Đã từ lâu, con người sử dụng khoa học như một công cụ tác động đến chất và lượng khi sản xuất lương thực. Ngày nay, khoa học còn được ứng dụng nhiều hơn thế, bằng những phương pháp biến đổi gene, thụ phấn chéo… đã “thiết kế” ra nhiều loại thực phẩm có chất lượng và hương vị vô cùng khác biệt.
Nhưng không chỉ vậy, các nhà khoa học đang hướng tới một nền công nghiệp thực phẩm mới trong tương lai, tạo ra những loài động vật có mức tăng trưởng cao, cung cấp nhiều thịt trong thời gian ngắn. Trong đó, thực phẩm không chỉ có hương vị ngon hơn mà còn bổ dưỡng, đặc biệt hơn, chúng còn có thể sử dụng thay vaccine…
1. Khoai tây đặc biệt giúp bạn không phải tiêm phòng vaccine
Nhà sinh vật học Charles Arntzen thuộc viện thiết kế sinh học trường ĐH bang Arizona đang nghiên cứu để tạo ra hoa quả và rau củ có thể thay thế các mũi tiêm, cung cấp vaccine những bệnh nguy hiểm thông thường như viêm gan B, tả lị… cho trẻ em.
Arntzen qua nhiều thực nghiệm đã phát triển một loại thuốc lá và khoai tây có khả năng kích thích hệ miễn dịch của đối tượng ăn và đã đem lại một số kết quả khả quan.
Tuy nhiên, Arntzen cũng cho biết, chỉ một số ít đối tượng thí nghiệm có thể miễn dịch một cách chính xác loại bệnh mong muốn nhưng đồng thời phải tiêu thụ một lượng lớn khoai tây sống.
Hẳn là với người bình thường, gặm khoai tây sống không ngon lành gì nhưng Arntzen cho biết, nếu khoai tây được nấu chín, các protein kích thích hệ miễn dịch sẽ bị phá vỡ và trở nên vô dụng.
Nhưng dù sao, với những kết quả khả quan có được, nếu sau này Arntzen có thể tạo nên mầm cây tạo ra loại rau củ, hoa quả thay thế được vaccine, những hạt cây đó có thể xuất khẩu đi toàn thế giới, đem lại bước ngoặt khá lớn cho nền y dược phẩm nhân loại.
2. Táo có khả năng giúp con người không bị dị ứng
Táo là một loại quả giàu dinh dưỡng và thường không gây dị ứng. Tuy nhiên, í tai biết rằng, hơn 75% số người dị ứng với phấn hoa đều dị ứng với táo. Những người nhạy cảm với trái cây khi ăn táo cũng có thể bị kích ứng lưỡi, gây phồng rộp, ngứa ngáy, một số có thể bị phù nề, dẫn đến ngạt thở.
Vào năm 2010, các nhà khoa học thuộc nhóm ITSAFRUIT tại châu Âu đã tiến hành nghiên cứu cho ra loại táo chống dị ứng bằng việc loại bỏ các gene gây ngứa có trong cây.
Với việc ra đời của loại táo chống dị ứng, các nhà khoa học đã có những bước tiến đầu tiên và tự tin để nghiên cứu ra những loại hoa quả, thực phẩm dành cho người dễ kích ứng.
Tuy nhiên, có một sự thật là người tiêu dùng thường không chấp nhận những loại thực phẩm biến đổi gene, dù nó có ích hay không. Ngoài ra, do táo phải chờ khoảng 5 năm để ra hoa nên phải một vài năm nữa, loại quả này mới được phổ biến rộng rãi.
3. Hoa quả lai ngon tuyệt
Đã có rất nhiều loại quả được tạo ra bằng cách lai giống hai loại khác nhau. Kết quả của phép lai này cho ra một loại quả mới mang đặc điểm quả có hai loại thành phần như táo-nho, cà chua-chanh, chanh-quất, lê-táo…
Đặc biệt, chúng ta còn có loại mận-mơ, tuy nhiên, để tạo ra một giống lai hoàn hảo như mận-mơ khá phức tạp, đôi khi cần đến hàng thập kỷ lai giống.
Quả lai mơ-mận (Aprium)
Nguyên do là bởi khi lai hai loài mơ và mận sẽ cho ra mơ-mận (Aprium) và mận-mơ (Pluot). Mỗi loại cần một tỷ lệ lai giống thật hoàn hảo, ở mận-mơ là 3 mận-1 mơ, còn mơ-mận thì ngược lại.
Mận-mơ mang vẻ ngoài của mận, nhưng màu sắc lốm đốm trắng vàng, có vị ngọt hơn rất nhiều so với mận thường. Mơ-mận cũng có vị ngọt, nhưng thường chua nhiều hơn.
Quả lai mận-mơ (Pluot)
Floyd Zaiger – người đã được cấp bằng sáng chế cho hơn 200 loại quả mới bằng phương pháp lai giống cho biết, những giống loài mới có tăng khả năng tồn tại khi môi trường sống thay đổi so với loài cũ. Floyd Zaiger nói: “Môi trường sống, điều kiện khí hậu đang thay đổi do Trái đất nóng lên nên các loài đều phải học cách thích nghi với chúng”.
4. Đồ ăn vặt “siêu ngọt” nhưng không gây béo và tốt cho sức khỏe
Loại thực phẩm này dành riêng cho những tín đồ “hảo ngọt”. Những nông dân tại công ty Grapery, Mỹ đã cần đến 12 năm vất vả thụ phấn bằng tay để tạo nên một loại nho có hàm lượng đường cao hơn rất nhiều so với nho thông thường.
Mục đích của nhà nghiên cứu là tạo nên thế hệ đồ ăn vặt mới thay thế được những loại đồ ăn vặt thông thường khác như các loại bánh chocolate, marshmallow, kẹo bông…
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh được, đường không phải tác nhân gây nên béo phì mà do chế độ ăn uống quá độ, đặc biệt là đồ ăn vặt.
Vậy nên trong tương lai, thay vì ăn những thực phẩm ngọt nhưng gây hại cho sức khỏe, con người sẽ có thêm nhiều lựa chọn khác như kẹo bông, kẹo mút, hay kẹo dẻo, được làm bằng loại đường nho siêu ngọt này. Nhưng dù sao, các nhà khoa học cũng khuyến cáo, ăn quá nhiều đường không hề tốt cho sức khỏe.
5. Cá hồi biến đổi gene giúp cho loài cá không bị tuyệt chủng
Không chỉ có hoa quả và rau củ, một loại cá hồi biến đổi gene đã được tạo ra bởi các nhà công nghệ sinh học thuộc công ty AquaBount, Massachusetts.
Họ đã cấy gene của cá hồi Thái Bình Dương vào cá hồi Đại Tây Dương, cho ra một giống “Frankenfish” mới có tên gọi AquaAdvantage. Giống mới này cho khả năng phát triển nhanh, đồng thời, một gene của lươn được thêm vào khiến cá có thể tăng trưởng quanh năm. Từ đây, con người có thể ăn cá hồi thỏa thích mà không lo chúng bị tuyệt chủng.
Tuy vậy, các loài động vật được biến đổi gene luôn đem lại nhiều lo ngại nhất định, nhưng các chuyên gia y tế cho biết, nó rất an toàn. Loại cá hồi đặc biệt này đang chờ sự phê duyệt từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).