăng bài lên Thach Pham Blog.
Cách 4. Tạo quà tặng, giveaway – Heheeee
Lý do vì sao các chương trình tặng quà lại mang một lượng truy cập khổng lồ chắc mình không cần nói qua rồi. Nhưng có một điều mà mình cần chia sẻ cho bạn đó là các chương trình tặng quà không chỉ giúp bạn có lượt truy cập ngay tức khắc mà nó còn giúp nhiều người nhớ đến cái tên blog bạn dễ dàng hơn, hầu như là nếu bạn tặng quà đều đặn 2, 3 lần thì coi như địa chỉ blog của bạn đi vào tiềm thức của độc giả luôn chứ đừng có nói chỉ là nhớ.
Cũng đừng quên rằng, trong các chương trình quà tặng bạn hãy cố gắng tận dụng mọi khả năng Viral Marketing tối đa nhất có thể để tăng hiệu quả của nó. Nếu bạn đang sử dụng WordPress thì có dịch vụ Contest Domination giúp bạn tạo ra các chương trình quà tặng được sự hỗ trợ của các công cụ marketing trên mạng xã hội.
Cách 5. Tận dụng tối đa các mạng xã hội
Dù blog bạn có lớn đến đâu hay nội dung tốt cỡ nào nhưng nếu bỏ qua các cơ hội quảng bá trên các mạng xã hội lớn nhất hành tinh thì quả là một điều thiếu sót vô cùng lớn. Hãy xem một số website như Vietdesigner, Haivl,….đa phần là thành công nhờ mạng xã hội cả thôi, nếu bạn chưa có một fanpage hay group trên Google+ để hoạt động tích cực mỗi ngày, đăng tải các bài viết lên đó thì hãy làm ngay từ bây giờ. Nếu làm ở mạng xã hội mà không ai để ý, like hay share các nội dung của bạn thì sao? Hãy xem qua cách 4 nhé và mình tin là bạn sẽ có cách mà
Tham khảo: Các bài viết tích hợp mạng xã hội vào blog.
Ngoài ra, mạng xã hội được sử dụng nhiều có lẽ là do tính chất mang lại lượt truy cập quay lại (Return Visitor), một loại traffic rất quan trọng để giúp bạn ghi điểm trong mắt gã khổng lồ Google.
Cách 6. Đưa quan điểm cá nhân vào trong bài viết
Với số lượng bài viết đồ sộ trên mạng hiện nay thì sự thèm khác một bài viết nào đó mang tư tưởng, quan điểm cá nhân của tác giả quả thật là một nhu cầu thiết yếu cho những ai cần tìm thông tin đáng tin cậy giữa một rừng nội dung không thể xác định được cái nào đáng đọc, đáng lưu tâm nhất. Ngay cả mình cũng đã lường trước khi tạo blog là các bài viết phải mang quan điểm và kinh nghiệm cá nhân hoàn toàn, mặc dù với sự hạn chế về kiến thức sẽ làm cho các bài viết dựa theo quan điểm của mình có phần sáo rỗng, khiếm khuyết nhưng chính như thế thì độc giả mới có chuyện để mà comment góp ý, tạo không khí sôi nổi trên blog. Dần dà, kinh nghiệm cũng được cải thiện và may mắn thay cũng có nhiều người ủng hộ các quan điểm đó của mình, thành ra khi họ thấy một bài về cùng một chủ đề ở blog mình và các website khác thì có thể họ sẽ có phần ưu tiên cho mình hơn, vì họ biết rằng nội dung ở đây chính là sự truyền tải gián tiếp kinh nghiệm của tác giả, có phần thực tế hơn.
Cách 7. Đừng cấm người khác copy bài
Cũng không hẳn là mình xúi bạn cho phép người khác sử dụng lại các bài viết của bạn dưới bất kỳ hình thức nào mà chỉ nên cấm những hành vi thay đổi tác giả đăng bài hoặc biến nội dung của bạn thành của họ, còn chuyện họ copy mà có dẫn nguồn đàng hoàng thì cũng nên thoải mái một chút vì điều đó sẽ giúp bạn tăng độ “phủ sóng” ở khắp mọi nơi, nhất là các diễn đàn (đôi khi cũng nên tự tay mình mang bài viết của mình qua đó) để mà quảng bá.
Có thể trong thời gian đầu, chính bài của bạn lại có thứ hạng thấp hơn trang copy bài của bạn nhưng đừng vội nản chí về điều đó, nếu bạn vẫn cập nhật bài thường xuyên, tăng traffic cho bài đều đều thì sẽ nhanh chóng có được thứ hạng thật thôi vì có thể thuật toán của Google chưa đủ thông minh vượt trội để nhận ra bài đó là của bạn ngay, nhưng về sau thì họ sẽ nhận ra đó.
Nếu có thấy ai đó copy bài của bạn, đừng bao giờ bắt họ phải gỡ ra ngay nếu không thật sự cần thiết mà hãy nên chủ động kêu họ ghi tên tác quyền từ website của bạn vào.
Tips: Sử dụng Tynt để giúp tăng lượt truy cập từ các bài bị copy.
Cách 8. Tham gia các tập thể trên mạng xã hội/forum
Nếu đã tự xem mình là một blogger để viết bài phục vụ nhu cầu của cộng đồng thì cũng đừng bao giờ quên tham gia sôi nổi vào các hội nhóm trên các trang mạng lớn để tăng độ phủ sóng của tên tuổi mình. Có một điều mình nhận ra rằng, khi mình chia sẻ một cái gì đó lên blog và trên các hội nhóm mạng xã hội, thì lợi ích khi mình chia sẻ lên blog chỉ có 1 nhưng lợi ích mà mình nhận được ở các mạng xã hội có thể là 10 luôn. Vì sao nhỉ?
Ở các nhóm mạng xã hội đó, mình không chỉ có cơ hội giao lưu với nhiều người, tạo ra các mối quan hệ thân quen để tiện làm ăn sau này thì nó cũng giúp bạn gián tiếp quảng bá blog cực kỳ hiệu quả nếu như bạn biết cách quảng bá đăng bài lung tung coi chừng bị sự kỳ thị của người khác ráng chịu. Thường thì cách kiếm traffic ở các hội nhóm đó là thường xuyên đi hỗ trợ cho các thành viên khác, ở các câu hỏi đó mình sẽ kiểm tra thật kỹ xem blog mình đã có bài viết về chủ đề đó chưa, nếu có rồi thì cứ từ tốn mà giới thiệu với họ, nếu bài của bạn tốt thì chả ai khó chịu đâu mà ngược lại còn like nhiệt tình nữa ấy chứ. Mặc khác, nếu bạn quá bí ý tưởng viết bài thì có thể tham khảo các câu hỏi của các thành viên khác, sau đó có thể tổng hợp lại để viết thành bài rồi share trực tiếp lên đó luôn với kiểu “Cách đây mấy hôm có thấy bác nào thắc mắc nè, hy vọng nó giúp ích được cho bác”.
Nếu bạn viết blog bằng tiếng Anh, thì có thể tham gia cùng lúc giữa các hội nhóm trên Facebook, Twitter và Quora. Đây đều là những nguồn traffic mà nếu bạn biết cách khai thác sẽ giúp cho bạn có một lượng traffic vô cùng chất lượng và có thể sẽ trở thành khách hàng của bạn nếu như bạn có kinh doanh dịch vụ/sản phẩm.
Nên tham gia: Cộng đồng Bloggers Việt Nam
Cách 9. Đóng nội dung thành dạng ebook rồi chia sẻ lên Slideshare
Slideshare được xem là một mạng xã hội dành riêng cho những người chia sẻ tài liệu hay ebook miễn phí đến với công chúng lớn nhất hiện nay và hiện tại số lượng người tham gia tại Việt Nam cũng khá là cao do nó được liên kết khá tốt thông qua Facebook. Nếu bạn có thời gian, hãy lưu nội dung của bạn lại thành file dạng .pdf (mình hay dùng Libre Office để làm, hoàn toàn miễn phí) và nhớ chèn link đến bài viết gốc trên blog bạn rồi upload lên Slideshare. Bạn có thể đi quảng bá tài liệu này hoặc đơn giản là cứ để ở đó, từ từ bạn sẽ nhận ra là nó giúp bạn thu về được một lượng truy cập trực tiếp kha khá đấy.
Bonus cách 10. Sử dụng chương trình chia sẻ view của iView.
Nếu bạn đã có tải phần mềm iSEO về máy rồi thì có thể sẽ thấy trong đó có một chức năng khá hay đó là chương trình chia sẻ view, like hoặc +1. Cơ chế hoạt động của chương trình này là bạn bật phần mềm và để nó tự xem những trang web khác, mỗi lượt xem bạn sẽ được một số điểm nhất định (gọi là iCoin) và nếu bạn càng có nhiều iCoin, bạn sẽ càng nhận được nhiều lượt truy cập vào website mình do cũng được người khác view website của bạn bằng cách đó.
Nhìn chung về mặt thực tế nó có thể sẽ không có lợi gì nhiều nhưng đây là một cách tốt để bạn có thể kiếm một lượng truy cập kha khá ở giai đoạn mới phát triển blog nhằm tạo sự uy tín đối với Google, không rơi vào Sandbox hoặc có khả năng đạt thứ hạng tốt trong kết quả tìm kiếm nhanh hơn. Nói chung là nếu bạn không quan tâm đến các lượt view ảo, thì cứ bật phần mềm này lên cả ngay và cho nó chạy, chẳng chết chóc ai cả.
Lời kết
Thực tế về các cách kiếm traffic cho blog còn nhiều hơn nữa chứ không phải dừng lại ở với 10 cách trên nhưng do kỹ năng của mình cũng có hạn nên mình chỉ có thể chia sẻ được những cách mà mình đã từng áp dụng qua. Hy vọng là với một vài mẹo nhỏ trên, bạn sẽ có thể kiếm được một lượng traffic kha khá cho website để có thêm động lực mà phát triển blog tốt hơn nhằm phục vụ cộng đồng.
Sắp tới, trên blog mình cũng có đăng một số bài hướng dẫn chi tiết về từng cách tăng traffic cho website/blog, bạn nhớ theo dõi nhé.
Tìm ở Google
- blog co nhieu nguoi truy cap nhat
- cach tang luong truy cap cho site moi
- cach tang luu luong truy cap cho blogspot
- cách tạo blogspot trên điện thoại
- cách thay đổi tiêu đề cho blog
- kết quả tìm kiếm
- lam sao de dang ky duoc ung dung adlatte
- tang luot weiw cua web site nhanh
- truy tăng tiếng anh là gì
Bài viết này thuộc quyền sở hữu của Thạch Phạm Blog. Vui lòng để lại nguồn nếu có phát hành tại website khác.