(Dân trí, 16/10/2010) – Trong các cơn giông, một loại côn trùng rất nhỏ thường bay thành từng đám ở ngoài trời hoặc xâm nhập vào nhà với khả năng có thể hút máu gây nên sự phiền hà cho sinh hoạt của con người. Đây là loài dĩn hút máu, một loại côn trùng ít được chú ý.
Loài dĩn Culicoides rất phổ biến ở Việt Nam
Dĩn họ Ceratopogonidae, thuộc lớp côn trùng hai cánh hút máu, kích thước rất nhỏ khoảng 1 – 2mm. Chúng có nhiều chi khác nhau nhưng chỉ có 3 chi là Culicoides, Lashiohelea và Leptoconops, trong đó chi Culicoides hoạt động phổ biến ở Việt Nam hơn cả.
Dĩn có màu nâu đen, chân dài, trên cánh có các lông lớn hoặc lông nhỏ. Vòng đời của dĩn phát triển qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, thanh trùng và dĩn trưởng thành. Dĩn thuộc nhóm côn trùng có vòng đời biến thái hoàn toàn. Dĩn đẻ trứng ở những nơi có nhiều mùn đất, rác thải, lá cây mục nát, đất ẩm, hốc cây, vũng bùn… Dĩn hoạt động phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên như ánh sáng, tốc độ gió, mưa, nắng…
Chi Culicoides hút máu vào ban đêm. Chi Leptoconops hút máu vào ban ngày, trời càng nắng chúng hút máu càng mạnh. Chi Lashiohelea thường hút máu vào buổi sáng hoặc lúc không có ánh nắng. Khi có cơn giông, dĩn xuất hiện nhiều và bay thành từng đám; chúng rất ham hút máu vật chủ như người, trâu, bò, dê, ngựa… Chỉ có dĩn cái trưởng thành mới có tập tính hút máu, dĩn đực không hút máu giống như loài muỗi.
Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, dĩn có khả năng truyền mầm bệnh giun chỉ, viêm não… Tuy vậy, vai trò truyền bệnh của loài dĩn hút máu chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ tại nước ta.
Dĩn hút máu sẽ làm chỗ bị chích đốt có cảm giác ngứa, khó chịu, nổi mẩn và dị ứng… Do loài dĩn có kích thước rất nhỏ nên chúng có thể chui luồn vào kẽ tóc, chui qua màn ngủ để hút máu, gây ngứa ngáy, mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.
Có thể sử dụng các biện pháp như dùng hóa chất xua diệt côn trùng, dọp dẹp vệ sinh quanh nhà ở, chuồng gia súc, bến nước tắm giặt… để triệt phá, tiêu hủy các nơi sinh đẻ của loài dĩn hút máu.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
BS: Khi bị dĩn đốt, chúng ta có thể lấy dấm ăn hoặc nước muối sinh lý bôi vào vết đốt ngay khi mới bị đốt hoặc nhìn thấy nó vừa bị phồng để chống bị nổi cục ngứa. Hoặc có thể bôi các thuốc chống dị ứng như kem phenergan 2% lên chỗ sưng, uống thêm các thuốc chống dị ứng loại certirizin 10mg (ngày 1 viên) hoặc loratidine 10mg (ngày 1 viên) + prednisolone 5mg (2-4 viên /ngày) nếu cần. Hoặc tại các vết đốt có ngứa, khó chịu có thể làm giảm đi triệu chứng bằng cách dùng các thuốc chống ngứa như Eurax, nhưng các phản ứng nghiêm trọng có thể dùng thêm các thuốc kháng histamine khác đồng thời. Cần lưu ý một số trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn đi kèm cần được xử trí kháng sinh và chống viêm.
Filed under: Môi trường
2013-08-14 00:52:03
Nguồn: http://khoahocvadoisong.wordpress.com/2013/08/14/din-hut-mau-loai-con-trung-it-duoc-chu-y/