“DIỆT MA, TRỪ QUỶ” KHI XÂY NHÀ … TRÊN THẾ GIỚI
Xem cách diệt ma, trừ quỷ khi xây nhà trên thế giới. Đó là những tín ngưỡng có từ lâu đời của các nước từ Đông sang Tây. Đó là những tín ngưỡng có từ lâu đời của các nước từ Đông sang Tây.
Có rất nhiều các tính toán trong thiết kế để xây dựng thành công một căn nhà mơ ước. Bên cạnh đó, theo tín ngưỡng, việc tránh cho ngôi nhà gặp phải những nguồn năng lượng xấu, hay nói theo cách “đời thường” là những vị khách “không mời mà đến” (như hồn ma) cũng không là điều ngoại lệ.
Mỗi nền văn hóa khác nhau lại có những biện pháp khác nhau, theo quan niệm của riêng mình. Cùng điểm qua một vài tín ngưỡng “diệt ma, trừ quỷ” khi xây dựng nhà ở của người châu Á và phương Tây.
1/. Bỏ trống kimon (cửa quỷ) : Ở Nhật Bản, có truyền thuyết kể rằng các linh hồn đều đến từ hướng Đông Bắc hay “kimon” (cửa quỷ). Đó bị coi là một hướng không may mắn trong ngôi nhà vì linh hồn ma quỷ có thể đi vào, ăn cắp tất cả vận may của gia đình bạn và đi ra từ đó.
Theo quan niệm này, họ không thể làm cửa, đặt bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm hay thậm chí là bồn rửa ở góc này. Tất cả những thứ liên quan đến lửa và nước đều có thể dẫn ma quỷ vào ngôi nhà của bạn từ góc kimon. Để bảo vệ ngôi nhà, người ta thường đặt tủ quần áo hay treo những lá bùa viết bằng chữ Phạn ở góc Đông Bắc đó.
Thậm chí, họ còn dựng một mô hình thành Hiji (một tòa thành cổ được xây theo hướng kimon ở Nhật Bản) làm tháp bảo vệ ở hướng Đông Bắc. Nếu có thể, họ sẽ bỏ trống hoàn toàn khu vực này. Nhiều người Nhật tin rằng, việc làm đó sẽ giúp ngăn chặn triệt để và không cho những linh hồn ma quỷ có cơ hội xâm nhập vào nhà.
2/. “Lối thoát ma quỷ” của người Philippines : Trong một số nền văn hóa ở Philippines, tầng hầm và những căn phòng dưới lòng đất được xem là nơi trú ẩn của các linh hồn ma quỷ. Cách duy nhất bạn có thể “hóa giải” là xây dựng một lối ra trong ngôi nhà thấp hơn so với căn phòng đó. Đây được coi là “lối thoát ma quỷ”.
Một đặc điểm nữa là khi xây cầu thang trong nhà, họ thường đếm những bậc thang đó với “oro, plata, mata” (có nghĩa là vàng, bạc, cái chết) cho mỗi bậc.
Nếu bậc thang cuối cùng ứng với “oro” – có nghĩa là cuộc sống của bạn sẽ rất tốt; nếu kết thúc bằng “plata”, bạn sẽ có một cuộc sống bình thường. Bậc cuối cùng mà mang tên “mata”, bạn hoặc ai đó trong gia đình có thể sẽ phải đối mặt với cái chết, bởi đó là bậc thang chết chóc. Chính vì vậy, rất ít cầu thang ở đây được xây theo con số lẻ.
3/. “Nhà hồn” ở Thái Lan : Trong khi rất nhiều nền văn hóa cố gắng xua đuổi, thậm chí là tìm cách diệt trừ những linh hồn xung quanh họ thì người Thái lại xây dựng “nhà hồn” cho linh hồn ma quỷ.
Người Thái cho rằng, những linh hồn sống ở khắp mọi nơi xung quanh bạn, họ không có chỗ để nương thân nên mới vây quanh bạn và quấy nhiễu. Do đó, người Thái đã nảy ra ý tưởng xây dựng ngôi nhà nhỏ mang tên “nhà hồn”.
Chúng sẽ được dựng lên bên cạnh nhà người sống đang ở. “Nhà hồn” chính là nơi để các linh hồn có thể cư trú ở trong đó, vì thế sẽ không làm phiền đến cuộc sống của bạn. Người Thái tin đây không chỉ là cách để xoa dịu các linh hồn, mà từ đó các linh hồn này sẽ giúp đem lại may mắn cho họ trong cuộc sống.
4/. Mái nhà cong trong kiến trúc Trung Hoa : Xây dựng và thiết kế mái nhà sao cho phù hợp là một phần quan trọng trong kiến trúc của người Trung Quốc. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kiến trúc mà còn mang ý nghĩa tín ngưỡng sâu xa.
Mái nhà của người Trung Quốc, đặc biệt là trong các thiết kế cung đình hay chùa chiền đều có dạng hình cong. Theo quan niệm của đạo Phật, linh hồn chỉ có thể bay theo đường thẳng, không thích những thứ có hình dáng cong.
Nhiều người cho rằng, những linh hồn ma quỷ sẽ bị rơi ra khỏi mái nhà khi gặp phải những đường cong trên mái, hay ngay cả khi chúng bay xuống từ phía trên cũng sẽ bị bật trở lại nếu va phải đường cong này. Do đó, người Trung Quốc tin, mái nhà cong sẽ giúp xua đuổi những hồn ma và khiến linh hồn tà ác tránh xa nơi ở của họ.
5/. Sơn “Haint blue” ở Phương Tây : “Haint blue” là tên gọi chung cho toàn bộ các sắc thái của màu xanh. Theo một số quan niệm của phương Tây, những sắc xanh này có tác dụng xua đuổi ma quỷ.
Nhiều người tin câu chuyện về “Haint blue” có nguồn gốc từ nền văn hóa của người Gullah ở miền Nam nước Mỹ. Họ cho rằng, ma quỷ không thể đi qua nước, vì vậy nếu sử dụng màu có sắc tố xanh giống như màu nước (haint blue) sẽ đánh lừa được ma quỷ là ngôi nhà bao phủ bởi một dòng sông. Do đó, chúng không thể vượt qua để vào nhà được.
Theo giả thuyết này, nhiều người đã sơn một phần hoặc thậm chí toàn bộ ngôi nhà của mình màu xanh của nước để đẩy lùi ma quỷ, giữ cho ngôi nhà tránh khỏi sự phá rối của các hồn ma.
NHỮNG ĐỊA DANH CÓ MA NỔI TIẾNG CHÂU Á
Dinh thự nhà Himuro ở Nhật Bản, pháo đài Bhangarh ở Ấn Độ, tòa nhà họ Hứa ở Việt Nam… Các vị khách du lịch ưa cảm giác rùng rợn sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm một điểm đến yêu thích ở châu Á. Xuyên khắp lục địa là các địa danh với tình tiết vô cùng ma quái của những câu chuyện sởn tóc gáy. Hãy đi một vòng châu Á để biết rõ hơn về những câu chuyện khiến chúng mình phải “đứng tim” này nhé !
1/. Tòa nhà họ Hứa – Sài Gòn, Việt Nam : Tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính, Q.1, tòa nhà có lối kiến trúc rất đẹp và tinh tế này là nơi bắt nguồn của câu chuyện đồn thổi nổi tiếng về con ma nhà họ Hứa. Mặc dù ngày nay đã trở thành trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố, nhưng vẻ ngoài cổ kính vẫn chất chứa những bí ẩn khơi gợi trí tò mò của rất nhiều người.
Ngôi nhà vốn thuộc quyền sở hữu của Hứa Bổn Hòa, một người Hoa rời bỏ Trung Quốc di cư sang nước ta từ thế kỉ 17. Từ hai bàn tay trắng, làm nghề nhặt ve chai, Hứa Bổn Hòa đã làm nên sự nghiệp lẫy lừng, sở hữu lượng bất động sản vô cùng lớn ở Sài Gòn thời đó. Người ta kể lại rằng Hứa Bổn Hòa có cô con gái út ông vô cùng yêu quý nhưng lại bị mắc bệnh phong, một căn bệnh nan y vào thời đó. Sau khi chết, hồn ma của cô gái vẫn vất vưởng trong căn nhà. Nhiều nhân chứng đã kể rằng nhìn thấy và có thể là nghe thấy tiếng cô gái gào khóc trong đêm.
2/. Bệnh viện Old Changi – Singapore : Bệnh viện Old Changi vốn là một bệnh viện quân đội bị đóng cửa từ nhiều năm trước. Khu này hồi xưa từng là nhà tù của phát xít Nhật, sau 1945 mới được phá dỡ để xây bệnh viện. Đây là một trong những nơi được cho là bị… ma ám nổi tiếng nhất ở châu Á. Bởi bên cạnh khu Old Changi này là khu Changi Commando Barrack – trại lính cũ của Nhật và là nơi xử tử các phạm nhân. Đã có rất nhiều người kể lại rằng họ chứng kiến những bóng ma không đầu, không chân đi lại trong khu vực. Gần đây, chính phủ cho trồng cây cối quanh đây nhiều hơn để biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng.
3/. Đảo Lipe – Thái Lan : Nếu bạn luôn hoài nghi về sự tồn tại của ma quỷ, hãy thử đến đảo Lipe vào kì Halloween ở vùng biển Andaman thuộc miền Nam Thái Lan và bạn có thể tin ngay mọi thứ. Đây là nơi sinh sống của dân tộc Chao-Le, một dân tộc thiểu số được mệnh danh là “dân gypsy của biển”. Họ vẫn sống với niềm tin rằng các sự vật thiên nhiên đều có linh hồn và khẳng định rằng hòn đảo này đầy rẫy những “hatoo” (theo ngôn ngữ Chao-Le có nghĩa là ma). Các khách du lịch từng ghé thăm nơi đây cũng đều nói rằng họ cảm thấy sự hiện diện của các lực lượng vô hình xung quanh. Hơn thế, họ cho rằng còn có cả những dấu chân ma để lại trên bề mặt cát biển. Những cư dân ở đây thường an ủi các linh hồn này bằng bánh trái và nước ngọt.
4/. Đường Tuen Mun – Hongkong : Con đường cao tốc này là nơi xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông vào năm 1978. Rất nhiều người lái xe nói rằng họ nhìn thấy những bóng ma đột nhiên xuất hiện trước mũi xe, khiến họ phải ngoặt tay lái bất ngờ. Ngoài ra, theo lời kể còn có cả những con ma nhảy múa trên đầu xe, nói thì thầm vào tai khiến người lái mất tự chủ và gây ra tai nạn.
5/. Đỉnh Everest : Đỉnh núi cao nhất thế giới được cho là bị ám bởi… hồn ma của nhà leo núi Andrew Irvine, người đã thiệt mạng trong cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi này vào năm 1924. Người ta kể rằng, linh hồn của anh ta liên tục viếng thăm lều của các tay leo núi khác. Vào năm 1975, hai nhà leo núi là Dougal Haston và Doug Scot nói là đã cảm thấy sự xuất hiện của hồn ma này ở phía sau lưng. Nhưng dường như hồn ma này lại không hề có ý đồ xấu, nó còn chỉ đường khiến hai nhà leo núi cảm thấy tự tin hơn trong suốt chuyến hành trình.
6/-. Pháo đài Bhangarh – Rajasthan, Ấn Độ : Pháo đài này được biết đến là nơi bị ma quỷ ám nhiều nhất tại Ấn Độ bởi những dấu vết bị phá hủy ở bên trong. Những biển hiệu cảnh báo đặt ngay cổng vào của pháo đài ghi rõ: Cấm mọi người không được “Bước vào ranh giới của pháo đài Bhangarh trước khi Mặt trời mọc và sau khi Mặt trời lặn”. Điều này chỉ càng làm tăng thêm những lời đồn đoán về sự kì lạ của nơi đây. Vô số truyền thuyết được kể lại về việc tại sao chỉ sau một đêm, cả pháo đài bị bỏ hoang. Hầu hết các câu chuyện đều cho rằng pháo đài này phải chịu một lời nguyền và hiện tại ma quỷ đang ám đầy trong đó.
Chuyện kể rằng có một nhà ảo thuật tên Singha Serva muốn cưới công chúa Ratnavati của tòa thành này. Sau khi bị công chúa cự tuyệt, ông ta đã ếm lời nguyền lên đầu cư dân nơi đây. Kết quả là, nơi này đã bị bỏ hoang chỉ sau 1 đêm và chẳng bao giờ có ai quay về đây tái định cư nữa.
7/. Dinh thự nhà Himuro – Nhật Bản : Nằm ở vùng cao nguyên đá ngay dưới ánh sáng của thủ đô Tokyo, dinh thự Himuro (hay dinh Himikyru) được cho là một trong những nơi bị ma ám ghê gớm nhất Nhật Bản. Người ta truyền tai nhau rằng, quần thể kiến trúc này là nơi trú ẩn của một trong những tên giết người tàn bạo nhất trong lịch sử hiện đại Nhật Bản. Các thành viên trong nhà Himuro bị cho là dính quá sâu vào những nghi thức tôn giáo đen tối nên đã bị giết bởi người đứng đầu gia đình (ngay sau đó, người này cũng đã bị chết vì ngã vào lưỡi gươm của mình).
Mặc dù chuyện này được cho là đã xảy ra khoảng 8 thập niên trước, nhưng nhiều người vẫn tin rằng linh hồn của cả dòng họ này vẫn đi lại trên mặt đất, máu tươi vẫn phủ ở đâu đó trên những mảng tường.
KỲ LẠ BÉ QUYẾT TIẾN ĐƯỢC ĐẦU THAI
Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) đang tồn tại câu chuyện khá ly kỳ. Một cháu bé cư nằng nằng nhận mình là đứa trẻ đã chết cách đây hơn mười năm và đòi về ở với bố mẹ người đã chết. Sau khi đưa ra nhiều “bằng chứng” chứng tỏ mình là cháu bé đã chết, cháu bé đã được nhận về nuôi như một sự sống lại của linh hồn đã chết trước đó.
Anh Tân và chị Thuận đều là cán bộ công tác tại thị trấn Vụ Bản. Anh chị kết hôn năm 1987 đến năm 1992 chị Thuận sinh cháu trai đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến, Tiến khoẻ mạnh bụ bẫm và lớn lên trong sự vui mừng khôn tả. Tai họa ấp đến trong một lần ra sông chơi, Tiến chẳng may chết đuối, khi ấy cháu 5 tuổi. Lúc này chị Thuận cũng không thể sinh thêm con vì lý do sức khoẻ.
Luân hồi ?
Con mất, vợ chồng anh Tân suy sụp. anh Tân cũng nghỉ việc, ra làm tự do. Vợ chồng anh Tân chị Thuận tưởng như sẽ phải sống với nhau trong sự côi cút không con thì một ngày đầu năm 2006, bỗng có một cháu bé tự khẳng định cháu chính là cháu Tiến, người đã bị chết đuối năm 1997 !
Nhấp chén nước, thả những vòng khói thuốc lá chậm rãi anh Tân đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện ly kỳ này. Khi Tiến mất cháu đang là học sinh trường mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Vụ Bản. Cô giáo dạy cháu Tiến là cô Đông và chính cô Đông là người đã phát hiện ra cháu Tiến đã “lộn về nguyên bản” ở cháu Bình con anh Hoan, chị Dự, người trong bản.
Cháu Bình sinh ngày 06/10/ 2002. Lần đầu tiên cô Đông thấy cháu Bình có những biểu hiện rất lạ, cô hỏi chuyện cháu bảo cháu không muốn học ở đây, cháu muốn được học ở trường của cháu. Cô Đông hỏi lại, thế trường cháu ở đâu ? Trường Hoa Hồng ở ngoài thị trấn, cháu Bình trả lời. Sao lại là trường Hoa Hồng, làm sao cháu biết trường đó, cô Đông thắc mắc. “Nhà cháu ở ngoài đó, nhà cháu gần nhà ông Lai”. Nghe Bình nói đến đây cô Đông sởn hết cả tóc gáy.
Cạnh nhà ông Lai là nhà anh Tân và lẽ nào…Thời gian tiếp theo cô Đông âm thầm tìm hiểu và biết thêm. Một lần chị Dự mẹ cháu Bình đánh cháu vì cháu nghịch bẩn hết áo quần. Rơm rớm nước mắt thằng bé bảo : “Mẹ đừng đánh con, bẩn áo quần thì mẹ đưa con về nhà con để con lấy”. Chỉ nghĩ trẻ con nói nên chị Dự không để ý gì. Những lần khác chị Dự có đánh Bình lại bảo “con đã chết một lần rồi, mẹ đừng đánh con lại chết lần nữa đấy”. Sau mỗi lần bị mắng là cháu lại đòi được về nhà.
Một lần cháu Bình đòi chị đưa về nhà, điên tiết chị Dự bảo thích thì ngồi lên xe tao chở đi. Bình ngồi sau xe bảo mẹ chở ra thị trấn, từ chợ thị trấn Bình bảo mẹ chở đến cuối sân vận động và rẽ vào phố Hữu Nghị. Đến số nhà 25, chính là nhà anh Tân, Bình xuống xe nói với mẹ “nhà con đây”. Tuy nhiên nhà đóng cửa, chị Dự lại chở Bình về. Một lần nữa, chị Dự đi chợ thi trấn và cho Bình đi cùng và đến chợ Bình lại nằng nặc đòi mẹ “đưa về nhà con”, hai mẹ con lại đến trước nhà anh Tân sau khi thấy cửa đóng then cài mẹ con lại ra về.
Mặc dù Bình nói vậy nhưng chưa bao giờ bao giờ chị Dự để ý gì vì nghĩ Bình chỉ là một đứa trẻ mới 4 tuổi. Câu chuyện thực sự “nóng” từ ngày cô Đông phát hiện ra những biểu hiện lạ ở Bình cùng với lời chị Dự kể cô Đông mới hoài nghi thực sự. Cô Đông đem chuyện kể lại với những giáo viên trong trường, trong đó có cô Phương. Là người quen biết với chị Thuận nên cô Phương đã lập tức kể lại câu chuyện ly kỳ này cho chị Thuận nghe : “cô vào trong xóm Cọi xem sao nghe nói thằng Tiến nó “lộn” về vào cháu Bình đang học ở trường trong đó”.
Cũng chẳng dám tin và đem chuyện kể lại với chồng, anh Tân lập tức giục vợ phải vào xem sao. Trước đây, khi cháu Tiến mới mất có một bà xem bói người Mường nói với anh rằng : “Anh đừng buồn, cháu Tiến linh thiêng lắm rồi sẽ quay về với anh thôi”. Lần khác anh đi xem bói tận Hoà Bình ông thầy cũng nói điều tương tự. Là người không mê tín nên lúc đó anh chỉ nghĩ rằng người ta động viên mình. Thế nhưng lúc nghe vợ kể lại câu chuyện Tiến lộn về trong xóm Cọi anh Tân cũng bán tín bán nghi và phân vân liệu lời thầy bói năm xưa có chăng lại là sự thật. Anh đã quyết định phải một lần đi tìm hiểu xem sao.
Hành trình tìm lại con
Một ngày sau anh Tân đã cùng với chị Thuận tìm đến xóm Cọi, tìm đến nhà vợ chồng Hoan Dự. Vốn chưa biết nhau nhưng khi đến nhà anh Tân cứ làm như đã quen biết gia đình từ lâu lắm. Không nhận ra ai nhưng chị Dự, anh Hoan cũng không dám hỏi vì nhỡ đâu người quen lâu rồi mình không nhận ra nếu hỏi lại… vô duyên. Sau mấy câu hỏi thăm anh Tân bắt đầu hỏi đến cháu bé: Thằng bé Bình đâu nhỉ bác ngắm tý xem lớn đến đâu rồi. Chị Dự cho biết cháu đang đi chơi cùng chúng bạn, một lát sau chị Dự cũng gọi cháu về để anh Tân gặp mặt. Về đến nhà thằng bé cứ lấm lét nấp sau cảnh cửa. Anh Tân buông lời : Có nhớ bác không, bác mua nhiều bi cho cháu đây này. “Biết rồi, lúc nãy thấy hai người đi đầu làng biết rồi”. Nghe thằng bé nói vậy anh Tân phát hoảng. Sao nó lại biết mình vào đây cơ chứ.
Sau vài câu chuyện hai bên trở nên thân tình anh Tân ngỏ ý muốn đưa cháu Bình về nhà chơi, anh Hoan chị Dự đồng ý. Riêng thằng bé nghe nói được đi là leo tót lên xe và chiều ngay hôm đó anh Tân đưa cháu Bình về nhà mình. Trên đường về, để thử thằng bé, anh Tân dừng xe trước một ngôi nhà cao tầng bảo cháu, nhà bác đấy cháu vào đi. Lập tức Bình bảo, đây không phải, nhà ở dưới kia cơ. Đi qua rất nhiều đường trong thị trấn, anh Tân không đi theo đường chính vì muốn thử thằng bé. Ngạc nhiên là Bình cứ chỉ rành rọt và cho đến ngôi nhà anh Tân thì mới thôi.
Vừa mở cửa nhà, Bình lập tức xuống xe và chạy tót vào trong và mở tủ bới đồ đạc. Chị Dự đi cùng đã định ngăn lại vì sợ vợ chồng anh Tân đánh giá con mình thiếu giáo dục nhưng anh Tân đã ngăn lại. Mặc cho cháu Bình tìm kiếm. Anh Tân hỏi thế cháu đang tìm gì. “Tìm cái máy bay và cần cẩu”. Nghe Bình nói anh Tân giật mình vì đây là hai món đồ chơi anh đã mua cho cháu Tiến trước đây. Đến lúc cháu qua đời anh mới mang vứt đi. “Bác cất đi rồi để lúc nào bác tìm lại cho cháu”, anh nói với cháu Bình. Sau bữa cơm anh Tân bảo cháu ra xe để chở hai mẹ con về nhưng thằng bé bảo, nhà ở đây, không về đâu. Nói rồi Bình chạy vào nhà leo lên giường :
- Đây là giường con, chỗ con nằm ở đây.
- Thế cháu hay nằm thế nào?
- Con nằm thế này này. Nói rồi Bình nằm sấp xuống giường.
Nhìn cái dáng Bình nằm y như Tiến năm xưa vợ chồng anh Tân lặng người, chị Thuận chỉ còn biết úp mặt vào lưng chồng khóc sụt sùi bởi thằng bé có những cử chỉ giống con mình năm xưa quá. Trước sự tha thiết của thằng bé đêm hôm đó chị Dự đã miễn cưỡng cho con ở lại với gia đình anh Tân. Biết chuyện thằng bé, đêm hôm đó hàng xóm láng giếng kéo đến chật kín nhà. Ai cũng thử Bình bằng những câu hỏi để xem nó kể lại chuyện ngày xưa có chính xác không.
Về ở hẳn với anh Tân
Đêm đầu tiên Bình ở với anh Tân chị Thuận, anh chị đã hỏi cháu rất nhiều chuyện. Hỏi chuyện… con chết thế nào, tại sao lại về trong xóm Cọi. Bình bảo, con cũng đã quay về nhà nhưng đến cái cống đầu ngõ có một người to lớn cứ chặn con lại rồi đuổi đi nên không vào được nhà. Một hôm đang ở dưới chân cầu Vụ Bản, nơi Tiến chết đuối gặp vợ chồng anh Hoan đi chợ về và… Tiến theo về Xóm Cọi, “lộn” vào Bình.
Cũng đêm đó, anh Tân giả vờ gọi lớn Tiến ơi, lập tức ở trong nhà Bình dạ và còn hỏi lại bố gọi gì con. Chỉ vào chị Thuận hỏi đây có phải là mẹ con không, cháu cũng trả lời phải. Những lời nói, những hành động rất giống Tiến đã làm cho anh Tân chị Thuận nghĩ rằng Bình chính là do Tiến “lộn” về. “Việc cháu gọi chúng tôi cũng hoàn toàn tự nhiên chẳng ai bảo với cháu cả”, anh Tân nhớ lại.
Đưa cháu Bình trả về với bố mẹ đẻ của cháu anh Tân vẫn canh canh trong lòng. Nghĩ đến chuyện thằng bè khóc lóc khi phải bắt về anh lại thương nó vô cùng, từ ngày nó đến với gia đình anh cứ nghĩ nó chính là Tiến. Thế nhưng, nó là con nhà người ta, mình nói ra không chỉ vợ chồng Hoan Dự mà cả thị trấn này sẽ nói là muốn cướp con người ta nên dựng chuyện. Bao nhiêu suy nghĩ cứ giằng xé trong con người anh Tân.
Về phần nhà chị Dự, mặc dù con cứ nằng nặc đòi ở với anh Tân chị Thuận nhưng đó là điều không thể. Anh chị lấy nhau cũng sáu năm mới có được cháu Bình, chị cũng không thể sinh được con nữa. Nhà anh Tân lại giàu có, nếu cho cháu về ở dư luận lại cho rằng mình bịa chuyện chỉ vì hám tiền. Ba ngày hôm sau, vì nhớ thằng bé anh Tân lại vào xóm Cọi thăm cháu. Vừa thấy anh Tân, Bình đã nhảy tót vào lòng anh như người thân thiết từ lâu lắm. Mặc cho bố mẹ, bà nội vẫn đang ngồi bên cạnh. Điều ngạc nhiên là chính Bà Thỉn bà nội cháu bé nói với anh Tân : “Từ ngày thằng Bình bắt đầu bi bô tập nói tôi đã biết nó không phải người Mường mà là người Kinh. Nó nói tiếng Kinh rành rọt, điều mà chưa một đứa bé người Mường nào giống thế”. Chính Bình cũng đã có lần nói với mẹ: “con là người Kinh, con không phải người Mường. Mẹ không đưa con về con sẽ chết”. Bà Thỉn đưa Bình đi học cháu khóc và nói: “cháu không học trường này đâu, cháu học trường gần nhà cháu cơ, trường ở ngoài thị trấn”.
Một thời gian sau đó Bình liên tục đòi bố mẹ “đưa về nhà con” và doạ “không đưa về con sẽ chết”. Một lần bình ốm nặng, anh Hoan chị Dự đã rất lo lắng, sợ điều thằng bé nói sẽ linh, nó sẽ chết thật. Dù được mỗi mình cháu nhưng không còn cách nào khác, cuối năm 2006 anh chị đã đồng ý cho Bình về ở hẳn với nhà anh Tân, chị Thuận. Từ ngày về với “nhà của con” Bình chơi vui vẻ và không còn bệnh tình gì nữa.
Ở Lạc Sơn chuyện “con lộn” xưa nay không phải là hiếm, không có gì là quá lạ lẫm. Thế nhưng, “con lộn” về ở hẳn với bố mẹ người đã chết như Bình thì chưa từng xảy ra. Sau khi Bình về ở với anh Tân chị Thuận, cả hai gia đình đã làm thủ tục cho nhận con nuôi. Bình được chuyển về trường mầm non Hoa Hồng nơi Tiến ngay xưa học và tiếp tục đi học. Kể từ ngày về ở với bố Tân, mẹ Thuận, Bình cũng được đổi thành tên Tiến và mang họ Nguyễn Phú Quyết Tiến, Tên họ trùng với cháu Tiến con anh Tân đã chết đuối cách đây hơn 10 năm.
Chị Thuận bảo, thời gian cháu Bình về ở với vợ chồng chị, câu chuyện này đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao. Không chỉ ở thị trấn Vụ Bản, cả tỉnh Hoà Bình đi đâu cũng nghe nói về chuyện “lộn con” có một không hai này. (theo Xuân Giao)
Xuân Mai post (tổng hợp)
CÓ THẬT NỮ HOÀNG CLEOPATRA CHẾT BỞI RẮN CẮN ?
Nữ hoàng Cleopatra là một người đàn bà lạ lùng nhất của thế giới Ai Cập cổ đại. Bà là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, vừa biết đàn hát, biết vẽ và nói được thông thạo 7 thứ tiếng. Không những thế, bà còn có kiến thức về toán học, thiên văn và y học. Đặc biệt, bà rất có khiếu hài hước…
Truyền thuyết kể lại rằng, vào năm 30 trước Công nguyên, sau thất bại tại trận thủy chiến Actium, người chồng sau của Cleopatra là danh tướng Mark Antony bị quân đội của Octavian truy đuổi. Trước khả năng cả hai vợ chồng có thể rơi vào tay địch thủ, trong khi Mark Antony dùng kiếm tự vẫn, vị nữ hoàng đã chọn lựa cho mình một cách giải thoát : Bà lén đem một con rắn mào – loài rắn cực độc của núi rừng châu Phi – vào khuê phòng khóa kín rồi thả cho rắn cắn để tự sát theo chồng. Cùng bà đi về thế giới bên kia cũng với cung cách trên là hai nữ tì.
Truyền thuyết này được lưu truyền hàng nghìn năm và đến nay, gần như mọi người đều mặc định việc bị rắn cắn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của Nữ hoàng Cleopatra.
Tuy nhiên, không phải không có người nghĩ khác. Năm 2008, tại châu Âu và Mỹ, nhà Ai Cập học Joyce Tyldesley đã cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Cleopatra : Nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập”. Trong cuốn sách, tác giả đã lý giải việc Cleopatra chết bởi rắn cắn là không có cơ sở, bởi thực tế, một con rắn dù độc tới cỡ nào cũng khó mà cùng lúc giết chết được ba người đàn bà. Theo Tyldesley, sở dĩ có truyền thuyết trên là do người Ai Cập rất sợ và tôn sùng loài rắn. Bản thân Cleopatra cũng từng đội vương miện mang hình rắn do các nghệ nhân chế tác với một sự sùng kính. Chính vì thế, người đời sau đã dùng rắn để thi vị hóa cái chết của bà.
Sự thật đến nay, không một cuốn sử nào kể lại một cách chi tiết, thuyết phục về cái chết của Cleopatra. Chuyện bà tự tử bằng cách cho rắn cắn có thể xuất phát từ việc, trong quan niệm của người Ai Cập cổ đại, một người bị rắn độc cắn có thể đi vào cõi bất tử. Ngay trong tài liệu của sử gia Hy Lạp Plutarch, mặc dù thừa nhận có thể có việc Cleopatra đem theo một con rắn vào phòng qua một chiếc bình quả sung hoặc bình nước, song ông cũng nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện trên, bởi theo sử gia này, một con rắn dù độc đến mấy cũng khó có thể cùng một lúc giết chết ba người đàn bà.
Trở lại với cuốn sách của Tyldesley. Theo Tyldesley, có quá nhiều lỗ hổng trong giả thuyết rắn độc. Cho dù con rắn có thể cùng lúc giết chết ba người đàn bà đi chăng nữa thì nó đã vào phòng như thế nào, rồi sau đấy đi đâu ? Hơn thế, đâu phải loài rắn nào cũng đều là rắn độc, và làm sao người muốn tự sát có thể đảm bảo chắc chắn rằng, với cách thức ấy, họ hoàn toàn có thể yên tâm đi về thế giới bên kia ? Thực tế, họ hoàn toàn có thể chọn lựa cách thức khác đi tới cái chết nhanh chóng, hiệu quả hơn, ví như dùng độc dược chẳng hạn.
Ủng hộ quan điểm của bà Tyldesley, chuyên viên Pat Brown, người lập hồ sơ tội phạm Mỹ, với sự trợ giúp của các chuyên gia nghiên cứu chất độc, chuyên gia tâm lý đã đi đến kết luận rằng : Một con rắn độc dù độc đến mấy thì khi nó cắn, cũng phải mất tới 2 giờ đồng hồ mới khiến một người chết. Hơn thế, đâu phải lúc nào rắn cắn cũng tiết ra nọc độc, và lượng nọc độc của một con rắn cũng không đủ để ba người khỏe mạnh chết cùng một lúc. Như vậy, nếu Nữ hoàng Cleopatra muốn chọn cách chết cùng lúc với các nữ tì của mình thì hẳn bà phải lựa chọn cách thức khác.
Cách thức ấy là gì thì hiện chưa ai dám khẳng định, song theo Pat Brown, chắc chắn nó không phải là cách dùng rắn cắn như trong truyền thuyết được lưu truyền từ trước tới nay. (theo Huy Bảo)
Cái chết của Nữ hòang Cléopatre
Khi đã bại trận, để thử lòng chung thủy của Marcus Antonius, Cleopatra sai người báo với ông rằng bà đã chết. Marcus Antonius đau khổ tự sát. Vài ngày sau Cleopatra cũng tự sát (có lẽ do chính bà thực hiện). Câu chuyện còn cho rằng bà bị một con rắn mào gà cắn cùng với hai người hầu. Thông thường mọi người cho rằng bà đã có chủ tâm để rắn cắn, vì người Ai Cập tin rằng nhờ thế có thể đạt tới bất tử. Trong mọi câu chuyện, bà đều chết với hai người hầu. Augustus, đang chờ đợi ở một cung điện gần đó, được thông báo về cái chết của bà và đã đích thân tới quan sát. Augustus đã hợp táng bà và Antonius trong một ngôi nhà mộ đôi mà bà đã chủ định xây từ trước dành cho hai người.
Con trai của Cleopatra với Caeser, Caesarion được người Ai Cập đưa lên làm pharaoh, nhưng Augustus đã thắng trận. Caesarion bị bắt và bị hành quyết theo lệnh của Octavian. Chấm dứt không chỉ giai đoạn cai trị của người Hy Lạp trên ngôi vị pharaoh ở Ai Cập mà cả giai đoạn pharaoh ở Ai Cập.
Ba con của Cleopatra với Marcus Antonius được miễn tội và được đưa về Roma nơi chúng được vợ của Antonius là Octavia nuôi nấng. Vài năm sau đó, Alexander Helios và Ptolemy Philadelphus biến mất không để lại dấu vết, chỉ còn lại Cleopatra Selene. Khi lớn lên, con gái Cleopatra Selene kết hôn với Vua Juba II của Mauretania và hạ sinh ít nhất một người con đặt tên là Ptolemy Philadelphus nhằm tưởng nhớ tới người em trai mất tích. Hình của Cleopatra Selene từng được khắc trên các đồng xu cùng với hình của Vua Juba. Ai Cập trở thành một tỉnh của đế quốc La Mã dưới quyền hoàng đế Augustus.
Mai Trung Tín post
Filed under: Kinh dị Tagged: Tâm linh, Tổng hợp
2013-08-16 03:00:05
Nguồn: http://clbhongoccan2013.wordpress.com/2013/08/16/cach-diet-ma-tru-quy/