Mới đây, một bé gái sơ sinh ở thành phố Leipzig, Đức đã trở thành tâm điểm của báo chí nước này khi em bé ra đời nặng tới hơn 6kg. Trước đó, mẹ của bé đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường trong khi mang thai.
Điều đặc biệt là mẹ của bé Jasleen đã sinh con theo cách thông thường thay vì phải mổ đẻ như bác sĩ dự đoán.
Cô bé Jasleen vừa được sinh ra vào ngày thứ 6 – 26/7 với cân nặng 6,11kg và dài 57,5cm – những con số quá “khủng” so với một em bé sơ sinh.
Bác sĩ Matthias Knuepfer và y tá đang chăm sóc cho Jasleen – em bé sơ sinh nặng nhất nước Đức.
Mẹ của Jasleen đã được chẩn đoán bị đái tháo đường trong khi mang thai. Chính điều này đã khiến cân nặng của bé lớn hơn nhiều so với những trẻ sơ sinh khác.
Sản phụ 31 tuổi chia sẻ: “Thực sự tôi bị sốc vì cân nặng của con mình. Tôi thấy bụng bầu của mình to hơn bình thường nhưng không nghĩ con mình lại lớn như vậy”.
Bé Jasleen được sinh ra ở thành phố Leipzig, hiện đang nắm giữ kỷ lục em bé sơ sinh nặng nhất nước Đức.
Jasleen vừa được sinh ra hôm 26/7 vừa qua. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của cô bé khá ổn định.
Giới y học từng biết tới những trường hợp “bé bự” nổi tiếng khác như:
Bé trai sinh ra tại Canada năm 1879 bởi sản phụ Anna Bates. Cậu bé ra đời gây sửng sốt cho cả giới y học với cân nặng 10,5kg nhưng đáng buồn, chỉ 11 giờ sau đó, cậu bé đã qua đời.
Năm 2005, ở Brazil, cậu bé Admilton được sinh ra với cân nặng 7,65kg.
Năm 2011, một gia đình ở bang Texas, Mỹ từng đón chào cậu bé JaMichael Brown nặng 7,2kg ra đời. JaMichael được coi là em bé sơ sinh nặng nhất bang Texas.
Bé JaMichael Brown lúc mới chào đời
Tháng 3 năm nay, một cặp vợ chồng người Anh cũng chào đón cậu con trai có tên George King với cân nặng 5,4kg.
Bé George King
Bệnh đái tháo đường trong thời kỳ mang thai có ảnh hưởng thế nào?
Bệnh đái tháo đường trong thời kỳ mang thai đúng như tên gọi của nó, là một bệnh lý xảy ra ở phụ nữ trong thời kỳ thai nghén. Ở Anh, người ta thống kê được rằng có tới 5% sản phụ mắc phải căn bệnh này.
Trong đa số các trường hợp, bệnh đái tháo đường trong thời kỳ mang thai thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ và thường sẽ tự khỏi sau khi sản phụ sinh con.
Bình thường, lượng đường trong máu của chúng ta được kiểm soát nhờ một loại hóc-môn có tên gọi “insulin” nhưng trong thai kỳ, một số phụ nữ có lượng đường trong máu cao bất thường khiến cơ thể không sản xuất đủ insulin để vận chuyển đường vào trong các tế bào. Vì vậy, lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng.
Bệnh đái tháo đường trong thời kỳ mang thai có thể được kiểm soát dựa trên chế độ dinh dưỡng và tập luyện nhưng một số phụ nữ sẽ cần phải được can thiệp y tế để kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn.
Nếu bệnh không được chẩn đoán kịp thời, nó có thể gây ra những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình sinh nở, chẳng hạn khiến trọng lượng em bé quá lớn so với thể trạng và độ tuổi của sản phụ.
Trong y học có một thuật ngữ là “macrosomia” để chỉ những em bé sinh ra có cân nặng bất thường. Tình huống này xảy ra khi lượng đường cao trong máu của người mẹ được truyền sang đứa trẻ khiến bào thai tự sản xuất ra hóc-môn tăng trưởng insulin khiến đứa trẻ to lớn bất thường.
Hiện tượng “macrosomia” có thể dẫn tới tình trạng khó sinh khi đầu của đứa trẻ có thể lọt qua âm đạo nhưng vai bị kẹt trong khung xương chậu của người mẹ. Tình huống này có thể rất nguy hiểm bởi nó cản trở lồng ngực trẻ hô hấp bình thường do bị mắc kẹt.
Theo dantri