Tuần trước, Cơ quan kiểm dịch thực vật và thú y liên bang Nga thông báo, các hành vi bất thường của chim bồ câu (chẳng hạn như đi đứng, ăn uống không quan tâm tới xe cộ hay khách bộ hành trên đường) do một hội chứng có tên “bệnh Newcastle” gây ra. Căn bệnh này có thể lây lan sang người.
Trong khi đó, theo Ủy ban thú y Moscow, việc chim bồ câu chết hàng loạt ở thủ đô là do nhiễm khuẩn salmonellа, một loại nhiễm trùng đường ruột lây lan ở người và động vật. Hãng thông tấn Interfax đưa tin, các chuyên gia thú y đã phát hiện những thương tổn do vi khuẩn salmonella, chứ không phải mầm bệnh Newcastle, gây ra ở hệ thống dạ dày – ruột và gan của các con chim chết.
Các con chim bồ câu mắc bệnh lạ, hành xử như “thây ma sống” trước khi chết. (Ảnh: RIA Novosti)
Leonid Pechatnikov – phó thị trưởng phụ trách các vấn đề xã hội của Moscow, khẳng định, kết quả mổ xác những con chim chết cho thấy, chúng đều bị mắc một bệnh nhiễm trùng đường ruột phổ biến, không nguy hiểm đối với con người.
Trưởng thanh tra vệ sinh dịch tễ Nga Gennady Onishchenko nói thêm rằng, mặc dù hiện tượng chim bồ câu chết hàng loạt chưa tới mức thành “dịch” như báo chí đưa tin, nhưng các bậc cha mẹ cần đề phòng khi con cái tiếp xúc gần với chim bị bệnh. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt lo lắng về các sân chơi của trẻ em… Nếu phát hiện một xác chim chết trên ban công, người dân phải đi bao tay và sử dụng chất tẩy uế”.
Các bác sĩ thú y cũng khuyến cáo, mặc dù dịch salmonella ở chim không nguy hiểm cho con người nhưng mọi người cần phải tránh việc tiếp xúc trực tiếp với chim bị bệnh.
Theo các chuyên gia, việc nhiễm khuẩn salmonella ở người thường hết sau 5 – 7 ngày, nhưng có một số ít người nhiễm salmonella bị đau ở các khớp, tấy rát mắt và tiểu buốt. Các triệu chứng của hội chứng có tên gọi Reiter này có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm và có thể dẫn tới chứng viêm khớp mãn tính.
2013-08-19 01:11:04