Giới chuyên gia quốc phòng Trung Quốc nhận định việc Ấn Độ chính thức hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant là bước ngoặt mang tính lịch sử lớn, cho phép Hải quân nước này thẳng tiến tới khu vực Thái Bình Dương – nơi Bắc Kinh coi là sân sau.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ – INS Vikrant
“Đây là bước ngoặt lớn với Hải quân Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới sau Mỹ, Anh, Pháp và Nga có khả năng tự chế tạo tàu sân bay cho riêng mình”, Zhang Junshe – Viện phó Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc phát biểu trên kênh truyền hình CCTV hôm 12/8.
Trong tương lai, sức mạnh của Hải quân Ấn Độ sẽ vượt qua cả Trung Quốc. Ngoài INS Viraat – tàu sân bay mua lại của Hải quân Anh đang được sử dụng, cuối năm nay, New Delhi sẽ có thêm tàu sân bay INS Vikramaditya – con tàu của Nga đã được tu sửa lại. Trong khi đó, tàu sân bay nội địa INS Vikrant nằm trong dự án giá 5 tỷ USD nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của Ấn Độ đối phó với Trung Quốc, được kỳ vọng đưa vào sử dụng vào năm 2018.
“Cuối năm nay, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia duy nhất tại châu Á sở hữu 2 tàu sân bay. Nó sẽ giúp nâng cao năng lực toàn diện trong sức mạnh quân sự Ấn Độ mà đặc biệt là lực lượng Hải quân”, ông Zhang nói.
Loại bỏ khả năng nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang tàu sân bay tại châu Á, ông Zhang biện minh rằng Ấn Độ và Trung Quốc đang đầu tư thêm lực lượng tàu sân bay bởi cả 2 quốc gia này đều kiểm soát các khu vực bờ biển rộng lớn với dân số đứng đầu thế giới và quan trọng hơn là công tác bảo vệ các tuyến đường biển xa đất liền phục vụ hoạt động ngoại thương.
Trong khi đó, hồi tháng Chín năm ngoái, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay đầu tiên của nước này – Liêu Ninh vào biên chế trong lực lượng Hải quân. Trong đó, phần thân tàu Liêu Ninh được nhập khẩu từ Ukraine và Trung Quốc đã gia công lại.
Ngoài ra, Trung Quốc còn cho triển khai 15 chiếc đấu cơ J-15 trên boong tàu Liêu Ninh. Với lượng giãn nước hơn 50.000 tấn, Liêu Ninh có thể chuyên chở khoảng 30 máy bay các loại. Hiện nay, Bắc Kinh cũng thông báo quốc gia này sẽ cho đóng thêm 2 tàu sân bay mới song lộ trình kế hoạch không được thông báo chi tiết.
Trước đây, trả lời tờ China Daily, ông Zhang từng nhận định tàu sân bay nội địa INS Vikrant sẽ giúp Hải quân Ấn Độ tăng cường khả năng tuần tra các vùng biển xa xôi và phá vỡ cán cân sức mạnh quân sự tại khu vực Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay, khả năng Ấn Độ sẽ đưa INS Vikrant tiến thẳng ra vùng biển phía đông Thái Bình Dương – nơi Mỹ và Trung Quốc đang hoàn toàn lấn lướt.
Sự kiện Ấn Độ cho hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant và tàu ngầm hạt nhân đầu tiên Arihant đã thu hút không ít sự tò mò và quan ngại trong giới phân tích quân sự Trung Quốc.
“Tàu sân bay nội địa mới sẽ tăng thêm sức mạnh cho Hải quân Ấn Độ và trở thành con bài mặc cả với các nhà cung cấp quân sự lớn trên thế giới như Nga”, Wang Daguang – nhà nghiên cứu thiết bị quân sự tại Bắc Kinh nói.
Nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh – Song Xiaojun nhận định tàu sân bay INS Vikrant sử dụng công nghệ từ những năm 1980 do đó nó chỉ được xem như một con tàu thử nghiệm trong Hải quân Ấn Độ nhằm xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ chế tạo những thế hệ tàu sân bay trong tương lai.
Sau khi hạ thủy, INS Vikrant sẽ được trang bị vũ khí, thiết bị máy móc và bước vào các cuộc thử nghiệm trong vòng 4 năm tới. Trong khi thân tàu, phần thiết kế và một số máy móc được sản xuất trong nước, hầu hết hệ thống vũ khí và hệ thống động cơ đẩy của INS Vikrant được nhập khẩu từ nước ngoài. Khi chính thức đi vào hoạt động, tàu sân bay INS Vikrant sẽ được trang bị các chiến đấu cơ MiG-29 của Nga và những thế hệ máy bay hạng nhẹ khác.
Với độ dài 260 m, thủy thủ đoàn gồm 1.400 người, INS Vikrant đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/h, tầm hoạt động 15.000km. Tàu thiết kế boong phóng máy bay kiểu nhảy cầu (không dùng máy phóng), mang tổng cộng 30 máy bay (gồm 20 tiêm kích và 10 trực thăng).
Hiện nay, Ấn Độ cũng đang chi hàng chục tỷ đôla để nâng cấp hệ thống phần cứng quân sự được sản xuất chủ yếu từ thời Liên Xô cũ để củng cố năng lực phòng thủ quốc gia.
Theo Infonet.vn