Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, nếu không cải thiện thể lực và tầm vóc hụt chuẩn gần 10 cm thì người Việt Nam không thể đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngày 31/7, trong phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ thảo luận về dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
Góp ý cho đề án, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nêu thực trạng báo động về tầm vóc và thể lực của người Việt Nam. Theo đó, chiều cao trung bình của nam thanh niên là 1,61m, nữ 1,53m; lần lượt thấp hơn mức mức chuẩn là hơn 8 và 9 cm. Trong 30 năm qua, chỉ số chiều cao của người Việt tăng không đáng kể.
Tầm vóc người Việt cải thiện không đáng kể trong 30 năm qua. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
“Thể lực người Việt Nam ở mức trung bình thấp, không chịu nổi khi ta tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói. Ông đề nghị đề án đổi mới giáo dục phải góp phần làm sao trong 10, 20 năm tới cải thiện tốt hơn chiều cao và thể lực người Việt.
Ngoài ra, trong các nhiệm vụ và giải pháp của dự thảo cần chú trọng việc giáo dục đạo đức, coi đây là cái gốc trong nhà trường.
Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn nhắc đến cả “kỷ cương”, yếu tố cần được rèn luyện từ bé, khi dẫn ví dụ người Việt Nam không thích làm việc nhóm. Và thực tế là nhóm nhiều người Việt làm việc thua kém người Nhật Bản.
Một yếu kém đáng lưu tâm nữa của người Việt mà nữ Bộ trưởng nêu là ngoại ngữ, không có ngoại ngữ thì không thể tiếp cận được khoa học công nghệ, tri thức của nhân loại…. Nhìn sang Singapore, theo bà “bí quyết hóa rồng” của đất nước là tiếng Anh, vốn được dạy cho học sinh từ lớp 1.
Đồng ý với nữ Bộ trưởng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, đề án đổi mới giáo dục phải xác định việc coi trọng ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Phó thủ tướng đề nghị xác định một ngoại ngữ bắt buộc cho toàn hệ thống giáo dục, cụ thể là tiếng Anh, có như vậy thì “khoảng sau 20 năm Việt Nam mới bật lên được”.
Nhìn nhận giáo dục là câu chuyện được cả xã hội và từng gia đình quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, việc xây dựng dự thảo đề án cần bám chắc vào định hướng đã được Đại hội XI xác định. Tổ biên tập cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
Trước đó, trình bày dự thảo đề án đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, so với dự thảo trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), đề án lần này đã chỉnh sửa, bổ sung và làm sáng tỏ nhiều nội dung. Đề án thể hiện sự thẳng thắn hơn trong đánh giá thực trạng, nguyên nhân, logic nội dung giữa các phần.
Về nội dung, đề án tập trung làm rõ khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội; tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục; phấn đấu để giáo dục trở thành nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững đất nước.
Về mục tiêu tổng quát, dự thảo cụ thể hóa rõ hơn như đến năm 2030, giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục mở, chất lượng cao, đạt trình độ giáo dục tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế. Trong mục tiêu nhấn mạnh việc xây dựng nhân cách con người; xây dựng hệ thống giáo dục “mở”, thực học, thực nghiệp, xây dựng xã hội học tập… Dự thảo đề án cũng nêu kiến nghị thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do một lãnh đạo chủ chốt của Đảng và nhà nước đứng đầu.
Trong phiên họp, Chính phủ cũng nghe báo cáo và thảo luận về tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Trong những tháng cuối năm 2013, các bộ phải phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉnh lý 8 dự án, trình Chính phủ 10 dự án. Hiện, Bộ Ngoại giao chủ trì chuẩn bị hồ sơ để đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Pháp lệnh về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2013. |
Theo VNE