Một lời xin lỗi, cũng như việc phải thu hồi sữa Fonterra trên toàn cầu đáng được xem là một thắng lợi, một bước tiến hơn là một thất bại, một bước lùi. Một câu hỏi đang thiếu câu trả lời: Vậy thì ai sẽ xin lỗi người tiêu dùng Việt Nam? Ai sẽ xin lỗi nông dân Việt?
Nguyên thủ một quốc gia phải đi xin lỗi người tiêu dùng nước ngoài thay cho một doanh nghiệp tư nhân! Đừng coi đó là kỳ lạ, là bất thường. Thế giới đã có vô số tiền lệ mà gần nhất là hành động cúi mình trước Hạ viện Mỹ của Chủ tịch Toyota. Cũng chẳng có gì là xấu hổ, bởi, ngoài việc “danh tiếng của Fonterra cũng đồng nhất với danh tiếng của New Zealand” thì “Fonterra là một công ty tư nhân, song thuộc sở hữu của phần đông nông dân ngành bò sữa New Zealand. Thực tế, những người nông dân này là một phần quan trọng của kinh tế New Zealand”.
Một lời xin lỗi, cũng như việc phải thu hồi sữa Fonterra trên phạm vi toàn cầu, vì thế, đáng được xem là một thắng lợi, một bước tiến hơn là một thất bại, một bước lùi.
Một câu hỏi đang thiếu câu trả lời: Vậy thì ai sẽ xin lỗi người tiêu dùng Việt Nam? Ai sẽ xin lỗi nông dân Việt?
Chẳng hạn, cũng với mặt hàng sữa, ngay cả khi Bộ Tài chính còn đang thanh tra sau khi giá sữa tăng tới 5 lần kể từ đầu năm, người dân đã thừa biết giá sữa bán lẻ và giá nhập khẩu “chênh một trời một vực” tới 300-400%. Biết được cả chuyện sữa đắt, không phải do chất lượng, mà bởi tốn quá nhiều tiền cho quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng.
Còn ngoài chợ, hàng nông sản Trung Quốc, từ khoai tây, gừng, tỏi, hành tây, cà rốt… cho đến cam, quýt, mít, bưởi ngập chợ Việt, được “lột vỏ xé nhãn” để biến thành hàng Việt, bán cho người tiêu dùng Việt.
3 hôm trước, một tiến sĩ của Viện Hóa học công nghiệp, hiện đang công tác tại châu Âu vừa có một bài viết nhỏ về chuyện những con cá nhựa mà ông đã mua phải tại Việt Nam.
Nhìn nhận ở góc độ “chuyên môn (hóa học) và kinh tế” thì cá nhựa được làm từ các hạt nhựa trong, cao cấp chứ không phải là từ nhựa tái chế rẻ tiền nên chắc chắn giá thành nguyên liệu đầu vào khá cao, chưa kể chi phi vận chuyển, tiếp thị, lợi nhuận cho tiểu thương. So sánh giữa giá thành cá nhựa và cá thật, vị tiến sĩ hóa khẳng định: Chắc chắn là lợi nhuận cho “kẻ sản xuất” là bằng 0.
Và ông đặt câu hỏi “Động cơ của hành động này là gì nếu không phải là “kẻ sản xuất” sẵn sàng bỏ ra một chi phí để đầu độc người tiêu dùng Việt Nam?”. Và “Các lực lượng quản lý thị trường ở đâu mà để cho loại cá giả độc hại này lưu hành tại các chợ vùng biển của Việt Nam?”.
Không ai trả lời vị tiến sĩ cả. Cũng như chưa thấy có bất cứ ai xin lỗi người tiêu dùng trước thực tế tình trạng buông lỏng quản lý khiến giờ đây những thứ gì có thể bỏ mồm, chẳng biết chất lượng thế nào.