Vợ chồng Jason và Jenny Cairns-Lawrence tới thăm thành phố New York khi không tặc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới. Họ tới London khi hệ thống giao thông công cộng bị khủng bố. Họ sinh ra dưới ngôi sao đen đủi?
Trong cuộc sống có những người thường xuyên gặp bất hạnh nhưng cũng có kẻ luôn gặp may mắn. Hãy cũng các nhà khoa học phân tích về vấn đề đặc biệt này.
May mắn hay bất hạnh là điều vốn được con người quan tâm từ rất lâu và trong lịch sử đã có vô khối chuyện khó tin về chủ đề này. Điển hình như Violet Jessop, nữ tiếp viên trên con tàu Titanic vào năm 1912, đã sống sót thần kỳ khi con tàu gặp nạn ở Bắc Đại Tây Dương.
Bốn năm sau, khi làm y tá trên tàu Britannic, cô lại một lần nữa thoát chết khi con tàu này bị chìm ở biển Aegean tại châu Âu.
Ở chiều ngược lại, Jason và Jenny Cairns-Lawrence là “cặp vợ chồng kém may mắn nhất trên thế giới”. Họ tới thăm thành phố New York khi không tặc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9/2001.
Họ vô tình tới London khi hệ thống giao thông công cộng của thành phố bị những kẻ khủng bố tấn công vào năm 2005. Và họ đi du lịch ở Mumbai, Ấn Độ vào tháng 10/2008, khi cuộc khủng bố xảy ra.
Ý nghĩ một số người có số phận bất hạnh đã khắc sâu trong tâm thức của chúng ta tới nỗi có cả những bài hát viết về nó – ví dụ như bài “Born Under a Bad Sign” nổi tiếng của ca sĩ Albert King năm 1967. Nhưng có thực sự tồn tại những số phận đầy bất hạnh? Và tại sao một số người lại bị nó đeo bám?
Các nhà khoa học nghiên cứu về hiện tượng bất hạnh đã ứng dụng xác suất và thống kê để đưa ra câu trả lời khá phức tạp.
Đúng là trong cuộc sống, một số ít người gặp phải nhiều điều không may. Kết quả này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: ngẫu nhiên (hành động của người khác, môi trường xung quanh, …) và chủ quan (năng lực bản thân, học vấn, kinh nghiệm…).
Rami Zwick, giáo sư tại Đại học California-Riverside (Mỹ), chỉ ra rằng, các yếu tố chủ quan (không ngẫu nhiên) có sự ảnh hưởng lớn đến chuyện may mắn hay xui xẻo.
Bằng cách quan sát một chuỗi quyết định và kết quả theo thời gian, có thể xác định một người chịu nhiều bất hạnh vì họ có những quyết định sai lầm hoặc sai lầm trong thực hiện. Giống như nhà sản xuất trong lúc khó khăn vì không bán được hàng đã quyết định giảm chi phí tối đa để giảm giá. Vấn đề là ở chỗ điều đó sẽ khiến chất lượng giảm xuống.
Nếu như nhà sản xuất tính toán được chất lượng sản phẩm ở mức khách hàng có thể chấp nhận cộng thêm ưu thế của việc giảm giá thành thì có thể thu được thành công lớn. Ngược lại, nếu không tính được điều này khiến chất lượng sản phẩm quá tệ, khiến khách hàng quay lưng, ảnh hưởng đến uy tín công ty thì sẽ thất bại thảm hại.
Trong khi đó, để xác định ảnh hưởng của yếu tố ngẫu nhiên đến may mắn hay xui xẻo là rất khó khăn.
Peter Bentley-nhà tâm lý học người Anh, từng công bố kết quả nghiên cứu cho thấy những người tin vào may mắn sẽ có nhiều khả năng gặp… tai nạn hơn vào thứ sáu ngày 13, ngày mà được nhiều người cho là xui xẻo!
Ông Bentley cũng cho rằng may mắn hay xui xẻo phần nhiều cũng phụ thuộc ở suy nghĩ của từng người khi đứng trước một sự việc.
“Một số người có được những bài học quý báu từ những điều không may. Họ nhìn thấy mặt tích cực và không cảm thấy quá buồn phiền. Trong khi đó, những người khác không ngừng đào bới những xui xẻo và thấy mọi thứ thật tồi tệ.
Chẳng hạn như khi bị lỡ mất chuyến xe buýt, có người sẽ có rằng anh ta có cơ hội để đi bộ ngắm cảnh thành phố. Những cũng có người sẽ rơi vào buồn chán vì mọi thứ diễn ra không như mong muốn”.
Tuy nhiên, xui xẻo cũng có… lợi ích của nó. Nghiên cứu của Zwick và các đồng nghiệp vào năm 2012 cho thấy, người hay gặp những điều không may thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro một lần nữa.
Theo Khoahoc