Bên lề Hội thảo bàn về chương trình Sách giáo khoa (SGK) Lịch sử ở phổ thông, nhiều chuyên gia một lần nữa khẳng định: làm SGK cần mạnh dạn thay đổi tư duy, thoát khỏi những cách nghĩ, cách làm đã trở thành thói quen xưa nay.
Sự cần thiết trong việc đổi mới chương trình SGK Lịch sử đã từng được khẳng định tại Hội thảo quốc gia về giáo dục lịch sử ở trường phổ thông, hội thảo này do Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hồi tháng 8/2012. Nó một lần nữa được khẳng định trong Hội thảo diễn ra ngày 10/5 mới đây. Nhưng đổi mới như thế nào vẫn là vấn đề lớn.
Kiến thức SGK Lịch sử hiện thiếu chiều sâu
Nhận định về chương trình SGK môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay, TS. Tưởng Phi Ngọ – Phó trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Tp. HCM thẳng thắn, quan niệm hiện nay về môn sử không đúng nên đã dành quỹ thời gian cho môn này rất ít ỏi so với các môn khác (1,5 tiết/tuần cho lớp 10 và 12, 1 tiết/tuần cho lớp 11 theo chương trình chuẩn).
Cũng vẫn quỹ thời gian eo hẹp đó SGK phải chứa đựng nhiều chủ đề nên mặc dù kiến thức có đủ bề rộng nhưng lại thiếu chiều sâu, hơn nữa chương trình lại không dành thời gian cho học sinh luyện tập thực hành.
“Môn Lịch sử phải được coi là môn thi cố định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT” – TS Tưởng Phi Ngọ nói về tầm quan trọng của môn Lịch sử. Ảnh Xuân Trung
Từ việc thực hiện chương trình, TS Tưởng Phi Ngọ nêu thực trạng, hiện nay hầu hết giáo viên ở phổ thông không được quán triệt về tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình, mà chỉ biết tài liệu phân phối chương trình do các sở gửi về. Thực tế sinh viên sư phạm khi về trường phổ thông thực tập môn sử, các em cũng không được trang bị kiến thức về chương trình. Do vậy cả sinh viên và giáo viên không thấy được chương trình cần thiết và quan trọng hơn SGK. Do đó mới có chuyện lâu nay giáo viên chỉ dựa vào SGK để soạn giáo án, đây là một lí do quan trọng dẫn đến tình trạng giáo viên bị ám ảnh bởi quan điểm coi SGK là “pháp lệnh”.
“Đổi mới dạy học trước hết phải đổi mới chương trình, đổi mới chương trình việc đầu tiên là xác định vai trò của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục chung. Môn Lịch sử phải được coi là môn thi cố định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”, TS. Tưởng Phi Ngọ nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Quang Hiển (một nhà giáo rất quen thuộc với học sinh ôn thi đại học trên truyền hình, đồng thời là giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV) nêu thực trạng về SGK Lịch sử hiện nay như một “nguyên tắc” trong quá trình soạn giáo án, thực thi bài giảng, coi SGK là “pháp lệnh”. Đây là vấn đề nhỏ nhưng là vấn đề khởi đầu của cả quá trình đổi mới SGK Lịch sử.
“Giáo dục lịch sử nói chung, dạy học lịch sử ở trường phổ thông nói riêng sẽ giúp học sinh có được những năng lực gì? Đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất về năng lực khi học môn lịch sử. Nhưng chắc chắn là năng lực chỉ có thể hình thành trên cơ sở những kiến thức và kĩ năng nhất định. Phải chăng lâu nay chúng ta đang làm theo một quy trình ngược:xây dựng chương trình và biên soạn SGK trước rồi mới xác định mục tiêu? Đây là một bất cập lớn”, PGS. TS Vũ Quang Hiển nói.
“Phải chăng lâu nay chúng ta đang làm theo một quy trinhg ngược: xây dựng chương trình và biên soạn SGK trước rồi mới xác định mục tiêu? – PGS. TS Vũ Quang Hiển đặt câu hỏi.
Nói về sự bất cập trong chương trình SGK Lịch sử hiện hành, PGS. TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV) cũng thừa nhận, cấu trúc của SGK hiện nay là đi theo hình thức “đồng tâm”, 4 vòng tròn đồng tâm (tiểu học, THCS, THPT và Đại học) này học sinh sẽ không đủ năng lực để tiếp nhận những khái niệm lịch sử trừu tượng vượt quá độ tuổi của các em, chinh vì vượt quá độ tuổi nên kiến thức lịch sử không giữ lại được trong đầu các em.
“Môn Lịch sử được dạy ở đây có kết quả gần như bằng không, mà lẽ ra lịch sử Việt Nam phải hấp dẫn các em ở hai lớp cuối tiểu học, và ẩn chứa phía sau là bài học về nhân cách, về bản lĩnh của những danh nhân lịch sử truyền lại cho hậu thế”, ông nói.
Học sinh sẽ không chán Lịch sử, nếu…
Lâu nay học sinh ca thán nhiều rằng, môn Lịch sử mà các em đang học ở trường phổ thông kiến thức hàn lâm, nặng về số liệu, ít tranh ảnh, không có đề mục tóm tắt bài học, không trực quan, và vô số lí do khác nữa. Nhận định về những quan điểm trên, hầu hết các chuyên gia, các giảng viên, giáo viên dạy lịch sử ở trường đại học và phổ thông đều thừa nhận là đúng.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Côi (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thì SGK là tài liệu học tập chính của học sinh, vì thế trang đầu và trang cuối của sách có thể đưa phần hướng dẫn sử dụng sách. Việc này có thể căn cứ vào đối tượng học sinh ở từng khối, lớp, tùy nội dung cụ thể của cuốn sách mà hướng dẫn học sinh cách đọc SGK, cách khai thác những nội dung của sách, cách ghi nhớ kiến thức, những khái niệm quan trọng và phương pháp trả lời câu hỏi.
Đặc biệt, theo GS.TS Nguyễn Thị Côi, để thuận lợi cho học sinh SGK cần tăng cường các loại kênh hình (bản đồ, tranh ảnh, nhân vật, hình vẽ minh họa, bảng so sánh, thống kê, niên biểu, sơ đồ, đồ biểu).
Vẫn lấy cấu trúc “đồng tâm” nhưng có cách thể hiện khác, PGS.TS Phạm Xanh nêu ý tưởng, đó là việc phân chia kiến thức theo từng cấp học. Theo đó, cấp tiểu học học sinh sẽ học theo trục thời gian từ cổ đến kim, không gian từ khu vực và quốc gia. Lựa chọn nhân vật lịch sử của Việt Nam và thế giới có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của dân tộc và nhân loại, biên soạn dưới dạng những câu chuyện có thực và giai thoại của nhân vật đó thành môn Lịch sử lớp 4 và 5.
PGS. TS Phạm Xanh cho biết, giải cấu trúc SGK Lịch sử đó là một cuộc giải phẫu lớn mang tính cách mạng. Ảnh Xuân Trung
Cấp THCS, theo trục thời gian và không gian, lựa chọn những địa danh lịch sử gắn với những sự kiện lịch sử vạch mốc thời đại của dân tộc và của nhân loại thành môn Lịch sử dạy cho cấp học này.
“SGK được biên soạn theo cấu trúc này chắc chắn sẽ khắc phục được sự lặp lại nhàm chán, sự khô khan, có nghĩa là tạo được sự sống động, hấp dẫn, lôi cuốn của môn lịch sử vốn có của nó”, PGS. TS Phạm Xanh nhận định.
Vậy còn cấp THPT thì sao? Theo PGS. TS Phạm Xanh, với cấp học này cần được biên soạn không để đứt đoạn, từ nguồn gốc (dân tộc Việt Nam và nhân loại) đến nay, được chia thành 3 thời kỳ – lịch sử Cổ Trung đại, Cận đại và Hiện đại với trục thời gian tương ứng lớp 10 – 11 – 12. “Với độ tuổi từ 16 các em đã khá hoàn chỉnh về mặt trí tuệ, về tư duy và đặc biệt các em đã tích lũy được kiến thức lịch sử qua các nhân vật, các sự kiện lịch sử đã học ở hai cấp dưới, lúc đó sẽ có hứng thú và hào hứng để khám phá”, PGS. TS Phạm Xanh kỳ vọng.
PGS. TS Vũ Quang Hiển thì cho rằng, người Việt Nam phải biết sử ta, vì thế phần lịch sử dân tộc cần được nhấn mạnh hơn, chiếm thời lượng lớn hơn so với sử thế giới trong SGK.
Quan điểm của PGS. TS Vũ Quang Hiển là phân chia thành hai cấp học (THCS và THPT). Đối với THCS, ông cho rằng phần Lịch sử Việt Nam cần được biên soạn toàn diện, theo trình tự thời gian, nội dung gọn, không phân kỳ quá nhỏ và trình bày quá chi tiết. Coi trọng những vấn đề chính trị, quân sự nhưng không coi nhẹ các vấn đề về kinh tế, xã hội và bang giao. Đặc biệt, chú ý tới nội dung giáo dục ý thức về chủ quyền quốc gia, nhất là biên giới lãnh thổ và biển đảo trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc.
Ở cấp THPT, theo PGS Hiển thì nội dung theo nguyên tắc tích hợp, nâng cao nhưng không lặp lại nội dung của cấp dưới. Do đó biên soạn theo chủ đề là phù hợp nhất.
Nguồn : Giáo dục Việt Nam
2013-08-17 09:36:08
Nguồn: http://www.tinmoi.vn/De-SGK-Su-khong-con-la-noi-khiep-dam-voi-hoc-sinh-011265496.html